Cách nào giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài?

Việc tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh và năng lực cạnh tranh của đội tàu quốc gia.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, tính đến nay, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đang duy trì 1.162 tàu với tổng trọng tải là 8,92 triệu tấn, tổng dung tích là 5,63 triệu GT.

Theo phân tích, các tàu biển có tỷ lệ lưu giữ PSC cao thuộc nhóm tàu chở hàng rời và tàu chở hàng tổng hợp (ảnh minh họa).

Theo phân tích, các tàu biển có tỷ lệ lưu giữ PSC cao thuộc nhóm tàu chở hàng rời và tàu chở hàng tổng hợp (ảnh minh họa).

Tuổi bình quân của đội tàu là 17,41 năm. Số lượng tàu biển hoạt động tuyến quốc tế là 532 tàu với tổng trọng tải 7,46 triệu tấn; tổng dung tích 4,7 triệu GT.

Trong đó, có 65 tàu mang lưỡng cấp với tổng trọng tải 5,73 triệu tấn, tổng dung tích là 3,61 triệu GT.

6 tháng đầu năm 2025, các đơn vị đăng kiểm thực hiện 583 lượt kiểm tra tàu biển đang khai thác; thực hiện ủy quyền cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra 23 lượt tàu biển; thực hiện đánh giá chu kỳ 13 cơ sở cung cấp dịch vụ; đánh giá công nhận lại đủ điều kiện 13 cơ sở đóng mởi, sửa chữa tàu biển.

Từ ngày 1/1 – 31/5, thống kê có 19 tàu biển treo cờ Việt Nam bị lưu giữ tại các cảng thuộc khu vực Tokyo-MOU, tổ chức hợp tác kiểm tra tàu biển của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương do phát hiện nhiều lỗi trong kiểm tra PSC (kiểm tra Nhà nước cảng biển).

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, để hạn chế tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài, Cục Đăng kiểm đã triển khai quy trình chặt chẽ trong công tác xử lý.

Không chỉ tổ chức họp với tất cả các chủ tàu có tàu bị lưu giữ để phân tích và xem xét các nguyên nhân lưu giữ tàu mà với các đơn vị kiểm tra và đăng kiểm viên cũng yêu cầu phải giải trình việc kiểm tra tàu khi cần thiết.

Trước khi được đưa vào tiếp tục hoạt động, các tàu bị lưu giữ phải được tổng kiểm tra trạng thái kỹ thuật để khắc phục tất cả các khiếm khuyết.

Để giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài, Cục Đăng kiểm VN đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, đánh giá nguyên nhân và xác định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan (ảnh minh họa).

Để giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài, Cục Đăng kiểm VN đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, đánh giá nguyên nhân và xác định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan (ảnh minh họa).

Theo lãnh đạo Phòng Tàu biển, công tác phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tàu biển bị lưu giữ PSC là hoạt động thường niên, thường xuyên, liên tục của Cục Đăng kiểm.

Qua phân tích số liệu Tokyo-Mou cho thấy, các khiếm khuyết dẫn đến lưu giữ tàu tập trung do lỗi về an toàn chống cháy, tình trạng kín nước và kín thời tiết, trang thiết bị cứu sinh, an toàn hàng hải, hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, hệ thống quản lý an toàn của tàu.

Các tàu có tỷ lệ lưu giữ cao thuộc nhóm tàu có tuổi trên 15 đến 20 tuổi, theo công dụng tàu là các nhóm tàu chở hàng rời và tàu chở hàng tổng hợp.

Thông qua phân tích khoa học các số liệu thống kê, Phòng Tàu biển đã tham mưu cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp giảm thiểu tàu biểu bị lưu giữ tới các đơn vị liên quan.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất tàu biển đang khai thác khi kiểm tra trên đà, định kỳ; kiểm tra xác định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến khiếm khuyết kỹ thuật dẫn đến việc tàu bị lưu giữ PSC.

Từ đó tăng cường khả năng hoạt động an toàn của đội tàu, giảm thiểu tàu bị lưu giữ PSC và duy trì đội tàu Việt Nam trong "Danh sách trắng" của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Bởi việc bị lưu giữ tàu biển không chỉ gây thiệt hại kinh tế trực tiếp, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh và năng lực cạnh tranh của đội tàu quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường vận tải biển quốc tế.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cach-nao-giam-thieu-tau-bien-bi-luu-giu-o-nuoc-ngoai-192250704105332082.htm
Zalo