Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền thưởng Tết, lương tháng 13
Thu nhập chịu thuế TNCN có bao gồm cả các khoản thưởng tết, lương tháng 13 và người lao động phải thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với khoản thu nhập này.
Thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) có bao gồm khoản thưởng tết, lương tháng 13 không?
Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC về các khoản thu nhập chịu thuế, trong đó quy định về các khoản tiền thưởng như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế:
Thu nhập từ tiền lương, tiền công: Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:
Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.
Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.
Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.
Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.
Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.
Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.
Thẩm quyền ra quyết định khen thưởng, mức tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nêu trên phải phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng.
Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán đều sẽ chịu thuế TNCN trừ các khoản tiền thưởng theo quy định nêu trên sẽ không tính thuế TNCN bao gồm:
(1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng
(2) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận
(3) Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận;
(4) Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Bên cạnh đó, tiền thưởng Tết hay tiền lương tháng 13 được xem là một khoản thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, không thuộc vào các trường hợp khoản tiền thưởng nêu trên.
Do vậy, thu nhập chịu thuế TNCN có bao gồm cả các khoản thưởng tết, lương tháng 13 và người lao động phải thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với khoản thu nhập này.
Hướng dẫn cách tính thuế TNCN từ khoản thưởng Tết, lương tháng 13?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công cụ thể như sau:
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.
Theo đó, thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo công thức:
Số thuế TNCN = thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công x thuế suất
Trong đó:
Tiền lương tháng 13 được xem là khoản tiền người lao động được nhận vào dịp cuối năm dựa trên thỏa thuận giữa các bên cũng như hiệu suất làm việc của người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khoản tiền này cũng mang tính chất như tiền lương, tiền công.
(1) Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC trừ đi các khoản giảm trừ bao gồm:
- Các khoản giảm trừ gia cảnh áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 như sau:
Mức giảm trừ gia cảnh
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau:
1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo đó, các mức giảm trừ gia cảnh được chia thành 02 trường hợp:
+ Mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
+ Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc của người nộp thuế là 4,4 triệu đồng/tháng/người;
- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện;
- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
(2) Thuế suất thuế TNCN áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần dưới đây:
Như vậy, cách tính thuế TNCN từ khoản thưởng Tết, lương tháng 13 được tính theo công thức thu nhập tính thuế TNCN x thuế suất như trên.
Ví dụ: Ông A là người lao động không có người phụ thuộc và được nhận lương tháng 13 với số tiền là 22 triệu và lương tháng 01 là 16 triệu đồng và các khoản bảo hiểm là: 8% bảo hiểm xã hội, 1.5% bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 1%.
Theo đó, số thuế TNCN mà ông A phải nộp đối với khoản tiền lương tháng 13 cụ thể tính như sau:
(1) Thu nhập chịu thuế của ông A tổng cộng là 38 triệu đồng
(2) Các khoản giảm trừ của ông A được tính như sau:
- Giảm trừ bản thân với mức giảm trừ là 11.000.000 đồng
- Giảm trừ đối với các khoản bảo hiểm bao gồm bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1% được tính = 16.000.000 đồng x (8% + 1,5% + 1%) = 1.680.000 đồng;
Theo đó, tiền thưởng sẽ không tính vào khoản giảm trừ đối với khoản bảo hiểm mà chỉ tính trên khoản tiền lương hàng tháng.
Tổng số tiền từ các khoản được giảm trừ bằng: 12.680.000 đồng
Thu nhập tính thuế TNCN của ông A được tính bằng thu nhập chịu thuế - các khoản giảm trừ = 38.000.000 đồng - 12.680.000 đồng = 25.320.000 đồng
Số thuế TNCN ông A phải nộp được tính: thu nhập tính thuế TNCN x thuế suất áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, cụ thể:
+ Bậc 1: 5.000.000 đồng x 5% = 250.000 đồng;
+ Bậc 2: (10.000.000 đồng - 5.000.000 đồng) x 10% = 500.000 đồng;
+ Bậc 3: (18.000.000 đồng - 10.000.000 đồng) x 15% = 1.200.000 đồng;
+ Bậc 4: (25.320.000 đồng - 18.000.000 đồng) x 20% = 1.464.000 đồng;
Như vậy, tổng số thuế TNCN ông A phải nộp là: 3.414.000 đồng.