Cách ngâm dâu tằm để được lâu, không bị nổi váng
Biết cách ngâm dâu tằm để được lâu, bạn có thể sử dụng siro dâu tằm trong thời gian lâu mà không bị nổi váng hay lên men chua.
Dâu tằm – loại quả dân dã gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người – không chỉ ngon miệng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Cách ngâm dâu tằm
Ngoài việc ăn tươi, nhiều người ta còn làm dâu tằm ngâm đường để vừa bảo quản quả lâu dài vừa tạo ra thức uống giải nhiệt thơm ngon, giàu dưỡng chất. Nước dâu tằm có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giải khát và giúp làm mát cơ thể, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Nhờ giàu vitamin C và chất chống ôxy hóa, nó hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da.

Quả dâu tằm rất bổ dưỡng. (Ảnh: Philstar)
Có thể dùng nước dâu tằm ngâm đường làm siro pha nước uống, chế biến món tráng miệng hoặc làm cocktail tự nhiên.
Tuy nhiên, bạn cần biết cách ngâm dâu tằm để được lâu mà không bị nổi váng hay lên men chua.
Bạn cần chuẩn bị: Dâu tằm tươi 2 kg (nên chọn loại chín mọng, màu tím đậm, không dập nát); đường trắng hoặc đường phèn 1.5–2 kg (tùy khẩu vị), muối hạt 1 thìa cà phê, lọ thủy tinh lớn đã được tiệt trùng và để khô hoàn toàn; vải mùng hoặc khăn sạch để lọc (nếu làm siro).
Cách ngâm dâu tằm để được lâu gồm các bước:
Sơ chế dâu tằm: Chọn những quả dâu tằm chín đều, không bị sâu, thối hay dập nát. Ngâm dâu tằm với nước muối loãng khoảng 15–20 phút để loại bỏ bụi bẩn và côn trùng. Rửa lại bằng nước sạch 2–3 lần, để ráo hoàn toàn, có thể trải lên khăn sạch cho nhanh khô. Việc để dâu tằm thật khô là giúp tránh lên men gây thối hỏng, yếu tố quan trọng trong cách ngâm dâu tằm để được lâu.
Tiệt trùng lọ đựng: Rửa sạch lọ thủy tinh bằng nước sôi, tráng qua một lần với nước nóng rồi úp ngược xuống khăn sạch cho khô hoàn toàn. Không dùng lọ còn dính nước hoặc dầu mỡ vì dễ làm dâu bị hỏng.
Ngâm dâu tằm với đường: Cứ một lớp dâu thì rải một lớp đường, lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu. Lớp cuối cùng nên là đường. Đậy kín nắp lọ hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc miệng lọ rồi đậy nắp. Để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

Bạn có biết cách ngâm dâu tằm để được lâu, không bị nổi váng? (Ảnh: Cookbeo)
Trong 3–5 ngày đầu, nên mở nắp nhẹ mỗi ngày một lần để kiểm tra. Nếu thấy bọt nhẹ thì dùng muỗng sạch hớt bỏ. Sau khoảng 5–7 ngày, đường sẽ tan và dâu tằm tiết nước. Bạn có thể để thêm một tuần nữa rồi đem lọc lấy nước nếu muốn làm siro, hoặc để nguyên ngâm lâu dài.
Với siro, bạn cho vào chai thủy tinh sạch, cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Phần xác dâu có thể dùng làm mứt, nhân bánh, hoặc ăn kèm sữa chua.
Bí quyết ngâm dâu tằm để được lâu
Bí quyết để món dâu tằm ngâm đường không bị nổi váng và bảo quản được lâu nằm ở các chi tiết sau:
- Đảm bảo dâu tằm thật khô trước khi ngâm.
- Lọ thủy tinh phải tiệt trùng kỹ và không còn nước đọng.
- Tỷ lệ đường nên cao hơn 1:1 để không bị lên men.
Nước dâu tằm ngâm có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3 đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn nếu vệ sinh và tiệt trùng tốt.Khi sử dụng, bạn có thể pha 1 phần siro dâu tằm với 3–4 phần nước lọc hoặc nước soda, thêm đá là có ngay ly nước giải khát thơm ngon.
Ngoài ra, dâu tằm ngâm đường còn là nguyên liệu tuyệt vời để pha trà, làm bánh, hoặc chế biến các món tráng miệng mùa hè.