Cái kết của triết gia mở đường hủy diệt người Do Thái

Alfred Rosenberg được coi là nhà lý luận và nhà tư tưởng chính của Đế chế thứ ba, là kẻ thân tín của Quốc trưởng, đã viết nhiều tác phẩm được Đức Quốc xã coi là không kém cuốn sách 'Mein Kampt' (Cuộc chiến của tôi) của Hitler. Tại phiên tòa Nuremberg, Rosenberg phủ nhận việc mình có liên quan đến vụ thảm sát diệt chủng ở Holocaust và tuyên bố rằng hắn không nhúng tay vào máu.

Tuy nhiên, mới đây một cuốn nhật ký cá nhân của hắn được phát hiện cho thấy Alfred Rosenberg đã không ngừng tìm mọi cách tiêu diệt người Do Thái, hệ tư tưởng của hắn là nhất quán và cực kỳ vô nhân đạo.

Xuất thân đặc biệt

Alfred Rosenberg sinh năm 1893 tại thành phố Revel, tỉnh Estland, lúc đó là một phần của Đế quốc Nga trong một gia đình người Đức là thương gia giàu có vùng Baltic. Mất cha mẹ từ nhỏ, Alfred được người cô ruột nuôi dưỡng. Ban đầu Alfred được học tại Trường Thực nghiệm Revel Petrovsky, ở đó việc giảng dạy bằng tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ gốc đối với hắn.

A.Rosenberg phát biểu trước khai mạc Nước Đức vĩnh cửu.

A.Rosenberg phát biểu trước khai mạc Nước Đức vĩnh cửu.

Ngay từ nhỏ, Alfred đã bộc lộ khả năng vẽ và sau khi tốt nghiệp đại học đã học tại khoa kiến trúc của Học viện Bách khoa Riga. Nhưng do sự bùng nổ Thế chiến I và chiến sự ở Riga, Alfred buộc phải rời đến Moscow và tiếp tục học tại Trường Kỹ thuật Hoàng gia, sau này đổi tên thành Trường Kỹ thuật cao cấp Baurman.

Tại Moscow, Alfred đã chứng kiến Cách mạng Tháng Mười, những sự kiện này đã gây cho hắn ấn tượng buồn. Được nuôi dưỡng bằng những ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc Đức vốn cực kỳ phổ biến trong cộng đồng người Đức vùng Blatic vào thời điểm đó, Alfred luôn có ý nghĩ rằng, nước Nga vốn trở thành nạn nhân của một âm mưu cách mạng sẽ phải chịu sự hỗn loạn và hủy diệt. Nhưng Alfred vẫn hoàn thành chương trình học, nhận được bằng tốt nghiệp về kiến trúc rồi quay trở lại Revel lúc đó đã bị quân Đức chiếm đóng.

Tại đây, Alfred cố gắng gia nhập đơn vị Dân quân Baltic của Đức, được thành lập để bảo vệ Latvia khỏi những người Bolshevik, nhưng hắn bị từ chối vì là “người Nga”. Điều này đã trở thành một cú đòn thực sự đối với hắn, người tự coi mình là một “người Aryan đích thực” và khiến hắn phải rời vùng Baltic vào năm 1918 để đến nước Đức, quê gốc của tổ tiên.

Nhưng sau đó, nghịch lý này vẫn theo Alfred suốt đời. Ở Đức, hắn tiếp tục bị coi là “người Nga”, ở Nga thì bị coi là một “người Đức”. Có lẽ điều này buộc hắn cả đời phải chứng minh mình thuộc về “chủng tộc Aryan thượng đẳng” và thích làm một nhà tư tưởng Đức Quốc xã hơn làm nghề kiến trúc sư.

A.Rosenberg (phải) và Adolf Hitler.

A.Rosenberg (phải) và Adolf Hitler.

Sự nghiệp tại Đảng Quốc xã NSDAP

Hoạt động chính trị của Alfred Rosenberg bắt đầu vào năm 1919 khi chuyển đến sống ở Munich, nơi hắn coi là cái nôi thực sự của lịch sử Đức và các lực lượng cấp tiến xuất hiện để phục hưng “nước Đức vĩ đại” từng bị hạ thấp và rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Thế chiến I.

Những năm đầu tiên ở Munich vô cùng khó khăn khi Rosenberg đến đó cùng với người vợ trẻ người Estonia. Hắn buộc phải kiếm thêm tiền bằng cách dạy kèm và bán các bức vẽ của mình. Nhưng vốn là một người chống Cộng sản và bài Do Thái, hắn đã tìm thấy sự ủng hộ từ các nhóm cực đoan nhỏ đang phát triển tại thành phố. Hắn đi làm cho một tờ báo cực hữu ngầm và gia nhập đảng Công nhân Đức, sau này trở thành đảng Quốc xã vào năm 1920.

