Cách gói bánh chưng ngày Tết đẹp, ngon, chuẩn vị Bắc

Trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, cứ nhắc đến bánh chưng là người ta lại thấy bồi hồi, xao xuyến với không khí của ngày lễ quan trọng nhất năm của dân tộc.

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thành viên trong gia đình lại quây quần bên nồi bánh chưng xanh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thành viên trong gia đình lại quây quần bên nồi bánh chưng xanh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Từ ngàn đời nay, bánh chưng đã trở thành món ăn quốc hồn, quốc túy trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Bắc. Bánh chưng là thứ mà Tết năm nào cũng phải có, mọi gia đình đều phải có. Nhà nhiều thì đôi chục cái, ít cũng phải có dăm bảy cái. Trước là để cúng tổ tiên, sau là bày ra mâm cỗ để thưởng thức cùng gia đình trong những ngày xuân.

Trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, cứ nhắc đến bánh chưng là người ta lại thấy bồi hồi, xao xuyến với không khí của ngày lễ quan trọng nhất năm của dân tộc.

Ngày xưa, trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, mỗi gia đình dù ở nông thôn hay thành phố đều tự gói bánh chưng cho gia đình mình. Ngày nay, khi đất nước ngày càng phát triển, nhịp sống hiện đại ngày càng bận rộn và gấp gáp, việc gói bánh chưng đã trở thành một dịch vụ kinh doanh đắt hàng khi nhiều gia đình chọn mua thay vì tự gói bánh ăn Tết.

Tuy vậy, cũng có không ít người coi việc gói bánh chưng như một hoạt động trải nghiệm thú vị. Tự gói bánh chưng giống như một dịp sum họp các thành viên trong gia đình, thậm chí còn khiến người ta hào hứng hơn cả những bữa tiệc, liên hoan cuối năm.

Đối với nhiều người trưởng thành, việc gói bánh chưng không hề phiền hà chút nào mà trái lại, giúp họ được sống lại không khí của ngày Tết xưa, tuy điều kiện còn khó khăn nhưng ấm áp tình người. Đối với nhiều bậc cha mẹ, cả nhà quây quần gói bánh chưng Tết cũng là cách để giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ, kế thừa những phong tục, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Ý nghĩa của Bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Theo truyền thuyết, bánh chưng có từ thời Vua Hùng thứ 6, gắn liền với câu chuyện về hoàng tử Lang Liêu và cuộc thi tìm người kế vị bằng cuộc thi làm món ăn ngon nhất. Bánh chưng được chọn vì ý nghĩa sâu xa của nó, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và đất trời.

Hình vuông của bánh tượng trưng cho đất, thể hiện lòng biết ơn đối với đất đai đã nuôi sống con người. Màu xanh của lá dong gói bánh tượng trưng cho trời, cho sự bao la, chở che.

Bánh chưng còn là biểu tượng của sự no đủ và thịnh vượng. Bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ, những nguyên liệu tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Mọi người cùng nhau thưởng thức bánh chưng trong dịp Tết thể hiện ước vọng về một năm mới no đủ, hạnh phúc và thịnh vượng.

Bánh chưng thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của người Việt trong nghệ thuật ẩm thực truyền thống. Chiếc bánh đơn giản nhưng chứa đựng trong đó cả nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Từ những chiếc lá dong bọc ngoài hay nguyên liệu làm nhân bánh như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo... đều là những sản vật quen thuộc, gắn liền với đời sống của người Việt Nam. Món bánh chưng từ lâu đã vượt ra khỏi ranh giới đất Việt, được bạn bè quốc tế biết đến và ưa thích.

Việc làm bánh chưng cũng góp phần gắn kết tình cảm gia đình. Quá trình làm bánh thường diễn ra vào những ngày giáp Tết, cả gia đình cùng nhau quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng bên bếp lửa, tạo nên không khí ấm cúng và gắn kết.

