Cái giá phải trả vì mua bán chất cực độc
Ngày 14/01, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1960, quê Bình Định), Hoàng Xuân Duẩn (SN 1984, quê Đồng Nai) và Trần Doãn Phát (SN 1963, quê Nam Định) về tội 'mua bán trái phép chất độc'.
Theo cáo trạng, khoảng 16 giờ ngày 17/3/2015, tại khu vực Dốc Dẻo (thuộc thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam), Tổ tuần tra Đồn Công an Tam Lãnh (thuộc Công an H.Phú Ninh) bắt quả tang Nhung đang vận chuyển 8 bao lát chứa 400kg chất độc Xyanua (NaCN) trên ôtô do Tr.X.Đ (SN 1982, ngụ TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) điều khiển. Quá trình điều tra xác định, năm 2014, Nhung hợp tác với một công ty khoáng sản đầu tư sản xuất, chế biến tận thu kim loại vàng tại thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh (Dự án khai thác này được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang còn trong giai đoạn thử nghiệm).
Để sản xuất, chế biến tận thu kim loại vàng, công ty đồng ý giao cho Nhung quản lý điều hành, tự thuê nhân công, lao động, đầu tư trang thiết bị và tự hoạt động sản xuất chế biến trong giai đoạn thử nghiệm. Nếu đạt kết quả tốt, sản phẩm có chất lượng cao, công ty sẽ ký kết hợp đồng kinh tế với Nhung. Công ty chịu trách nhiệm cung cấp quặng và hóa chất cho Nhung sản xuất, chế biến theo quy trình; đồng thời không giao hay ủy quyền cho Nhung trong việc liên hệ mua hóa chất Xyanua.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, vì số lượng Xyanua do công ty cung cấp không đủ để sử dụng nên Nhung đã tự ý tìm mua hóa chất để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sau đó, đối tượng liên hệ mua Xyanua của Nguyễn Công Lịch (SN 1967, ngụ TPHCM). Khi hai bên đạt được thỏa thuận, Lịch sẽ chuyển Xyanua về Quảng Nam cho Nhung bằng cách đóng gói hàng, gửi theo xe khách và Nhung chuyển tiền cho Lịch qua chuyển khoản. Cũng theo hồ sơ, tổng cộng giữa Lịch và Nhung 7 lần thỏa thuận, mua bán Xyanua với tổng số lượng hơn 1,7 tấn.
Đối với Lịch, nguyên là chủ cơ sở kinh doanh xi mạ tại xã Đức Hòa Thượng, H.Đức Hòa, Long An. Cơ sở kinh doanh này được phép mua Xyanua để phục vụ sản xuất, chế biến nên Lịch đã mua hợp pháp của một Công ty ở Q.Tân Phú (TPHCM) với số lượng 1,5 tấn giá 180 triệu đồng. Việc mua bán của hai bên đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Lịch khai do kinh doanh thua lỗ nên cơ sở kinh doanh còn tồn kho hơn 1,3 tấn Xyanua. Khi Nhung hỏi mua thì Lịch đã bán số lượng hàng tồn kho này.
Liên quan đến vụ án, tháng 5/2020, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt bị cáo Lịch 10 năm tù về tội "mua bán trái phép chất độc". Riêng Nhung, quá trình điều tra đã bỏ trốn và đến ngày 09/01/2024 thì bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam bắt theo quyết định truy nã. Quá trình điều tra, Nhung thừa nhận từ tháng 12/2014 đến tháng 3/2015 đã 7 lần mua trái phép với tổng khối lượng 1,7 tấn Xyanua từ Lịch với giá gần 400 triệu đồng.
Riêng vụ mua bán 400kg Xyanua giữa Nhung và Lịch vào ngày 14/3/2015, quá trình điều tra xác định, Lịch là người trực tiếp liên hệ với Chi nhánh 1 của Công ty Đ.V (Quận 6, TPHCM) thông qua Duẩn (kế toán Chi nhánh) để thỏa thuận mua 400kg Xyanua với giá gần 5 triệu đồng. Sau đó, Duẩn gọi điện thoại cho Phát (Trưởng Chi nhánh kiêm thủ kho) để mở kho, xuất bán cho Lịch. Quá trình mua bán, mặc dù Duẩn và Phát không quen biết với Nhung, trước đó cũng chưa từng bán Xyanua cho Nhung nhưng cả hai đã không kiểm tra điều kiện của người mua khi xuất hóa đơn bán hàng, không lập hồ sơ hợp đồng mua bán, không có phiếu kiểm soát mua bán chất độc...
Sau khi xem xét các tình tiết và toàn bộ hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt bị cáo Nhung 15 năm tù, Duẩn 3,5 năm tù và Phát 3 năm tù về tội danh nói trên. Điều đáng nói, tháng 6/2003, Nhung từng bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 7 năm tù về tội "mua bán trái phép chất ma túy".