Không lâu sau, Rosenberg kết bạn với một trong những thành viên tích cực của đảng và là nhà xuất bản của một tạp chí bài Do Thái. Dietrich Eckart đã giới thiệu hắn với Adolf Hitler lúc đó còn chưa được ai biết đến. Họ tìm thấy tiếng nói chung dựa trên niềm đam mê hội họa và kiến trúc. Đồng thời, Rosenberg bắt đầu viết bài cho tạp chí của Eckart về các chủ đề mà mình quan tâm, đặc biệt là vấn đề về chủng tộc. Từ năm 1920 đến 1923, hắn đã viết không dưới 7 tác phẩm trở thành phổ biến đối với những người theo chủ nghĩa Xã hội Quốc gia. Năm 1923, Rosenberg trở thành Tổng biên tập tờ báo này.

Tháng 11/1923, Rosenberg tham gia vào vụ đảo chính ở Munich Beer Hall, kết quả của vụ này là Hitler bị bắt. Được Hitler bổ nhiệm làm lãnh đạo tạm thời của Đảng Quốc xã, Rosenberg ra sức để ngăn chặn sự sụp đổ của phong trào Đức Quốc xã. Sau khi Hitler được trả tự do, Rosenberg đã quay trở lại nghề báo và bắt đầu viết cuốn sách “Huyền thoại thế kỷ XX”. Vào đầu Thế chiến II, khoảng 1 triệu bản của cuốn sách này đã được bán, điều này đã củng cố vị thế của Rosenberg với tư cách là một nhà tư tưởng của đảng phái.

Năm 1930, Alfred Rosenberg được bầu vào Quốc hội Đức và trở thành chuyên gia về chính sách đối ngoại của đảng Quốc xã. Ngay sau khi Hitler được bổ nhiệm làm Thủ tướng, Rosenberg đứng đầu Cục Chính sách đối ngoại của đảng Quốc xã. Tiếp theo đó giữ thêm các chức vụ trong đảng, là thành viên trong ban lãnh đạo cấp cao của đảng và một năm sau là ủy viên giám sát việc đào tạo hệ tư tưởng của đảng.

Alfred Rosenberg.

Alfred Rosenberg.

Dưới cái bóng của Hitler

Bước tiến tới quyền lực chính trị lớn hơn của Alfred Rosenberg bắt đầu vào năm 1938, khi Hitler tán thành ý tưởng của hắn về một hệ thống đại học mới, hoàn toàn theo chủ nghĩa Quốc xã, sẽ gắn chặt đảng và giới tinh hoa tương lai của quốc gia vào hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc. Một phần không thể thiếu của hệ thống này là “Viện nghiên cứu vấn đề Do Thái”, được thiết kế để mang lại tính hợp pháp cho các chính sách bài Do Thái bằng cách chứng minh sự tồn tại “âm mưu của người Do Thái”, dựa trên sách và tài liệu lưu trữ tịch thu từ người Do Thái. Chiến tranh đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các hoạt động như vậy, vì nó có thể tổ chức cướp bóc các thư viện, bộ sưu tập của người Do Thái và các tài sản tương tự khác ở các quốc gia bị quân Đức chiếm đóng.

Được thành lập bởi Rosenberg vào tháng 10/1940, ERR - một tổ chức chuyên tịch thu và di dời tài sản văn hóa khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, cho đến cuối chiến tranh đã có gần 1,5 triệu toa tàu chở các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật từ châu Âu do Đức kiểm soát tới Đế chế.

Vào đầu năm 1941 Rosenberg tiến gần với giới chức thân cận của Hitler, những kẻ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô. Nền giáo dục Nga của Rosenberg kết hợp với thái độ chống Cộng sản không khoan nhượng đã mang lại cho hắn những lợi thế lớn trong cuộc chiến này, được tính toán nhằm hướng tới sự thống trị lâu dài của Đức tại lãnh thổ vô cùng rộng lớn này. Ngay sau cuộc tấn công vào Liên Xô, Hitler đã bổ nhiệm Rosenberg làm Bộ trưởng Đế chế tại khu vực phía đông đã chiếm đóng và những vùng dự kiến sẽ chiếm đóng trong tương lai gần, bao gồm khu vực Baltic, Belarus và Ukraine.

Vì vậy, khi ở dưới cái bóng của Hitler, Rosenberg đã có được quyền hành pháp vô hạn. Và mặc dù hắn chỉ trích việc cấp dưới của mình đối xử quá khắc nghiệt với dân thường tại các vùng bị chiếm đóng, nhưng nó chẳng khác gì trò phản tác dụng để đạt mục tiêu chiến thắng của “nước Đức vĩ đại” trong cuộc chiến.

