Cái kết bi thảm của ông bố đi tìm con gái mất tích suốt 25 năm ròng rã

Hành trình tìm kiếm đứa con gái mất tích kéo dài 25 năm của một người cha ở Hàn Quốc đã biến ông thành biểu tượng quốc gia về lòng tận tụy không bao giờ lay chuyển của bậc cha mẹ.

Những biểu ngữ màu xanh và vàng xuất hiện khắp nơi ở Hàn Quốc cho thấy một cô gái 17 tuổi với đôi mắt dịu dàng và mái tóc bob gọn gàng. Nụ cười của cô như đông cứng theo thời gian. Những chữ cái màu đỏ bên cạnh bức chân dung của cô không mờ đi trong 25 năm qua, theo The New York Times.

"Làm ơn giúp tôi tìm Song Hye-hee!".

Sau khi cô mất tích vào một đêm mùa đông năm 1999, cha cô, Song Gil-yong, đã xem việc tìm con là công việc cả đời của mình. Khi ông đi khắp đất nước để dựng biểu ngữ và thay thế những chữ cái phai màu dưới nắng và mưa, khuôn mặt ông trở nên nhăn nheo và rám nắng.

Những biểu ngữ, mỗi dòng dài gần bằng một chiếc ôtô, trải dài trên vỉa hè khi dân văn phòng vội vã đi qua hàng ngày. Khi trời tối, chúng sáng lên nhờ đèn neon.

"Ông ấy luôn hy vọng rằng con gái vẫn còn ở đâu đó ngoài kia", Na Joo-bong (67 tuổi), chủ tịch của một tổ chức quốc gia dành cho trẻ em mất tích ở Hàn Quốc và là một trong những người bạn thân thiết nhất của ông Song, cho biết. "Ông ấy chỉ có một mong muốn: được nắm tay con gái một ngày nào đó".

Những biểu ngữ đã biến ông Song thành biểu tượng của lòng tận tụy của các bậc cha mẹ. Nhưng ông đã phải trả giá đắt, đánh đổi cả cuộc đời. Vợ ông tự tử. Mối quan hệ của ông với cô con gái lớn tan vỡ. Tiền tiết kiệm cạn kiệt sau mỗi lần ông mua biểu ngữ mới và mỗi dặm ông lái chiếc xe tải nhỏ màu trắng của mình.

Mùa hè năm nay, nằm gầy gò và kiệt sức trên giường bệnh, ông tự hỏi liệu mình còn có thể gặp lại Hye-hee không. Trăn trở đó đã đeo bám người cha cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng.

 Ông Song Gil-yong đã qua đời sau 25 năm ròng rã tìm con gái. Ảnh: Chosun.

Ông Song Gil-yong đã qua đời sau 25 năm ròng rã tìm con gái. Ảnh: Chosun.

"Không có ngày nào mà tôi không nghĩ đến Hye-hee"

Song Hye-hee, học sinh năm hai tại Trường Trung học nữ sinh Songtan ở Pyeongtaek, thành phố phía nam Seoul, đã ăn tối với bạn bè và lên xe buýt về nhà vào ngày 13/2/1999. Nhưng cô đã không trở về nhà kể từ đó.

Tài xế xe buýt nói với ông Song, lúc đó 45 tuổi, rằng con gái ông đã xuống ở trạm dừng cuối cùng, cách nhà gần 2 km, cùng với một người đàn ông ngoài 30 tuổi có mùi rượu. Ngôi nhà của gia đình nằm ở một khu vực thiếu ánh sáng của thị trấn với những con đường không trải nhựa.

Cảnh sát phân loại Hye-hee là người bỏ nhà đi vì luật pháp Hàn Quốc coi trẻ em mất tích phải dưới 8 tuổi. Phản ứng ban đầu của cảnh sát đã buộc ông Song và vợ phải tự mình tìm kiếm con gái.

Vài ngày sau khi Hye-hee mất tích, ông Song đã cầu xin sự giúp đỡ và cảnh sát bắt đầu điều tra vụ án của Hye-hee như trường hợp bắt cóc. Nhưng họ không tìm thấy dấu vết nào của cô.

