Cải cách tiền lương góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống

Sáng 17/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Về điều chỉnh mức lương cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 01/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tiền lương theo Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 (Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV).

Chủ động, tích cực triển khai các chủ trương của Đảng, Quốc hội và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chính sách tiền lương, lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo đúng quy định, tạo được sự đồng thuận cao, thiết thực góp phần nâng cao đời sống các đối tượng hưởng lương và chính sách trợ cấp, phụ cấp đối với các đối tượng liên quan; bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Đồng thời, tích cực triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Tại phiên họp, các ý kiến thảo luận đều ghi nhận và đánh giá, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các đối tượng hưởng lương hưu, góp phần ổn định xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đợt điều chỉnh lương vừa qua là thành tựu lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chính phủ đã khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng trình Quốc hội. Quốc hội đã rất khẩn trương ban hành những cơ chế, chính sách và được Chính phủ triển khai thực hiện toàn diện trên cả nước.

"Trong điều kiện đất nước ta còn nhiều khó khăn nhưng phải nói đợt tăng lương, điều chỉnh lương năm 2024 vừa rồi là một thành tựu rất đáng ghi nhận và được cán bộ, đảng viên, nhân dân và những người hưởng lương, kể cả đối tượng chính sách lương hưu đánh giá rất cao. Tăng đều, ai cũng được tăng và tăng rất cao. Điều đó rất quý, rất mừng!" - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Trong thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương để triển khai triệt để định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội, trong đó cần lưu ý thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm một cách thực chất, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tới đây, sau sắp xếp tổ chức bộ máy, chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mới chính thức đi vào hoạt động sẽ có đánh giá cụ thể tinh gọn bộ máy thế nào, giảm bao nhiêu biên chế, tiết kiệm được bao nhiêu ngân sách để bố trí cho đầu tư phát triển, chế độ chính sách, an sinh xã hội…, qua đó tính toán, cân đối.

“Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, đánh giá rõ ràng” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý và nêu kinh nghiệm nhiều nước tinh gọn bộ máy dựa vào công nghệ số và trả lương cao, vì tinh gọn thì mới có tiền trả lương cao, còn sử dụng công nghệ số để giảm bớt sự phụ thuộc vào con người.

Báo cáo tiếp thu, giải trình tại tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp đề xuất một số nhiệm vụ liên quan, từ đó đề xuất Ban Chấp hành Trung ương đánh giá lại Nghị quyết 27-NQ/TW để có giải pháp căn cơ, chiến lược, chính sách tiền lương lâu dài.

Đề cập việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ sẽ tổng hợp số người nghỉ việc, tương ứng nguồn kinh phí chi trả bao nhiêu, cùng với đó là giải pháp cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội nội dung này tại Kỳ họp thứ 9; đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo, rà soát cập nhật số liệu và đánh giá rõ kết quả, bất cập, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và đề xuất kiến nghị, giải pháp cũng như dự báo những khó khăn, thách thức trong lộ trình thực hiện với bối cảnh tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cai-cach-tien-luong-gop-phan-co-ban-nang-cao-thu-nhap-cai-thien-dang-ke-doi-song.676327.html
Zalo