Tại các vùng dưới sự kiểm soát của Rosenberg, “vấn đề Do Thái” đã được giải quyết một cách nhất quán bằng việc sát hại đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái một cách có hệ thống. Đến cuối năm 1941, hơn nửa triệu người Do Thái đã bị tiêu diệt và Estonia, nơi hắn sinh ra và lớn lên, trở thành khu vực đầu tiên do Đức chiếm đóng được tuyên bố là “không còn người Do Thái”. Các sĩ quan SS và cảnh sát cùng với các quan chức của Rosenberg theo dõi sít sao để những người Do Thái bị giam trong các trại tập trung sẽ bị giết ngay lập tức hoặc bị bóc lột sức lao động và họ sẽ không còn cơ hội sống sót ở đó.

Vì vậy, Bộ của Rosenberg đã đóng một vai trò then chốt trong việc phát triển “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái”. Đây là cơ quan chính phủ duy nhất đã cử không chỉ một mà là hai đại diện tới Hội nghị Wannsee khét tiếng diễn ra vào ngày 20/1/1942 để điều phối các bước tiếp theo cho việc sát hại tập thể người Do Thái tại khu vực châu Âu do Đức kiểm soát.

A.Rosenberg đọc lời khai tại tòa án Nuremberg.

A.Rosenberg đọc lời khai tại tòa án Nuremberg.

Cái kết tại tòa án

Khi kết cục của cuộc chiến đã trở nên rõ ràng, Alfred Rosenberg bắt đầu đổ lỗi thất bại cho các tướng lĩnh quân sự - Bormann, Himmler và Goering về cuộc “tiến về phía Đông” không thành, còn bản thân hắn càng cố sức tránh xa các hoạt động tích cực trong cuộc chiến này, gọi mình là một triết gia, chứ không phải là người lính.

Vào mùa xuân năm 1945, nhận thấy sự sụp đổ của Đức Quốc xã là không thể tránh khỏi, “nhà tư tưởng” chính của Đế chế thứ ba đã chuyển từ Berlin đến Flensburg, tin rằng nơi đây nằm dưới sự kiểm soát của người Anh và Vương quốc Anh sẽ không có yêu sách nào chống đối. Tuy nhiên, người Anh sau khi bắt giữ Rosenberg đã giao hắn cho tòa án quân sự.

Đối với Rosenberg điều này là hoàn toàn bất ngờ. Tại phiên tòa Nuremberg, hắn cư xử ngang ngược, cố chứng tỏ rằng mình bị sa vào đây một cách tình cờ, cáo buộc các nhà lãnh đạo của Đế chế thứ ba về sự thoái hóa của “ý tưởng” Xã hội chủ nghĩa quốc gia. Hắn sửa lỗi cho phiên dịch, thổi phồng kiến thức tiếng Nga của mình. Rosenberg cũng cố gắng thuyết phục các thẩm phán rằng mình luôn đối xử nhân đạo với thường dân ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và bàn tay của hắn ta không vấy máu.

Tuy nhiên, tòa tuyên hắn ta phạm tất cả mọi tội danh và kết án tử hình. Bản án đã khiến Rosenberg bị sốc, ngay lập tức trở nên tàn tạ, thu mình lại và là người duy nhất trong số tất cả các bị cáo từ chối nói lời cuối cùng. Ngày 16/10/1946 bản án được thi hành.

Một trong những bằng chứng về những tội ác của Rosenberg tại phiên tòa Nuremberg là cuốn nhật ký cá nhân của hắn được phát hiện sau chiến tranh tại một trong những lâu đài ở Bavaria. Trong 500 trang đã tiết lộ thế giới nội tâm của một kẻ có ý tưởng mở đường cho Holocaust. Các công tố viên đã xem xét cuốn nhật ký trong phiên tòa, nhưng sau khi Rosenberg bị kết tội và bị kết án tử hình, nó đã biến mất một cách bí ẩn và từ đó vẫn được coi là đã bị thất lạc vĩnh viễn.

67 năm sau, cuốn nhật ký đã xuất hiện tại một cuộc đấu giá quốc tế và được bán với giá 1 triệu đôla. Hóa ra sau phiên tòa, nó đã bị một trong những công tố viên người Mỹ nắm giữ bất hợp pháp. Cuốn nhật ký này hiện nằm tại Bảo tàng Holocaust ở Mỹ. Gần đây nó đã được xuất bản, nhưng không có gì đảm bảo rằng người Mỹ đã xuất bản nó với đầy đủ những ý tưởng và sự lầm tưởng về chủng tộc của Đế chế thứ ba mà tác giả của nó đã suy nghĩ và phản ánh.

Bích Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cai-ket-cua-triet-gia-mo-duong-huy-diet-nguoi-do-thai--i756332/
Zalo