Cải cách tiền lương: Nâng cao đời sống nhân dân, góp phần ổn định xã hội

Ngày 17/4, Ủy ban TVQH tiếp tục phiên họp cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Thẩm tra sơ bộ về nội dung này, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã ghi nhận những kết quả tích cực nhưng cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo chính sách này để khả thi và hiệu quả trong dài hạn.

Ủy ban Văn hóa và Xã hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận 83-KL/TW và Nghị quyết 142/2024/QH15, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và thách thức. Các chính sách đã được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công; đồng thời tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Những điều chỉnh này cũng giúp tăng thu nhập, tạo niềm tin và sự đồng thuận cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, từ đó góp phần ổn định xã hội.

Đặc biệt, việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 500.000 đồng/tháng, với 5 địa phương chi trả cao hơn mức chuẩn và 32/63 địa phương bổ sung đối tượng thụ hưởng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến nhóm đối tượng đặc thù, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội. Dù mức điều chỉnh không quá lớn, đây vẫn là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Ủy ban Văn hóa và Xã hội chỉ ra rằng Báo cáo 187/BC-CP của Chính phủ vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Trước hết, báo cáo được gửi chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thẩm tra của các cơ quan Quốc hội. Nội dung cải cách tiền lương chủ yếu chỉ liệt kê các quy định hướng dẫn, thiếu số liệu cụ thể về kinh phí chi trả, quỹ tiền thưởng (dự kiến 16,5 nghìn tỷ đồng), và số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo từng cấp, từng khu vực, từng địa phương. Điều này khiến việc đánh giá tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi ngân sách nhà nước chưa thực chất và toàn diện, trong khi cải cách tiền lương là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi nguồn lực ổn định, chủ động và sử dụng hiệu quả.

Trên thực tế, việc chi trả phần tăng thêm sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2.340.000 đồng/tháng ở một số địa phương còn chậm, một số nơi phải tạm ứng hoặc vay từ nguồn khác để chi trả, gây khó khăn trong triển khai. Kinh phí điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP chưa được bổ sung dự toán năm 2024 kịp thời, dẫn đến tâm tư, phản ánh từ người thụ hưởng tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Một số đơn vị chậm chi trả theo chế độ lương mới, ảnh hưởng đến việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, và tác động đến các đối tượng không thuộc khu vực công nhưng chịu ảnh hưởng từ chính sách, như những người tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Ủy ban cũng lưu ý rằng Chính phủ chưa có kết quả rà soát hoặc đề xuất sửa đổi khung pháp lý để sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù trước hạn 31/12/2024, theo yêu cầu của Nghị quyết 142/2024/QH15. Đến nay, mới chỉ có Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù, trong khi 26/34 cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế này phải sáp nhập, chia tách hoặc tổ chức lại. Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về tiến độ, lộ trình hoàn thành và các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện yêu cầu này. Đồng thời, cần định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội để tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho đối tượng bảo trợ xã hội, và sớm triển khai chính sách trợ cấp cho hộ nghèo không thể thoát nghèo theo Nghị quyết 42-NQ/TW và 108/2023/QH15.

Để cải cách tiền lương đạt hiệu quả bền vững, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung số liệu chi tiết về kinh phí tích lũy, tổng kinh phí đã chi đến 31/12/2024, và mức độ bảo đảm nguồn lực ngân sách, đặc biệt tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Đồng thời, cần tiếp tục tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, đổi mới cơ chế quản lý và tài chính, nhằm tạo động lực phát huy năng lực, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu hút nhân lực chất lượng cao vào bộ máy nhà nước.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cai-cach-tien-luong-nang-cao-doi-song-nhan-dan-gop-phan-on-dinh-xa-hoi-162937.html
Zalo