Cách những thương hiệu tỷ đô gia tăng giá trị
Những câu chuyện giàu cảm xúc, có tính lan tỏa giúp người tiêu dùng hiểu được bối cảnh và tham vọng sẽ giúp doanh nghiệp định vị, gia tăng giá trị thương hiệu.
Thị trường gặp nhiều khó khăn, nhu cầu nội địa và xuất khẩu suy giảm nên giá trị thương hiệu của một số ngành cũng có sự phân hóa tăng, giảm khác nhau.
Trong 10 doanh nghiệp có thương hiệu mạnh nhất Việt Nam năm 2024 do công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance công bố, Viettel có giá trị nhất với 8,9 tỷ USD (bằng năm 2023).
Sức mạnh thương hiệu của Viettel chủ yếu nhờ điểm số cao ở các chỉ số như nhận diện về sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu, nỗ lực tiếp thị và các khía cạnh bền vững trong cộng đồng và quản trị.
Vinamilk xếp thứ hai khi có giá trị thương hiệu 2,6 tỷ USD (giảm 11%) và Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) giá trị đạt 2,6 tỷ USD (giảm 3%) xếp thứ ba.
Thay đổi lớn nhất trong top 10 là việc thương hiệu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt 1,4 tỷ USD thế chỗ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).
Đáng chú ý, trong số 10 doanh nghiệp có thương hiệu mạnh nhất thì có đến sáu thương hiệu ngành ngân hàng. Ngân hàng cũng là ngành ghi nhận giá trị thương hiệu tăng trưởng 10% đạt 13,8 tỷ USD. Trong số 20 thương hiệu ngành ngân hàng được xếp hạng thì có 17 thương hiệu tăng giá trị.
Vietcombank dẫn đầu thương hiệu ngành ngân hàng với giá trị đạt 2 tỷ USD (tăng 7%). VIB có giá trị thương hiệu gia tăng nhiều nhất với 51%, đạt 273 triệu USD.
Ngành thực phẩm, có bảy trong số 11 thương hiệu thực phẩm được xếp hạng có giá trị tăng hai con số. Thương hiệu Vinamilk có giá trị dẫn đầu ngành thực khi đạt 2,6 tỷ USD (thấp hơn 11% so với năm 2023). Chin-Su là thương hiệu có mức gia tăng giá trị cao nhất khi đạt 123 triệu USD, tăng 71%.
Với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu 142% đã giúp VinFast trở thành thương hiệu có thay đổi lớn nhất Việt Nam lên 181 triệu USD. Wake-up 247 có giá trị thương hiệu tăng 83% lên 149 triệu USD.
Còn FPT có sự bứt phá khi tăng sáu bậc so với bảng xếp hạng năm 2023, với giá trị thương hiệu đạt xấp xỉ một tỷ USD lọt top 10 công ty tăng giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam.
Bí quyết nâng giá trị thương hiệu
Những câu chuyện giàu cảm xúc, có tính lan tỏa giúp người tiêu dùng hiểu được bối cảnh và tham vọng được coi như bí quyết giúp doanh nghiệp định vị, gia tăng giá trị thương hiệu.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ chính những gì chúng ta làm. Doanh nghiệp có thể đưa ra nhiều tuyên bố, nhưng điều mà khách hàng và công chúng đánh giá là những cảm nhận, trải nghiệm thông qua sản phẩm, dịch vụ, ứng xử.
Với đặc thù hoạt động trong ngành thực phẩm, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi giúp Vinamilk chinh phục thành công thị trường trong và ngoài nước là chất lượng, giá cả và dịch vụ; trong đó, yếu tố chất lượng phải đi đầu.
“Là công ty thực phẩm, sản xuất đồ ăn, thức uống cho mọi người, phải làm ra những sản phẩm tốt nhất, như đang làm cho người thân, gia đình của mình vậy”, bà Liên nói thêm.
Đến nay, Vinamilk là doanh nghiệp sở hữu những sản phẩm đi đầu các xu hướng dinh dưỡng trên thị trường. Nổi bật là các sản phẩm sữa tươi và sữa bột trẻ em đạt chuẩn organic châu Âu đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam hay sữa tươi đầu tiên trên thế giới đạt chuẩn Clean Label Project về sự an toàn, tinh khiết.
Với một hãng hàng không, không chỉ hoạt động tại thị trường Việt Nam mà còn cả ở nước ngoài, ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet cho biết, khẩu hiệu của công ty là giá rẻ, vui vẻ, đúng giờ. Vietjet truyền đi hình ảnh là những cô gái trẻ, tràn đầy năng lượng và luôn luôn cười tươi vui vẻ.
Yếu tố thành công của thương hiệu Vietjet nằm ở xứ mệnh và tầm nhìn. Hiện nay công ty đang phát triển mạng lưới toàn cầu như các đường bay qua Úc, Ấn Độ, sắp tới bay châu Âu, châu Mỹ. Ngoài ra, Vietjet còn có công ty con Thai Vietjet tại Thái Lan, tương lai sẽ tăng lên 50 máy bay.
Vietjet luôn ý thức được sự cần thiết của việc phát triển bền vững nên đã đẩy mạnh thực hành ESG. Đơn cử như tăng máy bay mới để giảm khí thải carbon hay việc sắp xếp lại ghế trên máy bay theo hướng tăng bình dân, giảm thương gia.
Còn bà Trần Thị Kim Phượng, Giám đốc FPT Software TP.HCM thì đi theo doanh nghiệp lớn là cách nhanh nhất để xây dựng thương hiệu. Năm 2023, FPT đã đạt được cột mốc đáng nhớ khi vượt doanh thu tỷ USD ở thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, FPT tập trung thu hút nhân tài trên toàn cầu, hiện tập đoàn có 75 quốc tịch, đang hiện diện ở 30 quốc gia trên toàn cầu và vừa đón nhận nhân viên thứ 80 nghìn. Các nhân viên của FPT liên tục học tập, học hỏi để đạt được các chứng chỉ quốc tế. Ngoài đào tạo thì FPT luôn luôn xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc.
FPT cũng đi sâu vào công nghệ mới. Ngay từ lúc thành lập lãnh đạo FPT cam kết trở thành tập đoàn hùng mạnh, tiên phong nghiên cứu sáng tạo các giải pháp dịch vụ mới. Nhờ cách làm này, FPT đã trở thành đối tác của những tập đoàn lớn trên thế giới.