Cách người nổi tiếng xây dựng hình ảnh và tiếp thị bản thân
Theo Rainer Zitelmann, một trong những nguyên tắc cứng của tiếp thị bản thân là: Bạn không cần phải trông đẹp hơn, bạn cần phải trông khác biệt.
Sau các cuốn sách viết về giới giàu và siêu giàu như Người giàu theo quan điểm công chúng, Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu, nhà sử học, nhà xã hội học, nhà đầu tư, chuyên gia tin tức, GS.TS người Đức Rainer Zitelmann chuyển sang nghiên cứu cách người ta trở nên nổi tiếng.
Từ việc đọc và phân tích hàng chục nghìn trang sách viết về cuộc đời của người nổi tiếng, Rainer Zitelmann nhận thấy thành tựu đáng chú ý mà những người này đạt được chỉ là một trong những khía cạnh giải thích được vì sao họ trở nên nổi tiếng mà thôi. Còn có một yếu tố khác, theo Rainer Zitelmann quan trọng hơn rất nhiều, đó là: khả năng tiếp thị bản thân giúp các nhân vật này bứt phá, tạo danh tiếng và thương hiệu cá nhân.
Thu hút sự chú ý từ diện mạo đặc trưng
Trong cuốn Nghệ thuật trở thành người nổi tiếng, Rainer Zitelmann đã phác họa chân dung của 12 cá nhân khác nhau, từ Albert Einstein, người được trao giải Nobel và là người nghĩ ra Thuyết tương đối, cho đến Kim Kardashian, người giành lấy sự nổi tiếng bằng vòng 3 tròn trịa gợi cảm, nhưng giữa họ có một điểm chung là: họ đều hiểu tầm quan trọng của việc tiếp thị bản thân và là bậc thầy trong mảng này.
12 cá nhân Rainer Zitelmann đề cập trong cuốn sách đều là những thiên tài tiếp thị bản thân. Họ đều hiểu rất rõ cách để thu hút sự chú ý của công chúng và biến bản thân thành những nhãn hiệu đặc trưng.
Theo tác giả sách, giống mọi nhãn hiệu thành công khác, họ có thể được nhận ra ngay lập tức và tách biệt hoàn toàn với những người cùng lĩnh vực hoặc cùng nhóm xã hội. Họ biến những nét đặc thù trong diện mạo của họ thành những đặc điểm phân biệt không thể nào nhầm lẫn - cũng giống những sản phẩm.
Chẳng hạn như Lagerfeld đã xây dựng hình ảnh công chúng của mình - nhãn hiệu Lagerfeld - xoay quanh một chuỗi các nét đặc trưng. Ông xây dựng phong cách đặc trưng của mình, với một đặc điểm nhận dạng không giống ai đã xuất hiện: thường xuất hiện với đôi găng tay hở ngón, mái tóc bạc cột đuôi ngựa, cổ áo dựng, cặp kính râm và thỉnh thoảng là một cái quạt.
Hay như kiểu tóc của Trump phản ánh tính cách: nó chắc chắn không đẹp, nhưng nó không thể bị nhầm lẫn và thực sự bắt mắt. Hoặc như Albert Einstein đã chủ định xây dựng hình ảnh mình như một nhà khoa học tóc tai rối bù, một người lập dị không quan tâm đến quần áo, căm ghét việc những cổ áo luôn đi liền với những chiếc cà vạt mực thước, không chải mái tóc dài của mình, không đi tất, và áo sơ mi luôn cài cẩu thả.
Theo Rainer Zitelmann, một trong những nguyên tắc cứng của tiếp thị bản thân là: Bạn không cần phải trông đẹp hơn, bạn cần phải trông khác biệt.
