Cách Nga mua hàng trăm triệu USD chip bán dẫn Mỹ bất chấp cấm vận

Theo Nikkei, hơn một năm từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu, hàng trăm triệu USD chip bán dẫn sản xuất tại Mỹ đã nhập khẩu vào Nga bất chấp lệnh cấm vận từ Washington.

Ngày 24/2/2022, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, Washington cấm xuất khẩu bán dẫn sản xuất trong nước sang Nga, trừ mục đích nhân đạo và các ngoại lệ khác. Động thái nhằm làm suy yếu khả năng phát động chiến tranh của Moscow thông qua việc chặn đứng tiếp cận bán dẫn, loại linh kiện cần thiết trong tên lửa, xe tăng, máy bay không người lái và máy bay quân sự. Nó phục vụ các chức năng như hệ thống dẫn đường, radar, cảm biến ảnh ban đêm. Các nhà sản xuất Mỹ chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường sản phẩm hiệu suất cao.

3.292 thương vụ và 740 triệu USD

Dù vậy, theo Nikkei, Nga vẫn có thể mua chip bằng đường vòng, đặc biệt qua các thương nhân nhỏ tại Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc. Để tìm ra các tuyến đường này, Nikkei đã thu thập dữ liệu hải quan Nga từ hãng nghiên cứu Export Genius của Ấn Độ và kiểm tra hồ sơ nhập khẩu bán dẫn từ ngày 24/2 đến 31/12/2022.

Hồ sơ cho thấy 3.292 thương vụ, trị giá ít nhất 100.000 USD mỗi giao dịch và 2.358 trong số đó được dán nhãn là các sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ như Intel, AMD, Texas Instruments. Tổng giá trị giao dịch ít nhất 740 triệu USD.

Trong số này, 1.774 giao dịch – tương ứng 75% - vận chuyển từ Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục. Nhiều chủ hàng là các công ty vừa và nhỏ, một số thành lập sau khi Nga tấn công Ukraine. Tổng giá trị các giao dịch khoảng 570 triệu USD.

Lô hàng chip bán dẫn xuất sang Nga trước và sau khi cuộc chiến tại Ukraine xảy ra. (Ảnh: Nikkei)

Lô hàng chip bán dẫn xuất sang Nga trước và sau khi cuộc chiến tại Ukraine xảy ra. (Ảnh: Nikkei)

Trong cùng kỳ năm 2021, dữ liệu hải quan chỉ ra chỉ có 230 đơn hàng xuất khẩu chip Mỹ giá trị lớn từ Hong Kong và Trung Quốc đến Nga với tổng giá trị 51 triệu USD. Mức tăng gấp 10 lần là điểm đáng chú ý. Ngoài ra, giá bán của vài sản phẩm cũng đáng lưu tâm. Chẳng hạn, trong một thương vụ, công ty Agu Information Technology của Hong Kong vận chuyển các chip Intel sang Nga, mỗi con chip trị giá hơn 10.000 USD.

Theo Viện Tài chính quốc tế, nhập khẩu bán dẫn và mạch điện tử của Nga từ tháng 1 đến tháng 9/2022 tăng 36% so với một năm trước. Nikkei nhận định, giá cao như vậy phản ánh tính chất của những con chip mà Nga đang tìm kiếm.

Junichi Nishiyama, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Kỹ thuật tương lai chuyên về công nghệ quốc phòng, cho biết cần một lượng lớn bán dẫn sở hữu năng lực xử lý hiệu suất cao để điều khiển hệ thống tên lửa và phòng thủ.

Trong số các mặt hàng giá trị cao có vi xử lý từ Intel, AMD, Xilinx (một công ty con của AMD). Thiết bị bán dẫn FPGA của Xilinx thường được dùng trong tên lửa. Nó còn có chip từ Analog Devices, Texas Instruments, On Semiconductor – những doanh nghiệp nổi tiếng với bán dẫn dùng trong ứng dụng công nghiệp – và linh kiện chip tần số vô tuyến cao cấp từ Qorvo.

Trả lời Nikkei, Intel khẳng định đã dừng tất cả lô hàng cho khách hàng tại Nga và Belarus. Texas Instruments, Analog Devices và On Semiconductor cũng nói không bán hàng cho Nga và các nước bị cấm vận khác. Theo Analog Devices, dù tăng cường nỗ lực chống lại việc bán lại trái phép, rất khó để ngăn chặn hoàn toàn.

Khó ngăn chặn hoạt động bán chip Mỹ sang Nga

Nếu như các hãng chip và nhà phân phối tên tuổi bị Mỹ giám sát chặt chẽ, nhiều thương nhân nhỏ hơn – bao gồm các công ty chỉ có một người và vừa thành lập – lại bị bỏ lọt. Một trong số này là Agu Information Technology từ Hong Kong, theo Nikkei. Dựa theo website, Agu mua hàng từ Intel và Samsung.

Từ tháng 9 đến tháng 12/2022, Agu tiến hành 6 giao dịch trị giá từ 100.000 USD với công ty bán buôn máy móc Mistral của Nga, theo dữ liệu hải quan Nga thu được từ hãng nghiên cứu Cybex Exim. Agu xuất khẩu hơn 60.000 bán dẫn Intel với tổng giá trị khoảng 18,7 triệu USD, trong đó một số vi xử lý giá khoảng 13.000 USD mỗi đơn vị.

