Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa

Năm 2025, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt với cơ quan Hải quan giải quyết nhanh chóng và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng như tạo thuận lợi cho công tác cấp C/O.

Bộ Công thương phối hợp chặt với ngành Hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Công thương phối hợp chặt với ngành Hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp trước thuộc lĩnh vực Công thương.

Trong đó, liên quan đến tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cải cách thủ tục hành chính, Bộ này khẳng định, công tác cải cách hành chính hoạt động kiểm tra chuyên ngành được Bộ Công thương đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Năm 2025, Bộ tiếp tục phối hợp chặt với cơ quan Hải quan giải quyết nhanh chóng và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Hiện, các phòng thử nghiệm được chỉ định đã tiến hành thử nghiệm với thời gian nhanh nhất để các doanh nghiệp có kết quả sớm thực hiện thông quan lô hàng, theo đó, Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu (tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp) được cấp trong 1 ngày làm việc.

Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O ưu đãi), tạo thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng FTA hiệu quả, thời gian qua, Bộ Công thương đã rà soát, điều chỉnh phù hợp quy trình cấp C/O ưu nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khi làm tục đề nghị cấp C/O.

Theo đó, từ đầu năm 2024, Việt Nam đã thực hiện cấp C/O điện tử cho doanh nghiệp, bao gồm các mẫu C/O: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với mẫu C/O mẫu D và C/O mẫu, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đã thực hiện truyền dữ liệu C/O điện tử.

Cùng đó, Bộ Công thương thường xuyên tổ chức hội nghị với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu để giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như hướng dẫn quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Để xuất khẩu hàng hóa cán đích mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm nay, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng các FTA cũng được Bộ Công thương đặc biệt chú trọng.

Thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt đã được hỗ trợ để mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.., vốn yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa nhưng sức mua lớn và tiềm năng tăng trưởng ổn định.

Bộ đã rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết thêm các FTA song phương và đa phương mới, trong đó có đối tác tiềm năng thuộc Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)

"Việc đa dạng hóa này nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, tăng cường tính chống chịu của hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh rủi ro thương mại toàn cầu gia tăng", Bộ Công thương cho biết thêm.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-tao-thuan-loi-cho-xuat-nhap-khau-hang-hoa-d278560.html
Zalo