Cách uống cà phê giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Cà phê rất giàu các hợp chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và kiểm soát lượng đường trong máu. Vậy uống cà phê có giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường không?

Nội dung

1. Tiềm năng của chất chống oxy hóa polyphenol trong phòng ngừa đái tháo đường

2. Lưu ý khi uống cà phê để kiểm soát lượng đường trong máu

1. Tiềm năng của chất chống oxy hóa polyphenol trong phòng ngừa đái tháo đường

Tiềm năng của các chất chống oxy hóa polyphenol và acid chlorogenic trong cà phê đối với việc phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 2 là rất lớn và đang được nghiên cứu sâu rộng.

Cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa polyphenol có khả năng tác động tích cực đến nhiều yếu tố liên quan đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường type 2, bao gồm kháng insulin, viêm mạn tính, stress oxy hóa và rối loạn chuyển hóa glucose.

Nhiều nghiên cứu quy mô lớn đã chỉ ra rằng, những người có chế độ ăn giàu polyphenol có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 thấp hơn đáng kể so với những người tiêu thụ ít polyphenol.

Chất chống oxy hóa polyphenol trong cà phê giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

Chất chống oxy hóa polyphenol trong cà phê giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

Trong một bài đánh giá gần đây được công bố trên Tạp chí Khoa học phân tử Quốc tế, các nhà nghiên cứu đã tập trung bằng chứng từ các nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ học và phân tử để làm sáng tỏ mối liên hệ ít được biết đến của cà phê với đái tháo đường type 2 và các bệnh chuyển hóa.

Các phát hiện cho thấy, polyphenol có nguồn gốc từ cà phê thể hiện tác dụng điều chỉnh lượng đường trong máu đáng kể bao gồm ức chế viêm, tăng cường độ nhạy insulin, đặc tính chống oxy hóa và cải thiện quá trình chuyển hóa glucose.

Các nghiên cứu cơ chế đã cho thấy acid chlorogenic và các polyphenol tương tự ức chế các enzyme tiêu hóa carbohydrate và tăng cường hấp thu glucose trong cơ và gan, do đó thúc đẩy cân bằng glucose.

Phân tích đánh giá này nhấn mạnh tiềm năng chưa được khai thác của cà phê (cụ thể là polyphenol) trong việc ngăn ngừa hoặc làm giảm đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, bằng chứng về cơ chế và hiệu quả vẫn chủ yếu là tiền lâm sàng, cần các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu chuyển hóa nghiêm ngặt để thiết lập polyphenol cà phê như các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng.

2. Lưu ý khi uống cà phê để kiểm soát lượng đường trong máu

Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, polyphenol và khoáng chất trong cà phê có thể cải thiện hiệu quả của insulin và quản lý glucose. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu do thêm đường, sữa, chất tạo ngọt.

Việc sử dụng nhiều caffeine dễ làm tăng các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline, làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, các vấn đề về giấc ngủ và tác dụng phụ của caffeine đều có ảnh tiêu cực đến lượng đường trong máu…

Do đó, để tận dụng những lợi ích tiềm năng của cà phê trong việc hỗ trợ kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc đái tháo đường, điều quan trọng là phải biết sử dụng cà phê đúng cách.

Kiểm soát lượng caffeine

Lượng caffeine quá mức có thể gây lo lắng, mất ngủ và ở một số người, nó có thể tạm thời làm tăng đường huyết. Hầu hết các chuyên gia cho rằng dưới 200 mg caffeine (khoảng 1-2 tách cà phê đen) thường an toàn nhưng điều này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người. Do đó, mọi người nên theo dõi phản ứng của cơ thể khi sử dụng cà phê.

Nên uống cà phê đen nguyên chất không thêm đường.

Nên uống cà phê đen nguyên chất không thêm đường.

Nói không với đường, sữa đặc

Đường, sữa đặc, mật ong, siro hoặc bất kỳ loại chất tạo ngọt nào đều làm tăng lượng đường trong máu. Nếu mục tiêu là kiểm soát đường huyết thì việc thêm đường vào cà phê sẽ phản tác dụng. Nên tránh uống các loại cà phê hòa tan. Những loại này thường chứa lượng đường và chất béo cao.

Tránh uống caffeine gần giờ ngủ

Caffeine có thể gây khó ngủ, mất ngủ. Tình trạng thiếu ngủ hoặc giấc ngủ kém chất lượng là một yếu tố nguy cơ làm tăng đường huyết và kháng insulin. Vì vậy không nên uống gần giờ đi ngủ.

Lưu ý: Cà phê chỉ là một yếu tố tiềm năng hỗ trợ phòng ngừa đái tháo đường. Cà phê không thể thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng kết hợp với tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng khỏe mạnh - đây là những yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc đái tháo đường.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-uong-ca-phe-giup-kiem-soat-luong-duong-trong-mau-169250709154840132.htm
Zalo