Cách xử lý khi bị côn trùng đốt

Tôi mới phát hiện gần nhà có một tổ ong lớn, gia đình lại nhiều trẻ nhỏ. Nếu không may bị chúng đốt, tôi nên sơ cứu như thế nào?

Tôi mới phát hiện gần nhà có một tổ ong lớn, gia đình lại nhiều trẻ nhỏ. Nếu không may bị chúng đốt, tôi nên sơ cứu như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM)

Côn trùng đốt thường nhẹ, có thể gây đau nhức, chỉ cần sơ cứu vết thương tại chỗ. Tuy nhiên, một số người dị ứng với nọc độc (nọc ong) có thể bị sốc, được gọi là sốc phản vệ.

Trường hợp nhẹ sẽ đau nhức tại chỗ cắn hay đốt, vùng da xung quanh cũng sưng lên. Trường hợp nặng có thể bị nổi mề đay toàn thân, khó thở, sốc phản vệ (tay chân lạnh, mạch nhẹ khó bắt, tiểu máu, tiểu ít, suy thận), thường xảy ra ở những ngày đầu.

Cách sơ cứu

Hầu hết, ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Tốt nhất là lấy vòi chích bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp để gắp ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan rộng.

Sau đó, bạn rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm. Đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng.

Cuối cùng, hãy đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu bị nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít, bị ong đốt trên 10 vết.

Độc giả Mỹ Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-xu-ly-khi-bi-con-trung-dot-post1501001.html
Zalo