Cải cách pháp luật kinh doanh cần được đẩy nhanh và toàn diện

Cho rằng hệ thống pháp luật kinh doanh hiện còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu, các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp nêu rõ những bất cập và kiến nghị cải cách pháp lý toàn diện.

Toàn cảnh Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị”

Toàn cảnh Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị”

Nhiều quy định pháp luật chồng chéo, lạc hậu làm gia tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp

Chỉ ra những điểm nghẽn gây trở ngại cho doanh nghiệp hiện nay tại hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/7, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, cải cách pháp luật kinh doanh cần được đẩy nhanh và toàn diện, vì hiện nhiều quy định đang chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Có những quy định đã phát sinh bất cập từ lâu nhưng vẫn tồn tại suốt hơn một thập kỷ, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động đầu tư và vận hành doanh nghiệp.

Ông Tuấn dẫn chứng, đã có nhiều đợt rà soát nhằm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, qua đó giúp giảm quy trình, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế. Có những quy định đã tồn tại gần 20 năm không còn phù hợp. Có những quy định mới ban hành trong năm nay nhưng đã phát sinh bất cập trong quá trình áp dụng.

Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho biết, các nhà đầu tư vẫn đang đối mặt với không ít vướng mắc về pháp lý. Những thách thức này không chỉ làm phát sinh chi phí, kéo dài thời gian, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, kế hoạch kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư. Chính hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không có sự liên thông đang gây ra nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp mất thời gian tra cứu, chuẩn bị và xử lý hồ sơ.

Doanh nghiệp kiến nghị cải cách toàn diện, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group - cho biết, doanh nghiệp này đang hoạt động đa ngành, từ bán lẻ, cà phê, trà, tài chính cho tới khai thác khoáng sản, với ví dụ điển hình là mỏ đa kim Núi Pháo. Theo ông, ngành khoáng sản Việt Nam hiện sở hữu nhiều loại tài nguyên quý hiếm có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đang cạnh tranh gay gắt về đất hiếm và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghệ cao, quốc phòng. Tuy nhiên, hiện nay ngành này đang đối mặt với chi phí thuế, phí cực kỳ cao, chiếm tới 40-60% doanh thu, trong khi mức trung bình quốc tế chỉ từ 3-8%. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, thậm chí có quy định đối nghịch nhau.

Cụ thể, doanh nghiệp phải cùng lúc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (theo Luật Khoáng sản) và thuế tài nguyên (theo Luật Thuế tài nguyên 2009).

“Bản chất chúng là một, nhưng quy định lại nằm ở hai luật khác nhau, gây trùng lặp và khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nam Anh nhấn mạnh.

Chưa dừng lại ở đó, các sản phẩm chế biến sâu, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ về nâng cao giá trị tài nguyên nhưng lại phải chịu thuế xuất khẩu cao hơn hoặc ngang bằng với sản phẩm thô, đi ngược với Nghị quyết số 10/NQ-TW (ngày 10/5/2022).

Ngoài ra, theo Nghị định 181, nhiều sản phẩm khoáng chế biến sâu khi xuất khẩu lại không được hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt giảm sút trên thị trường quốc tế.

“Tất cả những điều này cần được sửa đổi đồng bộ cùng với Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi năm 2024) để tạo ra một hành lang pháp lý hiệu quả, thúc đẩy khai thác bền vững và có giá trị gia tăng cao”, ông Nam Anh kiến nghị.

Doanh nghiệp kiến nghị cải cách toàn diện, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” theo mô hình quốc tế

Doanh nghiệp kiến nghị cải cách toàn diện, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” theo mô hình quốc tế

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm trong ngành tiêu dùng, ông Nam Anh cũng cho rằng, đây là một chủ đề nóng thời gian qua. Ông bày tỏ hoan nghênh các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt để xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, đại diện Masan cũng đề cập đến một số bất cập. Điển hình như, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo quy trình rút gọn. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định công bố tháng 7 vẫn còn nhiều điểm bất cập, đặc biệt là làm gia tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, và chưa phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính.

Vì vậy, ông Nam Anh kiến nghị Bộ Y tế nên tổ chức các buổi tham vấn trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thêm ý kiến thực tiễn. Ông cũng lưu ý, hiện ngành tiêu dùng và sản xuất hàng hóa hiện đang đóng góp 50-60% GDP tiêu dùng nội địa. Nếu không cải cách thủ tục hợp lý, sẽ vô tình cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Cùng mối quan tâm về chính sách, ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm, dinh dưỡng (EuroCham) - cảnh báo việc siết chặt thủ tục hành chính trong ngành thực phẩm có thể phản tác dụng nếu không đi kèm với kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Ông Uy dẫn chứng, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Bộ Y tế hiện đang vấp phải nhiều phản ứng, bởi tăng mạnh thủ tục: Hồ sơ đăng ký tăng từ 7 lên 41 mục; thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký kéo dài từ 7 ngày lên 90 ngày; việc tự công bố sản phẩm vốn chỉ mất 1 ngày nay tăng lên 21 ngày; thời gian kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng tăng hơn 200%.

Ông Uy cho biết: “Doanh nghiệp đổi một tỷ lệ nhỏ trong công thức cũng phải công bố lại toàn bộ. Sữa tươi là thực phẩm tự công bố, trước đây chỉ cần 1 ngày để tiếp nhận hồ sơ, nay cần tới 21 ngày , trong khi sữa tươi thanh trùng chỉ có hạn dùng 10 ngày. Đợi tiếp nhận công bố 21 ngày mới được sản xuất thì rõ ràng là bất khả thi.”

Đại diện EuroCham thống nhất kiến nghị chuyển từ mô hình “xin – cho” sang mô hình hậu kiểm theo quản lý rủi ro, vốn đang được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Luật Chất lượng sản phẩm đã chia sản phẩm theo ba mức độ rủi ro: cao - trung bình - thấp. Việc hậu kiểm cũng cần phân tầng theo đó để không lãng phí nguồn lực quản lý và thời gian của doanh nghiệp”, ông Uy nói.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ rõ thực trạng kéo dài nhiều năm qua là việc xử lý vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn chậm, do thiếu sự đồng thuận từ chính các cơ quan có liên quan.

Theo ông Tú, trong suốt thời gian qua, không ít đợt rà soát các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật đã được tổ chức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là cách thức vận hành “xin – cho” và “phải có sự đồng thuận giữa các bộ, ngành”, việc tháo gỡ luôn gặp vướng mắc ngay từ bước đầu tiên.

“Để quá trình sửa luật hiệu quả, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự, thay vì chỉ loay hoay với những vụ việc cá biệt. “Vướng mắc của vụ việc cụ thể thì có cơ chế xử lý riêng. Còn ở đây là các vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật cần có quyết tâm và trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ”, ông Tú nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho rằng, cần tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn chung của doanh nghiệp và cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Theo đó, Thứ trưởng đưa ra 4 phương án xử lý, gồm: Thứ nhất, giải thích pháp luật, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật liên quan. Thứ hai, hướng dẫn áp dụng pháp luật, xây dựng các cơ chế, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng pháp luật. Thứ ba, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để tháo gỡ vướng mắc. Thứ tư, ban hành nghị quyết xử lý các vấn đề cấp bách.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cai-cach-phap-luat-kinh-doanh-can-duoc-day-nhanh-va-toan-dien-167269.html
Zalo