Cách mạng công nghệ và kỷ nguyên mới của đất nước

Chiến lược công nghệ bán dẫn và AI sẽ vừa là động lực, vừa là nguồn lực sản phẩm cơ bản để góp phần đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Lễ công bố Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ngày 5/12/2024.

Lễ công bố Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ngày 5/12/2024.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025 và triển khai chủ trương Đại hội XIII của Đảng: “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Cùng với sự hội nhập kinh tế thế giới và phát triển của nền kinh tế thị trường, cách mạng công nghệ đã đem lại xu hướng mới: Sự cạnh tranh mạnh mẽ về công nghệ tiên tiến để giành quyền lực toàn cầu. Không có công nghệ tiên tiến nào quan trọng hơn chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ba diễn biến chính

Sự hội tụ của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, chuỗi cung ứng bán dẫn trị giá hàng nghìn tỷ USD và những tiến bộ nhanh chóng trong AI đã đưa chúng ta đến một thời điểm quan trọng và nhạy cảm trong các vấn đề thế giới. AI đóng vai trò trung tâm trong tiến trình này. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn dự đoán sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần vì đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật liệu bán dẫn trong các công nghệ mới nổi như AI, xe tự hành, Internet vạn vật và 5G. Kết quả là, các nhà cung cấp không ngừng nỗ lực đổi mới và giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Xu hướng này đang tiến triển với ba diễn biến chính trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn:

Một là, ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến tăng từ 0,72 nghìn tỷ USD vào năm 2024 lên 1,21 nghìn tỷ USD vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 10,86% trong giai đoạn dự báo (2024-2029). Lĩnh vực này mở rộng nhanh chóng khi chất bán dẫn đang trở thành thành phần cơ bản của công nghệ hiện đại.

Hai là, tốc độ áp dụng công nghệ bán dẫn chưa từng có không chỉ làm nổi bật tiềm năng biến đổi của AI mà còn tạo tiền đề cho sự thay đổi lớn trong kết nối toàn cầu và hệ thống kinh tế. Công nghệ đã thấm nhuần vào cuộc sống của chúng ta. Phải mất 75 năm để điện thoại cố định đạt tới 100 triệu người dùng trên toàn cầu. Ngược lại, điện thoại di động đạt được cột mốc này chỉ trong 16 năm và Internet chỉ mất bảy năm. Cửa hàngApple phải mất hai năm và đáng kinh ngạc là ChatGPT đạt được con số này chỉ trong hai tháng.

Ba là, địa chính trị của công nghệ chip sẽ định hình tương lai của AI. Tuy nhiên, công nghệ tiên tiến quan trọng nhất thế giới hầu như đều được sản xuất tại một cơ sở duy nhất ở Đài Loan (Trung Quốc). Hơn nữa, cơ sở đó nằm ở một trong những khu vực địa chính trị căng thẳng nhất trên thế giới. Các doanh nghiệp hàng đầu sản xuất chip như Nvidia, Samsung… tìm kiếm các vị trí mới có tiềm năng về nguồn lực tự nhiên, hạ tầng nhân lực và kết nối thị trường, nhưng an ninh chính trị ổn định như Việt Nam để giảm thiểu rủi ro trong dài hạn…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển bền vững công nghiệp bán dẫn (Ảnh: MPI)

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển bền vững công nghiệp bán dẫn (Ảnh: MPI)

AI - lợi ích và thách thức

Thực tế cho thấy, sự gia tăng quan tâm và sử dụng AI tạo ra nhu cầu cao hơn đối với chất bán dẫn, giúp ngành công nghiệp đổi mới nhanh hơn và sản xuất những con chip mạnh mẽ hơn. AI với sự hỗ trợ của chuỗi cung ứng chất bán dẫn có thể giúp các lĩnh vực bao gồm cả an ninh quốc phòng phát triển nhảy vọt. AI có thể làm tăng trưởng năng suất bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ, tối ưu hóa quy trình và hỗ trợ ra quyết định. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các chuyên gia sử dụng AI đã hoàn thành trung bình nhiều hơn 12% nhiệm vụ và nhanh hơn 25%...

Mặc dù có nhiều lợi ích, AI mang đến một làn sóng thách thức. Năng suất AI chủ yếu được các quốc gia giàu có và các công ty công nghệ lớn nắm bắt, tạo ra một số công ty siêu sao toàn cầu, nguy cơ làm gia tăng khoảng cách thu nhập khi các quốc gia hàng đầu gặt hái phần lớn lợi ích, bỏ lại các nước đang phát triển phía sau.

