Cái chết của thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah hình thành trật tự mới ở Trung Đông

Việc thủ lĩnh tối cao của Hezbollah Hassan Nasrallah bị sát hại tác động như thế nào đến trật tự tại Trung Đông?

Thành công lớn của quân đội Israel

Thành công lớn của quân đội Israel

Chiến dịch quân sự của Israel ở Lebanon đạt được bước tiến mới sau khi tiêu diệt Hassan Nasrallah, Tổng thư ký phong trào Hezbollah và là một trong những nhân vận chủ chốt của “Trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo. Người Israel đã săn lùng thủ lĩnh Hassan Nasrallah trong hơn 20 năm - kể từ năm 1992, ông Nasrallah được bầu làm thủ lĩnh Hezbollah khi mới 32 tuổi, sau khi một trực thăng chiến đấu của Israel giết chết người tiền nhiệm Abbas al-Musawi. Ngoài Hassan Nasrallah, Chỉ huy Mặt trận phía Nam, Ali Karaki và Tướng Abbas Nilfarushan, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cũng đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Cuộc tấn công tiêu diệt thủ lĩnh tối cao Hasan Nasrallah có thể được xem là một trong những hoạt động hiệu quả nhất của Israel trong thập kỷ qua và xét về mặt tiếng vang, thậm chí còn vượt qua vụ sát hại người đứng đầu Bộ Chính trị của phong trào Hamas, Ismail Haniyeh vào tháng 8 vừa qua. Điều này không chỉ xét tới quy mô của hoạt động (xóa sổ toàn bộ một khu nhà ở Beirut so với một cuộc tấn công có chủ đích ở Tehran), mà là hiệu ứng tâm lý đến không chỉ phong trào Hezbollah mà còn đến các lực lượng khác trong “Trục kháng chiến”.

Cuộc tấn công là kết quả của sự hiệp đồng tác chiến giữa quân đội Israel và các cơ quan tình báo, bắt đầu bằng một “cuộc tấn công bằng máy nhắn tin, bộ đàm, thiết bị điện tử” và chuyển thành các cộc không kích lớn như một phần của “Mũi tên phương Bắc”, và quy mô, hiệu quả của các đợt tấn công tăng dần. Chỉ trong vài tuần, ít nhất 30 thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah đã bị tiêu diệt - có lẽ phong trào này chưa phải chịu tổn thất quy mô lớn như vậy kể từ cuộc chiến tranh tại Lebanon lần thứ 2 năm 2006. Và khả năng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sắp bắt đầu một chiến dịch trên bộ ở miền Nam Lebanon chỉ làm tăng thêm mối lo ngại cho đối thủ.

Mặc dù không muốn nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông xảy ra buộc Mỹ phải can thiệp trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần, song phản ứng của Washington đối với cái chết của thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah lại khá bình thản, thậm chí ở một số nơi còn tán thành những gì đã xảy ra. Bình luận sau vụ việc, Tổng thống Joe Biden nói rằng, ông Hassan Nasrallah “chịu trách nhiệm về vụ sát hại hàng trăm người Mỹ và Israel “có quyền tự vệ”. Các thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa, điển hình như Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ tương tự.

Iran tiếp tục bị đẩy vào tình thế khó xử

Cái chết của thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah đẩy Iran vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tehran cho rằng, Washington chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc và tin rằng, Mỹ đang cố gắng thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông, cũng như làm suy yếu ảnh hưởng quân sự - chính trị của Iran. Tuy nhiên, có vẻ như Iran tạm thời đang hạn chế các tuyên bố khiêu khích làm gia tăng căng thẳng và không có ý định đối đầu trực tiếp với Israel và Mỹ, đặc biệt là khi Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vẫn chưa từ bỏ hy vọng thổi luồng sinh khí mới vào cuộc đối thoại Mỹ - Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào Tehran.

Mặt khác, Iran, theo truyền thống, không cấm các nhóm ủy nhiệm của mình phản ứng trước cái chết của thủ lĩnh Hassan Nasrallah. Thậm chí, ban lãnh đạo đã “bật đèn xanh” cho những hành động trả đũa “táo bạo” hơn. Điều này được thể hiện qua cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen vào sân bay Ben Gurion trước khi chuyến bay của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hạ cánh. Mặc dù cuộc tấn công đã bị hệ thống phòng không Hetz của Israel đánh chặn và không thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng sân bay, nhưng có thể sẽ là phát súng đầu tiên báo hiệu các cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn mà các lực lượng trong “Trục kháng chiến” sẽ triển khai thời gian tới.

Thực tế cho thấy, Tehran đã có phản ứng chậm trước cái chết của Ismail Haniyeh (thủ lĩnh Hamas), Fuad Shukr (chỉ huy cấp cao của Hezbollah), cũng như một số thành viên cấp cao khác của “Trục kháng chiến”, giải thích điều này bằng cách đang chuẩn bị cho một “cuộc tấn công trả đũa”. Tuy nhiên giờ đây, Hassan Nasrallah được bổ sung vào danh sách để trả thù vốn đã gồm hàng chục thân tín, Iran sẽ phải tìm cách thuyết phục các lực lượng ủy nhiệm trong “Trục kháng chiến”; đồng thời, đối phó với kẻ thủ bảo đảm không vượt quá giới hạn cho phép.

