Cách xử lý của các nước khi tài xế trốn đóng phạt vi phạm giao thông

Tại một số quốc gia, người lái nếu không đóng phạt sẽ bị cấm xuất cảnh, tịch thu tài sản thậm chí ở tù.

Từ đầu năm nay, mức đóng phạt ở nhiều hành vi vi phạm luật giao thông tại Việt Nam tăng cao, gấp từ 3 đến 30 lần mức phạt hành chính trước đây. Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt cao có thể xảy ra tình trạng tài xế "bỏ xe" nếu vi phạm.

Vậy ở các quốc gia khác trên thế giới, hành vi từ chối đóng phạt, kéo dài thời gian thanh toán khoản phạt khiến người dùng gặp phải rủi ro thế nào?

Bị tịch thu tài sản tại New Zealand

Thông tin từ Justice.Govt.nz, trang thông tin Chính Phủ New Zealand, người dân tại quốc gia này nếu cố ý không thanh toán phí phạt giao thông sẽ gặp hàng loạt rắc rối.

Cụ thể, người lái bị "treo" bằng lái, tịch thu phương tiện trong 28 ngày. Tòa án quốc gia này có quyền trừ tiền phạt trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người dùng nếu chủ xe trì hoãn thời gian thanh toán phí phạt.

 Ảnh: NZ Herald.

Ảnh: NZ Herald.

Trước đó, người dùng không được di chuyển ra khỏi lãnh thổ, bị từ chối thanh toán bằng thẻ tín dụng cho đến khi thanh toán đầy đủ tiền phạt. Nếu tiếp tục có ý định trì hoãn và không thanh toán phí, chủ xe có khả năng bị phạt tù.

Mức tiền phạt không "đứng yên" chờ được thanh toán mà sẽ tăng dần dựa trên lỗi "thanh toán chậm". Các khoản lãi suất tăng từ việc phạt chậm sẽ được quy đổi sang hiện vật. Chủ xe có thể bị tịch thu tài sản để "khấu trừ".

Phạt tù tại Mỹ

Điều tương tự được áp dụng tại Mỹ, thời gian phạt và mức phạt thay đổi tùy bang. Ví dụ tại thành phố Green Bay, chủ xe sẽ nhanh chóng nhận được thông báo đình chỉ giấy phép lái xe.

Khoản tiền phạt được chuyển về cơ quan thu hồi nợ và bắt đầu tính lãi suất. Mỗi vé phạt được ghi kèm thời hạn thanh toán, nếu quá thời gian quy định người lái vẫn chưa hoàn tất toàn bộ tiền phạt, cảnh sát địa phương sẽ chuyển toàn bộ thông tin chủ xe sang tòa án của bang.

 Ảnh: ACLU North Carolina.

Ảnh: ACLU North Carolina.

Nếu muốn trì hoãn thời gian thanh toán tiền phạt, chủ xe phải lên tòa án đóng phạt trước tối thiểu 50.000 USD. Quá thời gian trên, người điều khiển phương tiện sẽ nhận được phiếu cảnh báo (FTA) và mời đến tòa án giải quyết.

Tiền phạt tăng gấp 2-3 lần theo ngày tại Pháp

Theo CEC France, người điều khiển phương tiện khi nhận vé phạt cần thanh toán trong 45 ngày. Nếu quá thời gian quy định, tiền phạt sẽ tăng dần theo cấp số nhân.

Ví dụ, mức phạt hành chính của lỗi vượt quá tốc độ sẽ dao động 68-1.500 EUR. Sau 45-100 ngày từ khi nhận vé phạt, tiền phạt sẽ tăng lên 136-3.000 EUR nếu người phạt không thanh toán theo quy định.

 Ảnh: Lanc.Live.

Ảnh: Lanc.Live.

Một số lỗi vi phạm thường bị bắt tại quốc gia này bao gồm đỗ xe không đúng nơi quy định (phạt 17 EUR), bật đèn pha sai vị trí (135 EUR), không mang đai an toàn (từ 46 EUR).

Nếu thanh toán tiền phạt trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận vé phạt, tiền phạt sẽ được giảm tùy từng lỗi vi phạm.

Cấm xuất cảnh tại Dubai

Tại Dubai, người điều khiển phương tiện khi phạm lỗi được gửi vé phạt trực tiếp hoặc thông qua camera "phạt nguội".

Thời gian thanh toán kéo dài 100 ngày. Nếu không thanh toán tiền phạt đúng quy định, người lái sẽ bị nhận thêm "điểm đen" vào hồ sơ, ảnh hưởng đến quyền công dân.

 Ảnh: Kaleejtimes.

Ảnh: Kaleejtimes.

Nếu trì hoãn thời gian đóng phạt, mức tiền phạt sẽ tăng dần theo ngày. Người vi phạm sẽ bị cấm xuất ngoại ra khỏi Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất cho đến khi hoàn thành khoản phí. Toàn bộ phương tiện liên quan đến lỗi sai bị thu giữ tại cơ quan địa phương.

Trong trường hợp mức tiền phạt cao và thời gian trì hoãn quá lâu, người lái sẽ bị triệu tập đến tòa án và có nguy cơ bị phạt tù.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-xu-ly-cua-cac-nuoc-khi-tai-xe-tron-dong-phat-vi-pham-giao-thong-post1522065.html
Zalo