Cải cách môi trường kinh doanh: Chặng đường dài còn không ít chông gai

Trong năm 2024, đã có một số sửa đổi, cải cách trong quy định pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tuy vậy, những thay đổi, cải cách mới tập trung vào tháo gỡ một số vấn đề, vẫn chưa mang tính tổng thể, chưa thực sự đạt được sự đồng bộ, hiệu quả như kỳ vọng. Nói cách khác, những cải cách thể chế thời gian qua chưa thể hiện được tính đột phá cũng như chưa có cách tiếp cận mới để tạo tiền đề cho sự phát triển vươn mình của đất nước. TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết trong chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

TS. Nguyễn Minh Thảo

TS. Nguyễn Minh Thảo

Những cải cách nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ để bứt phá

Thưa bà, bà có thể chia sẻ về bức tranh cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2024?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Năm 2024, chúng ta đã có một số nỗ lực sửa đổi luật pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, chẳng hạn như đã sửa đổi Luật Đầu tư công, thông qua Luật sửa 4 luật lĩnh vực đầu tư, Luật sửa 9 luật lĩnh vực tài chính… và một số quy định nhằm tháo gỡ các nút thắt trong hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, theo tôi, những sửa đổi này còn mang tính chất đơn lẻ, tháo gỡ vướng mắc ở một số lĩnh vực cụ thể, chứ chưa mang tính tổng thể, chưa đồng bộ và chưa đủ đột phá để tạo tiền đề phát triển vươn mình.

Cải cách hiện nay dường như mới chỉ tập trung vào việc gỡ khó ở một số lĩnh vực đang gặp vấn đề, nhưng chưa có những thay đổi, cải cách tổng thể và dài hạn. Trên thực tế, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, chi phí tuân thủ cao, quản lý nhiều tầng nấc, quy định pháp luật chưa đồng bộ. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp chưa cảm nhận được sự ổn định về chính sách và chưa thực sự an tâm để đưa ra các quyết định đầu tư, kinh doanh.

Số liệu thống kê cũng cho thấy rõ điều này, khi tốc độ phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu chậm lại. Trong năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 1,18 lần (năm 2019 là 3,6 lần; trung bình giai đoạn Covid 2020-2022 là 2,6 lần; và năm 2023 là 1,26 lần). Quy mô vốn và lao động trung bình trong doanh nghiệp cũng đều thấp hơn so với các năm trước. Quy mô vốn trung bình của một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 9,8 tỷ đồng (trung bình giai đoạn 2018-2023 là 13,7 tỷ đồng). Lao động trung bình trong một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 6 người (trung bình giai đoạn 2018-2023 là khoảng 8 người). Kết quả đó không chỉ thể hiện mức độ về phát triển doanh nghiệp đang chậm lại mà còn cho thấy môi trường kinh doanh vẫn tồn tại nhiều thách thức. Và một trong những điểm nghẽn rất lớn là thể chế, từ chất lượng các văn bản quy định pháp luật tới hiệu quả thực thi.

Vậy theo bà, đâu là những điểm nghẽn chính trong cải cách môi trường kinh doanh hiện nay?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Như tôi đã đề cập, một trong những điểm nghẽn lớn nhất là chất lượng xây dựng pháp luật và thiếu cách tiếp cận mang tính tổng thể, toàn diện trong cải cách, sửa đổi các quy định pháp luật. Nếu việc sửa đổi chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể mà không gắn kết với các lĩnh vực khác, có thể phát sinh những mâu thuẫn, rào cản mới. Thậm chí, có những rào cản mới còn khó khăn hơn, khó đoán định hơn. Nhìn lại cả quá trình vừa qua tôi cho rằng, một trong những điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ được về thể chế là chưa có khung thiết kế cải cách tổng thể, thiếu sự phối hợp trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, và thể chế, chính sách vẫn thiên về quản lý, xin - cho. Đáng chú ý là nhiều vấn đề vướng mắc có tính liên ngành, nhưng thiếu cơ chế phối hợp để giải quyết hiệu quả. Với những vấn đề pháp lý chưa rõ ràng hoặc có cách hiểu khác nhau, việc giải đáp thường không thỏa đáng, do đó không giúp cơ quan thực thi hay doanh nghiệp có hướng để thực hiện.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc không đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương cũng là một vấn đề lớn. Có bộ, ngành, địa phương tích cực, nhưng cũng có nơi ít quan tâm; có giai đoạn được chú trọng, nhưng có giai đoạn chùng lại. Trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp thì không chỉ liên quan đến một lĩnh vực mà có thể đa ngành, đa lĩnh vực. Vì thế nếu thay đổi ở lĩnh vực này nhưng lại trì trệ ở lĩnh vực khác thì vô tình triệt tiêu đi động lực, kết quả cải cách chung. Đặc biệt, thời gian gần đây, ở cấp độ địa phương, qua theo dõi cho thấy các sáng kiến, nỗ lực cải cách ít hơn, chậm hơn so với trước đây. Những sáng kiến từ địa phương từng đóng vai trò quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy tinh thần kinh doanh nhưng gần đây ít được quan tâm.

Ngoài ra, hoạt động tham vấn chính sách vẫn còn hình thức; một số cơ quan chưa thực sự cầu thị, thiếu giải trình minh bạch với các minh chứng khoa học về việc tiếp thu các ý kiến góp ý. Hơn nữa, chưa có cơ chế để xóa đi tâm lý sợ sai trong thực thi công vụ. Cơ chế giám sát để nâng cao trách nhiệm công vụ còn hình thức, chưa thực chất.

Giải pháp hướng tới cải cách bền vững

Để khắc phục những hạn chế hiện tại, bà có khuyến nghị gì cho thời gian tới?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Tôi cho rằng có nhiều nhưng bốn vấn đề cần ưu tiên.

Thứ nhất, quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật cần có khung thiết kế tổng thể và đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các bộ, ngành và địa phương để bảo đảm tính hiệu quả trong giải quyết các bất cập phát sinh.

Thứ hai, cần duy trì áp lực, động lực cải cách thường xuyên, liên tục để đạt được sự đồng bộ trong cải cách, tránh tình trạng nơi làm, nơi không. Động lực, nỗ lực cải cách sẽ bị suy giảm hoặc bị triệt tiêu nếu sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực này kèm với sự trì trệ trong lĩnh vực khác.

Thứ ba, cần cải thiện quá trình tham vấn chính sách bảo đảm công khai, thực chất, đa chiều và gắn với trách nhiệm giải trình. Tôi nghĩ rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vào điều này. Đây là cách tiếp cận quan trọng để xây dựng niềm tin của doanh nghiệp đối với việc nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.

Thứ tư, trong cuộc cách mạng về kỷ nguyên vươn mình này không thể thiếu vai trò của số hóa. Trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp; chỉ ít thủ tục có thể thực hiện trên môi trường điện tử. Do đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng xây dựng quy định pháp luật và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cần phải chú trọng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, thống nhất chủ đề điều hành của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá". Trong đó nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, "đột phá của đột phá" với tinh thần đổi mới tư duy, kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP vừa ban hành ngày 13/1 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ xác định đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá", phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. Theo đó, sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-chang-duong-dai-con-khong-it-chong-gai-159832.html
Zalo