Cách xác định tài sản chung, riêng khi ly hôn mà các cặp vợ chồng cần biết

Theo quy định, phân chia tài sản khi ly hôn thì hai bên (vợ và chồng) có thể tự nguyện thỏa thuận việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng và các nghĩa vụ tài chính khác hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

Vấn đề chia tài sản luôn là điều quan trọng khi giải quyết khi ly hôn. Sẽ rất dễ dàng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí nếu các bên có thể tự thỏa thuận được với nhau để giải quyết các vấn đề này. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được có quyền yêu cầu tòa án đứng ra giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, theo đó, vấn đề chia tài sản sẽ được phân chia theo quy định tại Điều 59 (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) quy định cụ thể các nguyên tắc phân chia như sau:

Nguyên tắc chia đôi (khoản 2, Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình) nhưng có tính đến các yếu tố sau: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản nguyên tắc chia đôi là mỗi bên được một nửa giá trị tài sản đã tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, tòa sẽ xét đến các yếu tố khác như: Hoàn cảnh riêng của mỗi bên, công sức đóng góp, lỗi của các bên ... nghĩa là không áp dụng một cách cứng nhắc việc chia đôi là 50/50 giá trị tài sản mà có thể hiểu một cách linh hoạt hơn việc chia đôi có thể là: 40/60 hoặc 45/55% giá trị tài sản tạo lập được.

Trên thực tế, trong những trường hợp đặc biệt vẫn có thể chia tỷ lệ: 70/30 hoặc 80/20 vẫn được xem là hợp pháp và đúng luật.

Nguyên tắc chia tài sản chung bằng hiện vật (không chia được bằng hiện vật mới chia bằng giá trị có thanh toán phần chênh lệch giá trị). Nguyên tắc này khá dễ hiểu, pháp luật ưu tiên chia bằng hiện vật trước, không chia được bằng hiện vật thì mới định giá thành tiền để chia, bên nhận hiện vật có giá trị thanh toán lại cho bên kia bằng số tiền chênh lệch.

Nguyên tắc tài sản riêng của ai thuộc sở hữu của người đó (trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung thì bên không nhận tài sản sẽ được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó).

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cách xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng

Tại Điều 33 và 43 (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) có quy định về việc xác định tài sản chung và tài sản riêng như sau:

Về cách xác định tài sản riêng của vợ chồng: Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn: Căn cứ vào ngày đăng ký kết hôn nếu tài sản đó có trước ngày đó thì về nguyên tắc nó là tài sản riêng của bên đứng tên quyền sở hữu tài sản đó.

Trên thực tế, tại Việt Nam quan hệ hôn nhân thường dựa trên yếu tố tình cảm (tình nghĩa gia đình nói chung), nên khi kết hôn hai bên rất ít khi minh bạch, rõ ràng vấn đề thừa kế riêng, tặng cho riêng tài sản mà thường "mập mờ" trong việc xác lập các văn bản thừa kế, tặng cho. Do đó cần đưa thêm chữ "riêng" vào các văn bản tặng cho, thừa kế để tránh các tranh chấp phát sinh về sau trong quá trình giải nghĩa các hợp đồng tặng cho, thừa kế này.

Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng (theo các Điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình).

Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Hoa lợi, lợi tích hình thành từ tài sản riêng của ai là tài sản riêng người đó.

Ví dụ: Chị B có 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng (Là tài sản riêng) trước khi kết hôn với Anh A. Vậy, tiền lãi ngân hàng cũng được xem là tài sản riêng của chị B.

Cách xác định tài sản chung bao gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân

Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Với quy định này thì về nguyên tắc các tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, đều coi là tài sản chung nếu không thể chứng minh đó là tài sản riêng. Và dựa theo các nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn tại mục 1 để giải quyết nếu hai vợ chồng không thể thỏa thuận phân chia với nhau.

T.Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cach-xac-dinh-tai-san-chung-rieng-khi-ly-hon-ma-cac-cap-vo-chong-can-biet-172250108155540273.htm
Zalo