Cách giải quyết tranh chấp khi doanh nghiệp tham gia mua bán và sáp nhập quốc tế

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo 'Chiến lược giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Trọng tài quốc tế và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế'.

Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) phối hợp cùng Liên đoàn Luật sư Thái Bình Dương (Inter-Pacific Bar Association - IPBA) tổ chức đã bàn về xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) khác.

Sau đại dịch COVID-19, thương mại quốc tế có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh, với số lượng và giá trị các giao dịch ngày càng tăng. Do đó, số lượng những vụ tranh chấp cũng xuất hiện ngày càng nhiều với sự gia tăng về mức độ phức tạp. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng, quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp hiệu quả thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs), đặc biệt là hòa giải và trọng tài. Để có thể sử dụng những phương thức này hiệu quả, các doanh nghiệp cũng như những người sử dụng ADRs cần phải cập nhật các xu hướng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) - chia sẻ những quan tâm đối với bức tranh giải quyết tranh chấp tại châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Theo đó, cùng sự biến động của kinh tế khu vực và thế giới, vai trò của trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế đóng vai trò ngày càng quan trọng nhờ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) phát biểu tại hội thảo.

Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) phát biểu tại hội thảo.

Dẫn báo cáo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương được công bố tháng 10/2023 đã nhận định, khu vực này vẫn là khu vực kinh tế phát triển năng động bất chấp nhiều tác động tiêu cực, ông Vũ Ánh Dương cho rằng, với sự biến động của nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, vai trò của trọng tài và các phương thức ADRs khác đang ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việt Nam đang tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình hội nhập kinh tế không ngừng kéo theo là nhu cầu ngày càng tăng về những cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch.

Các đại biểu tham dự sự kiện đã thảo luận, trao đổi các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án có thể trở thành một phần trong chiến lược của doanh nghiệp và nhà đầu tư khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Về nguyên tắc, Trọng tài quốc tế là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên, đặc biệt là trong tranh chấp với doanh nghiệp nước ngoài. Các bên có nghĩa vụ thi hành và không có quyền kháng cáo hay khiếu nại. Những quyết định khi Tòa đưa ra buộc các bên phải thực hiện nên việc thi hành phán quyết sẽ hiệu quả hơn.

Riêng đối với doanh nghiệp, đặc biệt khi tham gia vào các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) với nước ngoài, các chuyên gia khuyến cáo các bên cần nghiên cứu kỹ các tác động của thị trường sẽ ảnh hưởng ra sao đến hợp đồng mua bán sáp nhập. Bởi đây chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào bất lợi khi ra Tòa án quốc tế. Ngoài ra, cần hiểu rõ sự khác biệt giữa luật pháp Việt Nam và quốc tế, tránh bị thiệt hại trong các vụ tranh chấp bởi không tìm hiểu bản chất luật của các quốc gia sở tại…

Luật sư Nguyễn Duy Linh, thành viên Công ty Luật VILAF phát biểu ý kiến về chủ đề cơ hội và thách thức trong giải quyết tranh chấp quốc tế xuyên biên giới. Ông Linh cho rằng, làm thế nào đó để có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, với mục tiêu nâng cao và hiện đại hóa hệ thống pháp luật, tạo ra khung pháp lý toàn diện và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp xuyên biên giới.

Theo luật sư Lương Văn Trung - Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài VIAC: Các vụ tranh chấp về mua bán và sáp nhập (M&A) thường phức tạp và tốn kém, với nhiều vấn đề pháp lý cần được giải quyết. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong các vụ tranh chấp M&A là các vụ kiện người quản lý do vi phạm nghĩa vụ đối với công ty và cổ đông nên được xem xét thế nào về khía cạnh cổ đông có được bồi thường trực tiếp thay vì công ty hay không.

Luật sư Lương Văn Trung - Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài VIAC phát biểu tại hội thảo.

Luật sư Lương Văn Trung - Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài VIAC phát biểu tại hội thảo.

Luật sư Trung đã viện dẫn các án lệ, quy định của pháp luật và tài liệu tham khảo liên quan đến pháp luật của Vương Quốc Anh, Nhật Bản và Việt Nam cũng như một số nước khác và đưa ra các điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, nguyên tắc cơ bản là chỉ những ai bị thiệt hại trực tiếp mới có thể làm nguyên đơn đi kiện đòi bồi thường thiệt hại đó. Do đó, nếu công ty bị thiệt hại trực tiếp do người quản lý vi phạm nghĩa vụ thì chỉ công ty mới là có quyền đi kiện người quản lý.

Thứ hai, sự giảm giá cổ phần hay góp do thiệt hại mà công ty trực tiếp gánh chịu là thiệt hại gián tiếp (thiệt hại phản chiếu thiệt hại trực tiếp của công ty). Do đó, cổ đông không thể kiện người quản lý đề yêu cầu bồi thường cho sự suy giảm giá trị cổ phiếu hay vốn góp đó. Bởi lẽ đơn giản là nếu thiệt hại của công ty được bồi thường thì giá trị cổ phiếu hay vốn góp cũng tăng thêm tương ứng.

Tuy nhiên, theo pháp luật của nhiều quốc gia, nguyên tắc trên có ngoại lệ là cổ đông có thể kiện người quản lý thay mặt công ty trong một số trường hợp như: (i) công ty không còn nguồn lực để khởi kiện; (ii) công ty bị người quản lý cản trở việc tự đi kiện; (iii) người quản lý không tha thiết đi kiện vì lợi ích của công ty. Việc khởi kiện này cần phải được Tòa án cho phép trước khi tiến hành.

Riêng tại Việt Nam, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có quyền nhân danh chính mình hoặc công ty kiện người quản lý (hoặc bên thứ ba) để yêu cầu những người đó bồi thường cho công ty mà không cần xin sự chấp thuận trước của Tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Theo thống kê từ riêng VIAC, xu hướng giải quyết tranh chấp kinh tế bằng trọng tài đang dần phát triển và là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp hướng tới trong những năm gần đây. Năm 2022, có 292 vụ việc được xử lý bởi VIAC, tăng 815% so với năm 2021. Trong giai đoạn từ 1993 đến năm 2022, trong 2513 vụ tranh chấp thì có hơn 60% số vụ có dính tới yếu tố doanh nghiệp nước ngoài.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/cach-giai-quyet-tranh-chap-khi-doanh-nghiep-tham-gia-mua-ban-va-sap-nhap-quoc-te-417443.html
Zalo