Cải cách thủ tục giải thể doanh nghiệp

Thủ tục thành lập doanh nghiệp khá dễ dàng nhưng thủ tục giải thể 'cực kỳ khó khăn'. Đây là phản ánh của doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát thực trạng cung cấp, thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) thực hiện.

Trong báo cáo công bố đầu tuần này, Ban IV cho biết, quy trình thủ tục liên quan đến giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh hiện là một trong những rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, doanh nghiệp cho biết quy trình thủ tục liên quan đến giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh kéo dài và phức tạp hơn so với thủ tục thành lập doanh nghiệp. Sự phức tạp này xuất phát từ việc các cơ quan quản lý chưa đồng bộ và không thống nhất về quy trình xử lý. Ví dụ điển hình là dù Tổng cục Thuế không yêu cầu song một số chi cục thuế vẫn buộc doanh nghiệp phải khôi phục hoạt động để đóng mã số thuế. Việc này khiến doanh nghiệp phải mất thêm thời gian và chi phí để thực hiện các báo cáo thuế và các thủ tục khác, ngay cả khi doanh nghiệp không còn hoạt động.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, họ không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn rõ ràng từ các cơ quan quản lý trong suốt quá trình giải thể. Cũng vì phải tự mày mò các thủ tục, doanh nghiệp thường xuyên bị trả lại hồ sơ với lý do thiếu giấy tờ hoặc sai quy trình, làm tăng thêm thời gian giải quyết.

Quy trình phức tạp, không nhất quán, thiếu sự linh hoạt và thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan quản lý không chỉ làm tăng chi phí giải thể mà còn khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, kéo dài thời gian xử lý thủ tục và giảm động lực để hoàn tất việc giải thể. Không ít doanh nghiệp phải kéo dài thời gian hoạt động chỉ trên giấy tờ để tránh chi phí giải thể, trong khi thực tế không còn khả năng hoạt động hiệu quả.

Cạnh tranh thương trường vốn khốc liệt, vì thế, cùng với hàng chục nghìn doanh nghiệp ra đời mỗi năm thì cũng có hàng chục nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường bằng cách phá sản hoặc giải thể, trong đó hình thức giải thể là phổ biến nhất. Theo số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, năm 2024 có 21,6 nghìn doanh nghiệp giải thể; và hơn 76,1 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể. Lý do doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động rất nhiều, như kinh doanh không hiệu quả, yếu kém tài chính, thị trường thay đổi…

Nếu hàng chục nghìn doanh nghiệp này có thể giải thể nhanh gọn thì không chỉ giúp giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, mà còn mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung và thị trường kinh doanh nói riêng. Chẳng hạn, thủ tục giải thể nhanh gọn sẽ giúp doanh nghiệp có thể hoàn tất các nghĩa vụ pháp lý một cách đúng đắn, từ đó tránh các vấn đề phát sinh về sau. Hoặc, nếu việc giải thể không quá khó khăn, các doanh nhân cũng có thể sẵn sàng thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới mà không lo ngại quá nhiều về thủ tục phức tạp khi muốn đóng cửa một doanh nghiệp không thành công…

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đang được đề xuất sửa đổi, đây là cơ hội để rà soát, cải cách và hoàn thiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo hướng thuận lợi hơn nhằm giúp những doanh nghiệp không có nhu cầu tồn tại nữa được giải thể và rút lui khỏi thị trường một cách nhanh chóng và đúng luật. Điều này sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế - đây cũng là những yếu tố rất quan trọng để kinh tế tư nhân có thể hoàn thành sứ mệnh là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước, là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cai-cach-thu-tuc-giai-the-doanh-nghiep-post408754.html
Zalo