Sau cùng, bánh chưng đã trở thành một nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Một điều thật đáng mừng là, việc ngày càng có nhiều gia đình thích tự gói bánh chưng cho ngày Tết chính là lời khẳng định cho sức sống trường tồn của một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Một gia đình đông đủ ông bà, con cháu ở Giáp Nhị (Hoàng Mai, Hà Nội) sum họp gói bánh chưng trong ngày cận Tết. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Một gia đình đông đủ ông bà, con cháu ở Giáp Nhị (Hoàng Mai, Hà Nội) sum họp gói bánh chưng trong ngày cận Tết. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Cách gói bánh chưng chuẩn vị Bắc thơm ngon

Các công đoạn gói bánh chưng nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, để gói được một chiếc bánh chưng ngon, chuẩn vị miền Bắc cho ngày Tết không phải là điều dễ dàng.

Chuẩn bị nguyên liệu:

Các nguyên liệu dùng để làm bánh chưng gồm:

700g gạo nếp
400g thịt ba chỉ
450g đậu xanh tách vỏ
Lá chuối hoặc lá dong
Một bó lạt
Gia vị: Muối, đường, tiêu

Trong khâu này cần chú ý: Để bánh chưng ngon, lại đẹp mắt, "chuẩn bài", phải chọn được lá dong theo tiêu chí còn nguyên vẹn, màu xanh đậm, độ dai tốt, phiến lá to rộng, mà phải là lá bánh tẻ thì mới có thể gói được phần nhân bên trong dễ dàng, khi gói không dễ bị rách.

Sơ chế nguyên liệu:

Lá dong rửa sạch, lau khô cả 2 mặt, sau đó cắt bỏ phần cuống.

Lạt tre cần ngâm nước trong vài tiếng rồi xé thành sợi mảnh có chiều ngang khoảng 0.5cm.

Gạo nếp vo sạch để ráo nước rồi xóc thêm với chút muối (khoảng 4g). Nhiều nhà còn ngâm gạo nếp cùng với lá riềng hoặc lá dứa để nếp có màu xanh, cũng giúp nếp thơm hơn.

Với đỗ xanh cần chọn những hạt vàng đều, rửa sạch, có nhà còn thêm một bước cầu kỳ khác là đồ lên để nhân bánh chưng sẽ ngon hơn. Đậu xanh cũng có thể cho thêm chút muối và tiêu rồi trộn đều.

Thịt lợn phải chọn loại có cả nạc cả mỡ, thái miếng to bản. Cách ướp thịt cũng đơn giản, chỉ cần ướp với muối, đường, hành khô, tiêu với lượng vừa phải. Ở một số địa phương có tiếng làm bánh chưng ngon, chẳng hạn như Đồ Sơn, Hải Phòng, thịt ba chỉ dùng làm nhân bánh chưng được tuyển chọn rất cầu kỳ, khi ướp sẽ được trộn với tiêu bắc và thảo quả xay nhuyễn rồi mới cho vào gói.

Gói bánh chưng (bằng tay)

 Lá dong xanh bên ngoài, ở giữa là gạo, đậu xanh, thịt mỡ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Lá dong xanh bên ngoài, ở giữa là gạo, đậu xanh, thịt mỡ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Hiện nay, dùng khuôn gói bánh chưng khá phổ biến, tuy nhiên những người khéo tay thì "gói vo" vẫn có thể cho ra lò những chiếc bánh chưng vuông vức, đẹp đẽ chẳng khác gói khuôn là mấy. Các bước như sau:

Bước 1: Đặt lá dong: Đầu tiên úp mặt xanh đậm của 1 lá dong xuống mặt sàn. Tiếp theo, ngửa mặt xanh đậm của 2 lá dong còn lại lên và đặt vuông góc, chính giữa lá dong úp xuống kia.

Bước 2: Gấp lá dong: Cho nguyên liệu bánh theo thứ tự 1 lớp gạo nếp, 1 lớp đậu xanh, 1 lớp thịt lợn, 1 lớp đậu xanh và cuối cùng cho 1 lớp gạo nếp.

Đầu tiên, giữ 2 mép lá nằm phía dọc của bánh rồi dùng tay gấp và cuộn lá sao cho phần nếp được cố định.

Bước tiếp theo, giữ mép vừa gấp bằng một tay, tay còn lại gập 1 bên của lá theo chiều ngang.