Nga vẫn có thể mua chip bán dẫn Mỹ bất chấp cấm vận

Nga vẫn có thể mua chip bán dẫn Mỹ bất chấp cấm vận

Khi Nikkei đến địa chỉ trụ sở Agu theo giấy phép đăng ký, họ chỉ tìm thấy một khu chung cư nhưng không có phòng nào treo biển công ty. Theo thông tin đăng ký tại Hong Kong, Agu thành lập tháng 4/2022.

Một quan chức trong công ty giao dịch bán dẫn lớn của Nhật Bản nhận xét, rất khó để một hãng mới xử lý đơn hàng bán dẫn Intel vì bị kiểm soát hàng tồn kho nghiêm ngặt. Tên của Agu cũng không nằm trong danh sách nhà phân phối chính thức của Intel. Intel cho biết họ không có hồ sơ về bất kỳ giao dịch nào với Agu.

Các giao dịch từ 100.000 USD khác thuộc về DEXP International của Hong Kong. Theo dữ liệu hải quan Nga, công ty xuất khẩu bán dẫn Intel và AMD sang nhà bán buôn linh kiện điện tử Atlas ít nhất 13 lần với tổng giá trị giao dịch 2,5 triệu USD, từ tháng 10 đến tháng 11/2022.

DEXP thành lập năm 2018, có một văn phòng tại Hong Kong. Theo thông tin đăng ký, một người quốc tịch Nga tham gia quá trình mở công ty và nắm tất cả cổ phần cho đến tháng 5/2022. Trong khi đó, Atlas do Dmitry Alekseev, nhà sáng lập hãng bán lẻ điện tử DNS Group lớn của Nga, sở hữu. Địa chỉ đăng ký của Atlas giống với của DNS.

Sau khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra, Atlas đã nhập khẩu bán dẫn 235 lần với tổng giá trị 49 triệu USD, theo dữ liệu Nikkei thu thập từ Export Genius.

Rất khó để ngăn chặn hành vi bán lại chip cho Nga hay các bên bị cấm vận khác. Tháng 6/2022, Bộ Thương mại Mỹ áp lệnh trừng phạt lên công ty giao dịch linh kiện điện tử Sinno Electronics của Hong Kong vì “liên quan đến hỗ trợ quân đội Nga”. Dù vậy, hầu hết các hãng mà Nikkei kiểm tra đều không có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, họ đã trừng phạt hơn 500 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục giám sát cùng với các nước khác. Người phát ngôn cho biết “không bất ngờ” khi Nga chuyển sang các nước khác ngoài Liên minh kiểm soát xuất khẩu toàn cầu (GECC) cũng như các mạng lưới khác để mua bán dẫn. GECC bao gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và không có Trung Quốc.

Benjamin Kostrzewa, cựu chuyên viên Văn phòng đại diện thương mại Mỹ giải thích lý do thi hành các lệnh cấm vận lại khó như vậy. Đó là vì các công ty thương mại nhỏ ở Hong Kong và nơi khác vẫn có thể tiếp tục hoạt động dưới tên mới, ngay cả khi bị trừng phạt.

Tính chất của giao dịch chip toàn cầu càng khiến cho việc đưa chip xa khỏi Nga khó hơn. Các nhà sản xuất bán dẫn như Intel, AMD thường giao việc bán hàng cho các nhà phân phối lớn, như Arrow, Avnet và WPG Holdings. Họ cam kết với các nhà sản xuất sẽ không giao dịch với các bên bị cấm vận. Dù vậy, trong một số trường hợp, hàng tồn kho dư thừa từ các nhà sản xuất điện tử sẽ được bán cho các thương nhân hoặc công ty nhỏ hơn.

Từ đây, việc theo dõi phân phối trở nên khó khăn. Một quản lý tại Avnet, nhà phân phối bán dẫn hàng đầu của Mỹ, chia sẻ có nhiều công ty vỏ bọc và giao dịch tại Hong Kong phục vụ như một “chỗ chứa hàng hóa bán lại” cho Nga và nước khác. Gần như không thể trấn áp các thương nhân này. Nếu phát hiện giao dịch phi pháp, họ chỉ cần đổi tên hoặc dùng tên của các công ty thương mại khác. Nguồn bán dẫn của họ có vấn đề và không đảm bảo về chất lượng. Big Tech sẽ không mua từ các nguồn như vậy.

Bất chấp các khó khăn, một số người tranh luận có thể làm nhiều điều hơn để “bịt” lỗ hổng cho phép Nga mua chip Mỹ. "Chính phủ nên thu thập thông tin người mua hàng nhiều nhất có thể bằng các cơ quan tình báo", Diederik Cops, chuyên gia kiểm soát xuất khẩu tại Viện hòa bình Flemish (Bỉ) cho biết. "Họ cũng nên chia sẻ thông tin này với doanh nghiệp để nhận thức tốt hơn về rủi ro. Ngoài ra, thông tin phải được chia sẻ với các đối tác toàn cầu", ông nói.

(Theo Nikkei)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-nga-mua-hang-tram-trieu-usd-chip-ban-dan-my-bat-chap-cam-van-2131556.html
Zalo