 Ngôi nhà của gia đình Song ở Pyeongtaek bị bỏ hoang. Ảnh: The New York Times.

Ngôi nhà của gia đình Song ở Pyeongtaek bị bỏ hoang. Ảnh: The New York Times.

Cuộc tìm kiếm trở thành mối quan tâm duy nhất trong cuộc sống của cha mẹ cô. Họ bán doanh nghiệp nuôi chó và dốc hết tiền tiết kiệm để mua biểu ngữ và tờ rơi. Khi đi khắp đất nước treo biểu ngữ trên cây ven đường và cột điện, cả hai sống bằng rượu soju, thuốc lá và mì ăn liền.

Vợ của ông Song đã giúp ông phát tờ rơi cho đến khi ngón tay của bà bị trầy xước, ông nói trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Cặp vợ chồng cùng nhau lấy tờ rơi từ thùng rác trong phòng tắm công cộng và phát lại.

"Không có ngày nào mà tôi không nghĩ đến Hye-hee", ông chia sẻ vào năm 2013. "Tôi nghĩ không ai có thể sống thoải mái sau khi mất đi một đứa con cả".

Cuộc tìm kiếm dần quá sức đối với vợ của ông Song. Bà đã tự tử vài năm sau khi con gái mất tích, ông nói. Ông tìm thấy vợ mình nằm trên sàn, ôm một đống tờ rơi có ảnh của Hye-hee.

Cái chết của vợ khiến ông muốn tự tử nhiều lần cho đến khi con gái lớn Eun-ju khuyên can. "Con bé nói rằng nó sẽ trở thành trẻ mồ côi nếu tôi chết đi", ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Ông Song tiếp tục hành trình tìm con một mình. Ông thường rời căn hộ được nhà nước trợ cấp trên xe tải vào lúc rạng sáng và trở về sau khi Mặt Trời lặn. Một vài ngày, ông đi phà đến những hòn đảo xa xôi - nơi ông phát tờ rơi với hy vọng Hye-hee có thể sống ở đó.

Ông Song đã chi trả cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày và công cuộc tìm kiếm của mình bằng thu nhập kiếm được từ công việc xây dựng và bán phế liệu. Ông dần mất kiên nhẫn khi cơ thể ngày càng suy kiệt. Gia đình ông cũng trở nên khó chịu khi bị chú ý quá mức.

Ma Myong-nak (59 tuổi), người điều hành một nhà máy sản xuất biển hiệu ở Pyeongtaek và đã in hơn 1.000 biểu ngữ cho ông Song trong thập kỷ qua, cho biết: "Ông ấy tự hỏi mình có thể tiếp tục được bao lâu nữa".

Nhưng trên hết, ông Song cũng không thể tưởng tượng mình có thể làm gì khác ngoài tìm kiếm vô vọng.

Trái tim tan vỡ của người cha

Trong căn hộ của mình ở Pyeongtaek, ông Song dán ảnh của Hye-hee và vợ lên tường gần gối. Ông Na cho biết ông Song không thể ngủ nếu không nhìn thấy khuôn mặt của họ.

"Ông ấy cảm thấy phát ốm nếu không ra ngoài tìm con gái", Choi Jong-hyun (43 tuổi) - quản lý một trạm dừng chân trên đường cao tốc ở phía tây Pyeongtaek, nơi ông Song thường phát tờ rơi cho khách du lịch - cho biết. "Cảm giác tội lỗi lớn đến mức ông ấy không thể sống theo cách bình thường".

Niềm hy vọng của ông Song lớn lên khi nhiều người lạ liên lạc với ông qua số điện thoại được in trên biểu ngữ và nói rằng họ biết con gái ông ở đâu.

Năm 2012, ông nhận được tin nhắn từ một người đàn ông khẳng định đã nhìn thấy Hye-hee ở thị trấn gần đó. Người cha chạy ngay ra ngoài, nhảy lên xe tải và bắt đầu lái xe.