Stephen Hawking đã xoay xở để biến sự khuyết tật của mình thành một lợi thế. Khi được hỏi làm thế nào mà ông khiến cho bản thân trở nên nổi tiếng được như vậy, ông đáp: “Đây phần nào là vì các nhà khoa học, ngoại trừ Einstein, không phải là những ngôi sao nhạc rock được nhiều người biết đến, và phần khác vì tôi trùng khớp với định kiến về một thiên tài khuyết tật. Tôi không thể cải trang bằng một bộ tóc giả và cặp kính đen được - chiếc xe lăn này sẽ tiết lộ thân phận của tôi”.
Tạo ra kiểu tuyên bố khác thường
Cũng theo Rainer Zitelmann, nổi bật không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc tốt hơn những người khác, nhưng nó thực sự đồng nghĩa với khác biệt. Và khác biệt đòi hỏi sự khiêu khích, một nghệ thuật mà mỗi nhân vật được khắc họa trong cuốn sách này đều đã thành thục đến mức thành bậc thầy.
Chẳng hạn, ông Trump có được thành công của mình nhờ thái độ coi thường những chuẩn mực xã hội, sự cự tuyệt của ông đối với những quy tắc đã được chấp nhận về mặt ngôn ngữ, việc ông ta từ chối công nhận những điều cấm kị và thái độ khinh thị dành cho sự đúng đắn về mặt chính trị - tất cả điều này đều được những người đi theo ủng hộ ông ta và xem đó là giúp giải phóng con người.
Hay Steve Jobs chưa bao giờ phát ngôn như CEO của một công ty lớn. Ông giao tiếp như một chính trị gia có tầm nhìn hoặc lãnh đạo của một phong trào mang tính cách mạng.
Madonna nhận ra rằng sự khiêu khích và vi phạm những quy chuẩn xã hội là một trong những yếu tố then chốt đối với việc xây dựng bản sắc thương hiệu. “Tôi thà nằm trong tâm trí mọi người còn hơn là không” là châm ngôn của Madonna. Trong khi những nhân vật của công chúng khác sợ báo chí tiêu cực, thì Madonna nhìn thấy - rất giống Donald Trump - rằng báo chí tiêu cực thực ra có thể là tích cực và giúp mở rộng tập người hâm mộ của cô.
Ngoài việc tạo ra sự khác biệt, các thiên tài tiếp thị bản thân cũng có những màn PR đầy sáng tạo mà họ sử dụng để thu hút sự đưa tin của giới truyền thông. Họ cũng nhận ra tầm quan trọng của việc tạo ra kiểu tuyên bố khác thường mà những hãng tin sẽ khao khát được trích theo. Họ cũng tiếp thu những chiến lược rất khác nhau từ những cách tiếp cận điển hình mà những nhân vật xuất chúng sử dụng khi ứng phó với các câu hỏi của nhà báo.
Donald Trump đã đưa ra những tuyên bố mang tính khiêu khích một cách có chủ đích bởi vì ông ta biết rằng chúng đảm bảo sẽ thu được sự chú ý của giới truyền thông. Trump giải thích: “Một điều tôi đã học được về giới báo chí là: họ luôn đói những câu chuyện hay, và câu chuyện càng giật gân càng tốt… Vấn đề là: nếu bạn hơi khác biệt, hoặc hơi vượt ra khỏi những đạo lý thông thường, hoặc nếu bạn làm những việc táo bạo hoặc gây tranh cãi, giới báo chí sẽ viết về bạn. Tôi đã luôn làm mọi việc theo cách hơi khác biệt, tôi không ngại gặp phải sự tranh cãi, và những việc của tôi có xu hướng nhiều tham vọng”.
Bên cạnh các cách thức trên, Rainer Zitelmann còn cho biết các nhân vật trong cuốn sách này còn có một khao khát vượt trội trong việc trở nên nổi tiếng. Họ liên tục tìm kiếm một cách có ý thức sự bầu bạn của những người nổi tiếng khác, bởi vì họ biết quá rõ rằng điều này sẽ phóng họ lên một tầng cao mới về độ nổi tiếng, tác giả sách Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu cho biết.