Hơn nữa, AI có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của nhiều nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào lao động giá rẻ và giảm các động lực kinh tế cho thương mại và đầu tư, làm suy yếu các nền tảng kinh tế truyền thống và có khả năng ngăn chặn tiến trình thu hẹp khoảng cách thu nhập. AI sẽ tự động hóa nhiều ngành nghề, đảo lộn các mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển truyền thống, phá vỡ mối liên hệ giữa tăng trưởng tiền lương và năng suất, đồng thời gia tăng tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng. Sự ra đời của dữ liệu lớn và AI làm dấy lên những lo ngại đáng kể về quyền riêng tư, tạo ra những rủi ro mới về thiên vị thuật toán, làm trầm trọng thêm các lỗ hổng an ninh mạng và thông tin sai lệch.

Đầu tư và sự quan tâm đối với AI ở Đông Nam Á ngày càng tăng, mang đến nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. (Ảnh minh họa. Nguồn: iStock)

Đầu tư và sự quan tâm đối với AI ở Đông Nam Á ngày càng tăng, mang đến nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. (Ảnh minh họa. Nguồn: iStock)

Để làm chủ công nghệ

Nắm bắt được các xu hướng phát triển mới về cách mạng công nghệ và hướng tới sự khởi nghiệp cho đất nước trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 - ngành công nghiệp dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Theo các nhà chiến lược công nghệ, để đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững công nghiệp bán dẫn non trẻ của đất nước, từng bước hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động và mức sống của người dân cao hơn trong làm chủ các công nghệ tiên tiến của thời đại 4.0, cần tập trung triển khai và thực hiện bốn giải pháp cơ bản sau:

Một là, toàn cầu hóa và các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế là những nguồn lực xã hội có tính chất hợp tác xuyên biên giới tạo ra các thể chế toàn cầu mới có thể được tin cậy để kết nối đối tác và thị trường thế giới. Cùng các chính sách chủ động hợp tác đối tác chiến lược toàn diện với các nền kinh tế lớn và phát triển công nghệ cao, Việt Nam cần tận dụng các nguồn lực này để nắm bắt cơ hội chuyển đổi ngay bây giờ nhằm định hình quỹ đạo của ngành công nghiệp chất bán dẫn và mạnh mẽ kết nối đối tác đầu tư quốc tế.

Hai là, ngành công nghiệp bán dẫn đang trải qua giai đoạn chuyển đổi, với các khoản đầu tư đáng kể và quan hệ đối tác chiến lược. Sự tăng trưởng này phần lớn được đẩy mạnh bởi những tiến bộ trong AI. AI định hình lại ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách thúc đẩy nhu cầu về chip chuyên dụng được thiết kế để xử lý các phép tính phức tạp.

Chính vì vậy, trong chiến lược liên kết ngành công nghiệp (Industrial Cluster), cần đặt trọng tâm xây dựng chiến lược liên kết ngành công nghiệp AI với công nghiệp chất bán dẫn nói riêng và các ngành trọng điểm nói chung như nông nghiệp, năng lượng, hạ tầng giao thông (bao gồm logistics), kinh tế biển và công nghệ cao để tích hợp AI nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ba là, để ngành công nghiệp chất bán dẫn phát triển bền vững, cần xây dựng hệ sinh thái AI tại các tỉnh, thành phố thông qua phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và các công ty AI trong nước, củng cố quan hệ đối tác với các công ty công nghệ quốc tế và đẩy nhanh áp dụng AI trong Chính phủ, góp phần xây dựng thể chế hiệu quả, kinh tế thị trường công bằng, chuyển giao công nghệ và tăng năng suất lao động.

Ngoài ra, cần phát triển các nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (băng thông rộng mạnh mẽ, khả năng lưu trữ dữ liệu và khả năng kỹ thuật số) và phát triển kỹ năng (kiến thức số cơ sở, nghiên cứu AI tiên tiến và bảo đảm các kỹ năng mới được tích hợp vào chương trình giảng dạy của trường học và đào tạo chuyên môn).

Bốn là, phát triển các khuôn khổ quản trị bảo đảm phát triển công nghệ chất bán dẫn và AI có trách nhiệm thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức, giá trị xã hội và môi trường để tránh các rủi ro về việc làm, quyền riêng tư, an ninh mạng, phổ biến thông tin sai lệch và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Chắc chắn trong quá trình phát triển đất nước, cùng với việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, chiến lược công nghệ chất bán dẫn và AI sẽ vừa là động lực, vừa là nguồn lực sản phẩm cơ bản để góp phần quyết định cho sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước trong kỷ nguyên chuyển mình, cất cánh và sánh vai với các nền kinh tế phát triển trong khu vực và thế giới.

TS. Đoàn Duy Khương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cach-mang-cong-nghe-va-ky-nguyen-moi-cua-dat-nuoc-301985.html
Zalo