Sau đó dựng đứng bánh lên, giữ chặt và vỗ nhẹ bánh xuống mặt bàn để phần nhân bánh được dàn dều. Bước kế tiếp là gấp phần lá ở phía trên vào, dựng bánh phía bên này xuống mặt bàn và thực hiện tương tự với bên còn lại.

Đến công đoạn buộc lạt, lấy 2 dây lạt buộc song song với nhau để giữ chặt bánh. Kế đến, buộc tiếp 2 chiếc lạt vuông góc với 2 lạt trên.

Khâu buộc lạt tưởng đơn giản mà hóa ra lại là "khó nhằn". Khi buộc lạt cần chú ý, nếu chặt quá thì bánh luộc xong lồi lõm, xấu. Buộc lỏng quá thì bánh dễ bị bung lá bọc. Do vậy, người buộc lạt phải lựa làm sao cho chiếc bánh được buộc vừa khít, đảm bảo gạo và nhân bên trong chín đều mà bánh nhìn đẹp.

Luộc bánh chưng

Trước khi xếp bánh chưng vào nồi, cần xếp một lớp cuống lá dong bên dưới để bánh không bị cháy và dính đáy nồi.

Đầu tiên xếp bánh chưng đã gói vào nồi, đổ nước ngập mặt bánh để luộc (từ 10-15cm). Khi xếp bánh vào nồi cần xếp chặt tay, theo hàng để bánh không bị chín ép.

Chỉ để lửa liu riu trong suốt quá trình luộc bánh chưng. Luôn chuẩn bị 1 ấm nước sôi bên cạnh để khi nước trong nồi cạn, bạn kịp thời tiếp thêm nước, không đổ nước lạnh vào nồi. Khi nước sôi cứ cách 1,5 tiếng cần phải tiếp thêm nước một lần. Khi luộc được nửa thời gian bạn nên mở nắp nồi, đảo mặt bánh để bánh chín đều hơn.

Về thời gian luộc, đối với bánh kích cỡ nhỏ chỉ cần luộc trong khoảng 5 tiếng là chín nhưng bánh cỡ lớn sẽ có thời gian luộc lâu hơn, ít nhất là 12 tiếng.

Sau khi bánh chín, lấy bánh ra khỏi nồi rồi ngâm trong nước lạnh ngâm tầm 20 phút rồi xếp bánh ra mặt bàn, dùng đồ nặng đè lên để ép nước ra khỏi cho bánh ráo ngon và giữ được lâu, thời gian ép hết nước từ khoảng 5 đến 8 tiếng.

Cách xử lý nếu bánh chưng bị sống: Đầu tiên mở vỏ bánh ra sau đó gói bánh, lưu ý không gói chặt, tiếp theo là đem bánh đi hấp hoặc luộc để bánh chín.

 Bánh chưng ở làng nghề Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được nhiều người ở các tỉnh, thảnh khác nhau đặt mua về ăn Tết, làm quà biếu tặng. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Bánh chưng ở làng nghề Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được nhiều người ở các tỉnh, thảnh khác nhau đặt mua về ăn Tết, làm quà biếu tặng. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Thưởng thức bánh chưng đúng cách

Thưởng thức bánh chưng đúng cách và tốt cho sức khỏe là nên ăn kèm với rau xanh và dưa muối, củ kiệu hoặc dưa hành. Ăn như vậy vừa không gây ngán, vừa cân bằng dinh dưỡng và hỗ trợ tiêu hóa. Nếu đã ăn bánh chưng thì nên hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột khác trong cùng bữa ăn đó.

Ngoài ăn bánh chưng kiểu luộc truyền thống, mọi người còn biến tấu thành nhiều kiểu khác nhau để hương vị thơm ngon hơn, như món bánh chưng rán chấm xì dầu, rất được nhiều người ưa thích. Một số vùng miền còn kết hợp bánh chưng với các món ăn kèm như mật mía hoặc dưa món./.

Vietnam+

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cach-goi-banh-chung-ngay-tet-dep-ngon-chuan-vi-bac-post1007837.vnp
Zalo