Cách Ukraine cải tiến vũ khí cổ thành 'quái vật phòng không'
Ukraine được cho là có thể tận dụng sức mạnh của hệ thống S-200 cũ của Liên Xô (NATO gọi là SA-5 'Gammon') trong các cuộc đối đầu trên chiến trường.
Trong bài bình luận mới trên Substack Trench Art, phóng viên David Axe chia sẻ một số câu chuyện đáng kinh ngạc về cách hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa, tầm cao do Liên Xô phát triển trong Chiến tranh Lạnh có thể đang được Ukraine sử dụng hiệu quả trên chiến trường.

(Ảnh minh họa: National Interest)
Bài bình luận nhận định, việc Ukraine triển khai hiệu quả các hệ thống này - và gây ra thiệt hại đáng kể cho đối thủ - cho thấy mức độ sáng tạo cũng như tầm quan trọng của việc bản địa hóa các hệ thống khí tài với các cuộc xung đột.
Theo Axe, “cuộc tấn công đầu tiên được xác nhận dùng S-200, vào khoảng ngày 9/7/2023, có thể đã phá hủy một khu công nghiệp ở Bryansk. Cuộc tấn công thứ hai được xác nhận, 17 ngày sau đó, kết thúc bằng một tên lửa 5V28 lao xuống Taganrog, thành phố trên bờ biển Đen Nga, cách biên giới với Ukraine 32 km và cách tiền tuyến 160 km”.
Các nhà quan sát đã nhiều lần đưa ra ví dụ về việc cuộc chiến Ukraine định hình lại kỳ vọng về vũ khí như thế nào. S-200 là một trong số đó. Theo tiêu chuẩn hiện đại, hệ thống này được xem là một "hóa thạch", "đồ cổ". Nhưng với các cải tiến, nó có thể trở thành một quái vật khó lường: Tên lửa 5V28 được S-200 phóng từ bệ phóng cố định 5P72V nặng tấn và có thể mang đầu đạn nặng tới 226,7 kg.
Thời kỳ hoàng kim của hệ thống này là những năm 1960. Tuy nhiên, vì hệ thống đã trở nên rất quen thuộc với người Ukraine, với chuỗi cung ứng phần lớn từ nội địa, nên so với nhiều loại vũ khí tương tự mới hơn do NATO cung cấp, nó có thể vẫn hữu ích hơn nhiều.
Sức mạnh hệ thống S-200
Quay trở lại những năm 1950 và 1960, cục thiết kế Liên Xô Alma-Antey (lúc đó được gọi là KB-1) được thành lập để ứng phó với sự phát triển các máy bay ném bom tầm xa của NATO, có khả năng đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ của Liên Xô. Khi đó, S-200 được cho là sát thủ của B-52 Stratofortress. S-200 được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu lớn ở tầm xa và độ cao lớn hơn so với SAM S-75 cũ mà Liên Xô từng triển khai.

Hệ thống S-200. (Ảnh: Mil.in.ua)
Nhưng S-200 không được thiết kế để di chuyển hoặc triển khai nhanh. Liên Xô thiết kế hệ thống này như một hệ thống tĩnh/bán tĩnh chủ yếu bảo vệ các mục tiêu cố định có giá trị cao. Hệ thống lớn, phức tạp này bao gồm một số thành phần chính: một tổ hợp tên lửa, nhiều bệ phóng, hệ thống radar để thu thập và theo dõi mục tiêu, cơ sở hạ tầng chỉ huy và kiểm soát.
Tên lửa chính của hệ thống, V-880 (hay 5V21 trong các phiên bản sau), là tên lửa hai tầng với tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và tên lửa duy trì nhiên liệu lỏng. Tùy thuộc vào biến thể, nó có thể tấn công mục tiêu ở phạm vi khoảng 149 đến 299 km, khiến nó trở thành một trong những tên lửa đất đối không có tầm bắn xa nhất vào thời điểm đó. Hơn nữa, hệ thống có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao lên tới 39,9 km - đủ để tấn công bất kỳ máy bay nào trên bầu trời.
Hơn nữa, tên lửa của S-200 có thể đạt tốc độ lên tới Mach 4, cho phép đánh chặn nhanh các mục tiêu di chuyển nhanh. Một đầu đạn phân mảnh nổ mạnh nặng 226,7 kg với ngòi nổ cận đích để tối đa hóa khả năng gây sát thương trước các mối đe dọa trên không - đảm nhiệm nhiệm vụ gây tử vong của hệ thống này.
Ban đầu, S-200 sử dụng hệ thống dẫn đường radar bán chủ động, dựa vào radar mặt đất như 5N62 (Square Pair) để tìm kiếm mục tiêu. Radar kiểm soát hỏa lực của hệ thống cung cấp khả năng theo dõi chính xác, trong khi các radar cảnh báo sớm, chẳng hạn như P-14 (Tall King) hỗ trợ xác định mục tiêu.
Cách Ukraine tái sử dụng S-200
Axe suy đoán, "với độ chính xác khá tốt của S-200 Ukraine trong vai trò đất đối đất, rất có thể các kỹ sư của Kiev đã lắp đặt một đầu dò tốt hơn cho hệ thống này".
S-200 được triển khai trong các khẩu đội, thường bao gồm sáu bệ phóng một ray, một sở chỉ huy và các radar liên quan. Bản chất tĩnh và tín hiệu radar lớn khiến nó dễ bị các hoạt động phòng không của đối phương (SEAD) chế ngự, nhưng tầm bắn xa hơn cho phép nó tấn công các mối đe dọa trước khi chúng có thể tiếp cận các khu vực được bảo vệ.
Việc Ukraine triển khai hiệu quả các hệ thống này cho thấy mức độ sáng tạo cũng như tầm quan trọng của việc bản địa hóa đối với cuộc xung đột. Người ta cũng có thể thấy điều này trong việc Ukraine sử dụng hiệu quả máy bay không người lái giá rẻ từ các thành phần có sẵn, giúp cân bằng với lợi thế lớn của Nga về pháo binh.
"Thật vậy, tình hình hiện tại của Ukraine có thể không quá bấp bênh nếu họ được khuyến khích ngay từ đầu giữ lại các hệ thống của riêng mình thay vì dựa vào các hệ thống của nước ngoài", bài bình luận viết. Bài cho rằng, NATO gây bất lợi cho Ukraine khi buộc họ trở thành một lực lượng quân sự thu nhỏ theo phong cách châu Âu, phụ thuộc vào tất cả các thiết bị công nghệ tương tự.