Ông xông vào đồn cảnh sát nơi người gọi đã đồng ý gặp. Nhưng mô tả của người đàn ông về người phụ nữ mà ông ta nhìn thấy không khớp với hình ảnh do máy tính tạo ra của Hye-hee 30 tuổi. Ông Song đã khóc trên đường lái xe về nhà.

Thời hiệu truy tố nghi phạm trong vụ án của Hye-hee đã hết hạn vào năm 2014. Ông Song ngày một già yếu, bị thoát vị đĩa đệm và chấn thương não nghiêm trọng sau cú ngã lúc treo biểu ngữ.

Nhưng cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục.

 Na Joo-bong, chủ tịch của một tổ chức quốc gia hỗ trợ trẻ em mất tích tại Hàn Quốc, cho biết ông đã hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm con gái mất tích của ông Song.

Na Joo-bong, chủ tịch của một tổ chức quốc gia hỗ trợ trẻ em mất tích tại Hàn Quốc, cho biết ông đã hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm con gái mất tích của ông Song.

Tại một nhà thờ Presbyterian mà ông tham dự ở khu phố của mình, mọi người mô tả ông là người khép kín. Ông sẽ ở lại ăn trưa sau các buổi lễ chủ nhật trước khi dành phần còn lại của ngày để treo biểu ngữ. "Ông ấy có một trái tim tan vỡ", Lee Jae-il, thành viên của giáo đoàn, cho biết.

Ông Na nói rằng hành trình của ông Song đã khiến con gái lớn xa lánh - người phải vật lộn với sự chú ý liên tục của công chúng và những lời đàm tiếu của gia đình chồng. Năm 2018, cô đã lấy lại chiếc xe tải mà mình cho cha mượn, với hy vọng chấm dứt những gì cô coi là nỗi ám ảnh tự hủy hoại bản thân, ông Na cho biết.

Ông Song đã mua một chiếc xe tải khác bằng số tiền ông nhận được từ một nhà tài trợ giấu tên. Nhưng đòn giáng khác đã xảy ra vào năm 2022, khi đứa cháu gái tuổi teen của ông, đứa con lớn nhất của Eun-ju, tự tử, ông Na cho biết.

"Nếu con gái đầu lòng của tôi cũng chết thì tôi chẳng còn gì nữa", ông Na nhớ lại lời ông Song nói.

Ông Song bắt đầu đặt câu hỏi nghiêm túc về việc liệu Hye-hee có còn sống không và cảm thấy đau buồn vì mối quan hệ tan vỡ với Eun-ju. Ngay cả khi đó, bạn bè ông cũng không thể khuyên can vì sợ người bố bị tổn thương.

"Thật không dễ dàng để từ bỏ một việc mà bạn đã làm trong suốt 25 năm", Kim Rye-yeong (39 tuổi), người đã kết bạn với ông Song, cho biết. "Việc tìm kiếm con gái đã cho ông ấy sức mạnh để sống tiếp".

Theo tính toán của ông Song, tính đến năm 2017, ông đã lái xe khoảng 800.000 km, phát 3 triệu tờ rơi và treo 2.500 biểu ngữ.

"Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi treo biểu ngữ và phát tờ rơi", ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2020. "Tôi không quan tâm nếu điều này có vẻ như là một nỗi ám ảnh".

Cuối cùng sức lực của ông Song đã cạn kiệt. Vào tháng 8, ông phải nhập viện vì Covid-19 và bệnh tim.

Vài ngày sau, vào khoảng trưa 26/8, cơn đau tim tái phát khi ông đang lái xe ở Pyeongtaek. Xe tải của ông vượt qua vạch kẻ đường, đâm vào một chiếc xe chạy ngược chiều. Ông Song được tuyên bố đã tử vong tại bệnh viện, hưởng thọ 71 tuổi.

Kể từ đó, phần lớn biểu ngữ từng rải rác khắp Hàn Quốc đã biến mất. Nhưng ông Na dự định dựng các biểu ngữ này lại như những gì ông đã hứa với người bạn của mình.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cai-ket-bi-tham-cua-ong-bo-di-tim-con-gai-mat-tich-suot-25-nam-rong-ra-post1517939.html
Zalo