Cải cách, hiện đại hóa tạo tiền đề xây dựng hải quan số, hải quan thông minh
Những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, là tiền đề xây dựng hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.
Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số
Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã thành lập bộ máy tổ chức và huy động nguồn lực trong toàn ngành để triển khai thực hiện chuyển đổi số. Tại trung ương, Tổng cục Hải quan đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số với Trưởng ban là một đồng chí Phó Tổng cục trưởng và thành viên là các cục trưởng, vụ trưởng các đơn vị nghiệp vụ và các cục Hải quan tỉnh, thành phố lớn để thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chỉ đạo chuyển đổi số trong toàn ngành.
Kể từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của ngành Hải quan đã tổ chức 2 phiên họp, trong đó đã chỉ đạo triển khai toàn diện công tác chuyển đổi số trong toàn ngành. Tại địa phương, đến nay, các cục Hải quan tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tại các đơn vị.
Để thống nhất nhận thức và hành động, Tổng cục Hải quan đã ban hành đầy đủ chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong toàn ngành, cụ thể: Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023. Tại 35 cục Hải quan tỉnh, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị.
Đến nay, nhận thức về chuyển đổi số của các đơn vị trong toàn ngành đã được nâng lên rõ rệt, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn ngành Hải quan đã được chú trọng, đặc biệt là các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày chuyển đổi số của Bộ Tài chính 10/10 hàng năm.
Thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã mời nhiều hãng công nghệ, hải quan các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số. Nhờ đó, nhận thức về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt đối với cán bộ, công chức trong toàn ngành.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Chia sẻ tại Diễn đàn thuế - hải quan năm 2023 do TBTCVN tổ chức chiều ngày 8/11, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, thế giới đang ở kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đặc biệt sự phát triển chưa từng có của công nghệ số. Theo đó, chuyển đổi số đã trở thành một xu thế tất yếu không thể đảo ngược.
Hiện nay, Hải quan các nước đều tập trung thực hiện chuyển đổi số với trọng tâm là xây dựng hải quan số, hải quan thông minh; ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); chuỗi khối (Blockchain); kết nối internet vạn vật (IoT)...
Ông Lê Đức Thành chia sẻ, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và các bộ, ngành để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của ngành Hải quan.
Tiếp đó, tổng cục thực hiện giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hải quan cho cán bộ, công chức hải quan trong toàn ngành, cho người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt khuyến khích tương tác giữa cán bộ hải quan với người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội).
Để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số về kỹ năng làm việc; sử dụng và quản trị hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các công nghệ số trong môi trường số…
TS. CẤN VĂN LỰC - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ QUỐC GIA: Chuyển đổi số các lĩnh vực thuế, hải quan đã để lại nhiều ấn tượng
Ấn tượng với ngành Hải quan là đã số hóa thông qua cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức cao (mức 3, 4 trước đây hay dịch vụ công toàn trình theo quy định hiện nay - PV). Vấn đề đặt ra là các cơ quan hải quan cần triển khai những bước tiếp theo như thế nào trong tiến trình chuyển đổi số.
Chiến lược Phát triển hải quan cũng đã được ban hành cụ thể và điều này thể hiện ngành đã có những bước đi bài bản, trong đó, những chỉ tiêu rất quan trọng về chuyển đổi số cũng được vạch ra. Về giải pháp, cần tiếp tục cải cách về mặt quy trình. Hiện ngành Thuế và Hải quan làm tương đối tốt, nhưng cũng cần tự động hóa thêm hơn nữa. Tất nhiên vẫn phải giảm thiểu rủi ro sai sót và tác nghiệp.
Giải pháp tiếp theo là về công nghệ. Trong đó có yếu tố chọn loại công nghệ nào và đầu tư vào công nghệ như thế nào cho phù hợp. Vấn đề cần quan tâm nữa là khách hàng, làm sao để việc sử dụng dịch vụ nền tảng số của các cơ quan dễ dàng, tiện lợi.
Chí Tín (ghi)
BÀ BÙI MINH HẢI - CỤC GIÁM SÁT QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN (TỔNG CỤC HẢI QUAN): Luôn mong muốn được cải cách hơn nữa
Thời gian qua, ngành Hải quan đã cải cách rất nhiều, nhưng với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, phục vụ công tác quản lý nhà nước tốt hơn, ngành Hải quan luôn mong muốn được cải cách hơn nữa. Với mong muốn đó, tới đây, công tác cải cách thể chế của hải quan sẽ tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Để đồng hành với hải quan số, cơ quan hải quan sẽ cắt giảm hơn nữa các bước, các khâu của các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục trực tiếp với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tiến tới, hàng hóa phải “đến tay” cán bộ hải quan kiểm tra chỉ là những trường hợp đặc biệt. Nếu việc khai báo của doanh nghiệp phù hợp với dữ liệu cơ quan hải quan có thì tờ khai sẽ được phân luồng xanh. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng hệ thống hải quan số. Việc xây dựng đã được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương và đang thực hiện triển khai. Với sự quyết tâm, đồng lòng trong toàn ngành, hành lang pháp lý, cũng như nền tảng công nghệ để xây dựng thành công hải quan số sẽ được hoàn thành trước năm 2025 như mục tiêu đã đề ra.
Đông Mai (ghi)
PGS.TS LÊ XUÂN TRƯỜNG - TRƯỞNG KHOA THUẾ VÀ HẢI QUAN (HỌC VIỆN TÀI CHÍNH): Phải có tư duy số thì mới chuyển đổi số được
Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý thuế, hải quan vô cùng khó khăn, phức tạp. Đặc biệt khi có những sự kiện khách quan như đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Trong bối cảnh ấy, việc chuyển đối số trong quản lý thuế, quản lý hải quan ở Việt Nam thực sự cần thiết. Thời gian qua, cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã triển khai rất tốt nhiệm vụ này và nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi yêu cầu trong thời gian tới cao hơn, thì khó khăn và thách thức trong chuyển đổi số mà ngành Thuế và Hải quan cần xử lý đầu tiên là liên quan đến vấn đề tư duy của con người, kể cả từ lãnh đạo đến công chức. Có thể nói, ở đâu đó vẫn có một bộ phận công chức chưa có tư duy số, điều này cực kỳ quan trọng, nếu không chuyển đổi được thì sẽ gây cản trở. Bởi vì, tư duy số của người lãnh đạo sẽ tạo được định hướng, mang tính chất đường hướng các quy trình nghiệp vụ. Chính vì vậy, các cơ quan sẽ gặp phải thách thức đầu tiên là phải thay đổi cả hệ thống, vượt qua thách thức để có tư duy số thì mới chuyển đổi số được.
Đức Việt (ghi)