Cải cách hành chính, khơi thông các nguồn lực cho phát triển
Chiều 15/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 9, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, cải cách hành chính tiếp tục được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cả 6 lĩnh vực cải cách, bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đều được quan tâm, đẩy mạnh, đôn đốc triển khai.
Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến mới, tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện; nhiều rào cản, vướng mắc về thể chế, cơ chế đã được tháo gỡ; cải cách công vụ có nhiều đột phá; cải cách thủ tục hành chính có kết quả tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai quyết liệt.
Một trong những điểm sáng của năm qua được Phó Thủ tướng nhắc đến đó là, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, chúng ta đã và đang thực hiện cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và đang được toàn Đảng, toàn dân quan tâm, ủng hộ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng công tác cải cách hành chính còn những tồn tại, hạn chế, doanh nghiệp, người dân tiếp cận nền hành chính công chưa thực sự thông thoáng, thuận tiện. “Những bức xúc, rào cản vẫn còn và đâu đó vẫn mang lại sự phiền lòng cho người dân”, nêu rõ điều này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế này cần được khắc phục sớm, mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho xã hội và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, phục vụ cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, vươn mình, cất cánh của đất nước.
Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cả nước phải tăng tốc và bứt phá để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong bối cảnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là nghị quyết rất quan trọng với tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính đột phá.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông các động lực cho phát triển. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của cải cách trên cơ sở bám sát các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tập trung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, quyết liệt rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước gắn liền với công tác bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nâng cao ý thức, thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương, phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.
Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 với 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể.
Tính đến nay, các Bộ, ngành đã hoàn thành 18/21 (gần 86%) nhiệm vụ; chưa hoàn thành 3/21 (hơn 14%) nhiệm vụ, còn lại 42 nhiệm vụ là nhiệm vụ thường xuyên (có 1 nhiệm vụ xin lùi thời gian sang năm 2025). Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, làm việc về cải cách hành chính tại một số địa phương; các Bộ, ngành đã tiến hành kiểm tra tại 166 cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 37/139 vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt hơn 26%. Các địa phương đã tiến hành kiểm tra tại 761 cơ quan, đơn vị; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 1.958/2.056 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt hơn 95%...