Cách kiểm tra đồng hồ Omega giả

Theo CEO Bob's Watches, hàng giả Omega ngày càng tinh vi, nhưng khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra qua các dấu hiệu như thiết kế pha trộn, lỗi chính tả và chất lượng in ấn kém.

 Thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ từ 1848, thường bị làm giả, nên khách hàng cẩn trọng khi mua.

Thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ từ 1848, thường bị làm giả, nên khách hàng cẩn trọng khi mua.

Omega, thương hiệu đồng hồ nổi tiếng từ năm 1848, được yêu thích trên toàn cầu, nhưng cũng vì thế mà trở thành mục tiêu của những kẻ làm hàng giả. Với bản sao nhái ngày càng tinh xảo, việc nhận biết một cỗ máy Thụy Sĩ chính hãng không phải lúc nào cũng dễ.

Dựa trên kinh nghiệm từ Paul Altieri, nhà sáng lập kiêm CEO của Bob’s Watches, nền tảng kinh doanh đồng hồ đã qua sử dụng uy tín, dưới đây là những lưu ý mua hàng hữu ích giúp khách hàng nhận diện một chiếc Omega chính hãng.

Thiết kế pha trộn

Một dấu hiệu dễ nhận biết nhất của đồng hồ giả là khi thiết kế pha trộn các chi tiết từ nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn, nếu một chiếc đồng hồ trông giống Speedmaster nhưng lại có chữ Seamaster trên mặt số hoặc nắp lưng của Constellation, thì gần như chắc chắn đó là hàng nhái.

Tuy nhiên, có một số ngoại lệ, như một số mẫu De Ville cổ điển, vốn xuất phát từ dòng Seamaster, có thể có cả hai dòng chữ trên mặt số. Đây là đặc điểm đặc biệt của các phiên bản đầu tiên, trước khi De Ville trở thành một dòng riêng biệt.

 Đồng hồ giả dễ lộ khi kết hợp chi tiết từ các dòng như Speedmaster và Seamaster trên cùng một sản phẩm.

Đồng hồ giả dễ lộ khi kết hợp chi tiết từ các dòng như Speedmaster và Seamaster trên cùng một sản phẩm.

Lỗi chính tả và chất lượng in ấn

Theo CEO Paul Altieri, bất kỳ lỗi chính tả nào trên mặt số, vỏ hoặc bộ máy của đồng hồ Omega đều là dấu hiệu rõ ràng của hàng giả.

Hơn nữa, các dòng chữ in hoặc khắc trên đồng hồ chính hãng luôn sắc nét, đều đặn, không lem luốc hay méo mó. Nếu phát hiện chi tiết in ấn kém chất lượng, người mua nên nghi ngờ về tính xác thực của sản phẩm.

Kiểm tra chức năng của đồng hồ

Đồng hồ giả thường không tái hiện đầy đủ các chức năng của sản phẩm chính hãng. Chẳng hạn, chiếc Speedmaster nhái có thể có mặt số phụ không hoạt động, hoặc van thoát khí heli bị đặt sai vị trí, không thể tháo rời.

Một dấu hiệu khác là nếu đồng hồ không có chức năng hiển thị ngày hoặc các tính năng phức tạp, nhưng núm vặn lại có nhiều vị trí điều chỉnh. Điều này cho thấy bộ máy bên trong không được thiết kế dành riêng cho mẫu đồng hồ đó.

Xác minh số serial

Mỗi chiếc đồng hồ Omega chính hãng đều được khắc một số serial độc nhất gồm 7 hoặc 8 chữ số. Trên các mẫu cổ điển, số serial thường nằm bên trong nắp lưng, trong khi các mẫu hiện đại thường có số serial ở mặt ngoài, thường ở phần dưới của một trong các càng nối dây (lug).

Để đảm bảo, khách hàng nên tra cứu số serial trên internet. Nhiều đồng hồ giả sử dụng cùng một số serial cho nhiều sản phẩm, nên nếu số serial trùng khớp với chiếc đồng hồ khác không phải mẫu đang xem xét, khả năng cao đó là hàng nhái.

 Bộ máy chính hãng được khắc tỉ mỉ, mẫu cổ có mạ đồng, khác biệt rõ với hàng giả.

Bộ máy chính hãng được khắc tỉ mỉ, mẫu cổ có mạ đồng, khác biệt rõ với hàng giả.

Kiểm tra bộ máy

Nếu vẫn còn nghi ngờ, người mua có thể mở đồng hồ để kiểm tra bộ máy hoặc nhờ thợ đồng hồ chuyên nghiệp thực hiện.

Bộ máy của Omega được khắc chi tiết, với các mẫu cổ điển thường có lớp mạ đồng đặc trưng. Dù là mẫu cũ hay mới, bộ máy bên trong luôn có chất lượng hoàn thiện tốt, điều mà đồng hồ giả khó có thể sao chép.

Như Phương

Ảnh: Hodinkee

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-kiem-tra-dong-ho-omega-gia-post1554106.html
Zalo