Rõ ràng, sự chậm trễ của Iran khó tránh khỏi tình trạng bất mãn trong “Trục kháng chiến”. Các thành viên của mạng lưới ủy nhiệm Iran có lý khi lo sợ rằng họ có thể là người tiếp theo trong danh sách bị tiêu diệt. Tình hình được coi là nguy hiểm không chỉ ở Hamas, nơi các thủ lĩnh còn lại của phong trào đang “nằm trong tầm bắn” của quân đội Israel trong suốt một năm qua, mà còn ở Yemen. Bằng cách loại bỏ thủ lĩnh Houthi Abdul-Malik al-Houthi, người Israel có thể sẽ làm đảo lộn cán cân quyền lực trong khu vực, điều mà các lực lượng thân Saudi Arabia và UAE sẽ không thể lợi dụng sự hỗn loạn để phá vỡ lệnh phong tỏa thương mại ở Biển Đỏ.

Tất nhiên, “Trục kháng chiến” đang cố gắng bằng mọi cách để thể hiện sự đoàn kết trong việc xây dựng một mặt trận thống nhất chống Israel. Ví dụ, sau cái chết của Nasrallah, Hamas, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc giao tranh ở Dải Gaza, đã tuyên bố sẵn sàng hiệp đồng tác chiến với Hezbollah, mặc dù không nói rõ cuộc chiến sẽ được phối hợp như thế nào. Tiếp đó, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố sẵn sàng tham gia vào mặt trận; các nhóm quân ở Iraq cũng hứa sẽ hỗ trợ vũ khí và tình nguyện viên cho Hezbollah ở Lebanon.

Ai sẽ là thủ lĩnh mới của Hezbollah?

Song trong bối cảnh hiện nay, Hezbollah có lẽ chỉ nên coi những tuyên bố trên của đồng minh là phép lịch sự cần thiết. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà tổ chức này cần phải giải quyết là ổn định tình hình nội bộ. Trong bối cảnh IDF có thể triển khai chiến dịch trên bộ ở miền Nam Lebanon vào bất cứ lúc nào, các chiến binh Hezbollah không thể để tang thủ lĩnh của họ trong thời gian dài, đặc biệt là khi IDF sẽ không để cho đối thủ có thời gian để nghỉ ngơi. Do đó, phong trào Hezbollah cần một lãnh đạo mới để không rời vào tình trạng “rắn mất đầu”.

Theo giới phân tích chính trị, ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ Tổng thư ký Hezbollah là Hashem Safi ad-Din, em họ của thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah. Safi ad-Din là thành viên trong ban lãnh đạo của Hezbollah trong thời gian dài, đồng thời đứng đầu hội đồng điều hành phong trào. Ngoài mối quan hệ khá thân thiết, Safi ad-Din còn có kinh nghiệm dày dặn chiến đấu dưới ngọn cờ của phong trào - ông đã cống hiến khoảng 25 năm cuộc đời mình cho Hezbollah.

Ngoài ra, Safi ad-Din còn có quan hệ rất mật thiết với Iran (con trai ông kết hôn với con gái của Qassem Soleimani, chỉ huy huyền thoại của lực lượng al-Quds Iran, người từng góp tay tạo ra “Trục kháng chiến” do Tehran dẫn dắt). Nếu Safi ad-Din được bổ nhiệm vào vị trí Tổng thư ký, Tehran sẽ duy trì quyền kiểm soát “thủ công” đối với các hoạt động của phong trào Shiite, và bản thân Hezbollah sẽ càng được tích hợp sâu hơn vào hệ thống hoạt động đặc biệt của Iran. Không phải ngẫu nhiên khi các cố vấn quân sự Iran đang tích cực vận động hành lang cho Safi ad-Din.

Mặt khác, dù Safi al-Din có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng ông sẽ nhậm chức trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Các cuộc tấn công của quân đội Israel, kể từ việc cho nổ hàng loạt máy nhắn tin, bộ đàm, thiết bị quân sự, đã ảnh hưởng đến hoạt động của bộ chỉ huy, làm gián đoạn liên lạc giữa các đơn vị. Hơn nữa, những thành công gây tiếng vang của IDF có thể sẽ khiến “lòng quân” trong hàng ngũ chiến binh của Hezbollah hoang mang.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để Israel có thể loại bỏ Hezbollah, ngay cả khi sức mạnh của phong trào đã bị suy yếu đáng kể. Cái chết của thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah không phải là trường hợp đầu tiên (và có thể cũng không phải là cuối cùng), song sau mỗi một lần mất mát, Hezbollah lại hồi phục nhanh chóng nhờ sức mạnh tinh thần đoàn kết của người Hồi giáo. Hơn nữa, bài kiểm tra quan trọng nhằm tìm lời giải cho hoạt động tấn công trên bộ của IDF ở Nam Lebanon vẫn còn ở phía trước. Nếu ngăn chặn cuộc tấn công của Israel sâu vào sông Litani, Hezbollah có thể hóa giải tốt chuỗi thành công của Israel trên hướng Lebanon.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cai-chet-cua-thu-linh-toi-cao-hezbollah-hassan-nasrallah-hinh-thanh-trat-tu-moi-o-trung-dong-226229.htm
Zalo