Cách nào để thu đúng, thu đủ thuế với thương mại điện tử?
Mặc dù thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đã tăng dần qua các năm, nhưng so với doanh thu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các 'ông lớn' như Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... đang hoạt động tại Việt Nam, con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách thuế để ngăn ngừa tình trạng thất thu.
Theo thống kê từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT) đã tăng đều qua các năm: từ 83.000 tỷ đồng vào năm 2022, lên 97.000 tỷ đồng năm 2023, và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, con số này đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ xuất phát từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.
TikTok, Facebook cùng nhiều "ông lớn" đã nộp thuế hơn 6.200 tỷ đồng
Hiện nay, có 106 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 10 đơn vị so với lần cập nhật cuối cùng vào tháng trước. Các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đã kê khai và nộp thuế.
Tính đến ngày 15/8, các nhà cung cấp nước ngoài này đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, và đạt 125% so với dự toán được giao trong năm nay.
Lũy kế từ tháng 3/2022, khi Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài chính thức đi vào hoạt động, các doanh nghiệp đã nộp gần 18.000 tỷ đồng tiền thuế. Hiện tại, 6 "ông lớn" gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix và Apple đang chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết: "Năm 2021, thu thuế từ TMĐT chỉ đạt vài nghìn tỷ đồng, nhưng nhờ việc triển khai eTax Mobile từ năm 2022, số thu thuế đã tăng đáng kể, đạt khoảng 90.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đến năm 2024, khả năng thu thuế sẽ vượt mốc 100.000 tỷ đồng."
Ông Thịnh nhận xét, việc thu thuế chính xác và đầy đủ từ hoạt động TMĐT là thách thức chung cho các cơ quan thuế trên toàn cầu, kể cả những nơi có hệ thống thuế phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu. "Ở Việt Nam, việc chúng ta nghiên cứu, đề ra các biện pháp thu đối với lĩnh vực này cũng chưa có gì mới”, ông Thịnh nhận xét.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các "ông lớn" như Google, Facebook, YouTube mỗi năm thu về hàng tỷ USD doanh thu tại Việt Nam, nhưng số thuế họ đóng chưa tương xứng. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý hiệu quả để có thể thu đúng, thu đủ từ những doanh nghiệp này."
Dẫn chứng từ số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Thịnh cho biết, từ tháng 1 đến tháng 6/2024, mỗi tháng có từ 1,3 - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới mà không phải chịu thuế. "Điều này cho thấy cơ chế chính sách hiện tại của chúng ta đang chưa thực sự phù hợp," ông nhận định.
Ông cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia đã điều chỉnh chính sách thuế đối với các mặt hàng có giá trị nhỏ. Chẳng hạn, Anh đã thay đổi quy định, yêu cầu hàng hóa có giá trị dưới 135 bảng Anh cũng phải nộp thuế. Ở Đông Nam Á, Thái Lan áp dụng mức thuế 7% cho tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ.
Dữ liệu phải được bảo đảm đúng, đủ, sạch
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi Nghị định 12 để quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT). Theo đó, các tổ chức, cá nhân và hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử xuất hóa đơn thay mặt họ, đảm bảo mọi giao dịch TMĐT, dù lớn hay nhỏ, đều được xuất hóa đơn đầy đủ. Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT, trong đó đề nghị loại bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhỏ lẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng kho dữ liệu lớn để hỗ trợ công tác thu thuế TMĐT, đảm bảo thu đúng và đủ, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh xã hội. Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết ngành công thương đã chia sẻ dữ liệu của hơn 1.000 chủ thể TMĐT và sẽ mở rộng đến 50.000 chủ thể.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), khẳng định sự phối hợp giữa các bộ, ngành sẽ giúp quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thách thức lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu và các trung tâm dữ liệu chưa đủ mạnh để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của TMĐT (tăng trưởng 20-25% mỗi năm). Dữ liệu ngày càng lớn và thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi hạ tầng thông tin phải đủ mạnh để lưu trữ và cập nhật kịp thời.
Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, các hệ thống giao dịch điện tử, bao gồm cả TMĐT có trên 3 triệu người dùng sẽ được coi là hệ thống lớn, trên 10 triệu người dùng sẽ được xem là rất lớn và cần định kỳ báo cáo cơ quan nhà nước, đồng thời chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ công tác quản lý.
Bên cạnh đó, thông tư về hệ thống tiếp nhận và quản lý nhà nước về TMĐT cũng đang được xây dựng, sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và blockchain để đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của mô hình kinh doanh TMĐT.