Cách dùng ấm điện an toàn, tiết kiệm

Chỉ đun lượng nước cần thiết là một trong những điều bạn cần nhớ khi dùng ấm điện; điều này giúp tiết kiệm điện và kéo dài tuổi thọ của ấm.

Ấm điện là một trong những thiết bị gia dụng mà hầu như gia đình nào cũng có, giúp bạn có nước nóng chỉ trong vài phút. Để sử dụng ấm điện một cách an toàn và tiết kiệm điện năng, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc.

Cách dùng ấm điện an toàn, tiết kiệm điện

Những cách sau không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khỏe, an toàn cho gia đình mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng hàng tháng, lại giữ độ bền cho ấm.

Bạn có biết cách sử dụng ấm điện an toàn, tiết kiệm điện năng? (Ảnh: Amazon)

Bạn có biết cách sử dụng ấm điện an toàn, tiết kiệm điện năng? (Ảnh: Amazon)

Chọn mua ấm điện phù hợp với nhu cầu

Bạn nên chọn những loại ấm có dung tích phù hợp với gia đình, tránh chọn ấm quá lớn gây lãng phí điện năng. Ngoài ra, ấm điện nên có chất liệu tốt như inox không gỉ, thủy tinh chịu nhiệt hay nhựa cao cấp an toàn với sức khỏe.

Khi mua ấm điện, bạn cũng cần chú ý đến các tính năng an toàn như tự ngắt điện khi nước sôi, bảo vệ chống cạn nước, có đế xoay 360 độ tiện lợi. Các thương hiệu uy tín thường cung cấp sản phẩm chất lượng và đảm bảo các tính năng an toàn cần thiết.

Đặt ấm điện ở nơi khô ráo

Một nguyên tắc dùng ấm điện an toàn mà bạn nhất định phải nhớ là đặt ấm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa tầm tay trẻ em và các vật dụng dễ cháy. Khi sử dụng, không nên đặt ấm điện gần nguồn nước hoặc trong những khu vực ẩm ướt như nhà tắm, vì nước có thể làm hỏng các bộ phận điện bên trong ấm, gây chập điện, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, ấm điện cũng nên được đặt trên bề mặt phẳng, chắc chắn để tránh tình trạng đổ, nghiêng trong quá trình đun nước.

Sử dụng đúng cách và vệ sinh thường xuyên

Khi sử dụng ấm điện, bạn cần lưu ý không đổ nước quá mức cho phép hoặc dưới mức tối thiểu của ấm. Thông thường, các ấm điện đều có vạch chỉ mức nước tối thiểu và tối đa, bạn nên tuân thủ để tránh hư hỏng thiết bị hoặc nguy cơ cháy nổ.

Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện ấm điện có dấu hiệu bất thường như không tự ngắt khi nước sôi, phát ra âm thanh lạ, hoặc có mùi khét, bạn cần ngưng sử dụng ngay lập tức và kiểm tra hoặc mang đi sửa chữa.

Để ấm điện luôn hoạt động tốt và tiết kiệm điện năng, bạn nên vệ sinh ấm định kỳ, loại bỏ cặn bẩn và vôi hóa bám ở đáy, thành ấm. Bạn có thể sử dụng giấm trắng pha loãng hoặc chanh để làm sạch cặn, sau đó đun sôi và xả sạch bằng nước.

Chỉ đun lượng nước cần thiết

Một trong những mẹo đơn giản để tiết kiệm điện khi sử dụng ấm điện là chỉ đun lượng nước bạn cần dùng. Nhiều người có thói quen đun đầy ấm nhưng chỉ sử dụng một phần nhỏ, điều này không chỉ gây lãng phí điện năng mà còn kéo dài thời gian đun sôi, giảm tuổi thọ của ấm.

Hãy ước đoán lượng nước cần thiết cho mỗi lần đun. Nếu chỉ cần một cốc nước để pha trà, bạn nên đổ đúng lượng đó vào ấm. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn giảm thiểu thời gian chờ đợi.

Rút phích cắm sau khi sử dụng

Khi dùng ấm điện, hãy rút phích cắm sau khi sử dụng để đảm bảo an toàn và giúp tiết kiệm điện năng. (Ảnh: eBay)

Khi dùng ấm điện, hãy rút phích cắm sau khi sử dụng để đảm bảo an toàn và giúp tiết kiệm điện năng. (Ảnh: eBay)

Sau khi sử dụng, hãy luôn nhớ rút phích cắm ra khỏi ổ điện. Đây là cách dùng ấm điện an toàn, tiết kiệm điện, tránh nguy cơ cháy nổ do ấm điện bị chập hoặc quá nhiệt. Đặc biệt, nếu nhà có trẻ nhỏ, việc rút phích cắm cũng giúp ngăn ngừa các tai nạn điện do trẻ nhỏ vô tình bật ấm điện.

Thường xuyên kiểm tra dây điện và phích cắm

Dây điện và phích cắm của ấm điện là những bộ phận quan trọng nhưng dễ bị hỏng hoặc mòn theo thời gian. Bạn nên thường xuyên kiểm tra xem dây điện có bị đứt, phích cắm có bị lỏng hay có dấu hiệu cháy chập hay không. Nếu phát hiện bất kỳ hư hỏng nào, hãy thay thế hoặc sửa chữa ngay lập tức để đảm bảo an toàn.

Không mở nắp ấm khi đang đun

Trong quá trình đun nước, bạn tránh mở nắp ấm để đảm bảo an toàn và hiệu quả đun nấu. Việc mở nắp khi nước đang sôi có thể làm giảm hiệu suất nhiệt, khiến ấm phải hoạt động lâu hơn và tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Ngoài ra, việc mở nắp đột ngột có thể khiến hơi nước nóng phun ra ngoài, gây bỏng cho bạn.

Tận dụng ấm điện đúng thời điểm

Nếu có thể, hãy tận dụng ấm điện vào những giờ thấp điểm của điện lưới, thường là buổi sáng sớm hoặc buổi tối sau 22h. Vào những giờ cao điểm, điện áp không ổn định, giá điện cũng cao hơn. Do đó, việc đun nước vào giờ thấp điểm sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí điện đáng kể.

Chỉ sử dụng ấm điện để đun nước

Ấm điện được thiết kế chuyên dụng để đun nước, vì vậy bạn không nên sử dụng nó cho các mục đích khác như đun sữa, nấu cháo hay luộc trứng. Các thực phẩm này có thể làm hỏng ấm hoặc gây ra những tình huống nguy hiểm như trào nước, cháy khét. Nếu bạn cần đun nóng các loại thực phẩm, hãy sử dụng nồi hoặc thiết bị phù hợp khác.

Chọn ấm điện có công suất phù hợp

Mỗi ấm điện có công suất khác nhau, từ 1.000W đến 2.200W hoặc cao hơn. Nếu bạn chỉ cần đun nước cho một vài người, hãy chọn ấm có công suất vừa phải để tiết kiệm điện. Đối với nhu cầu đun nước nhiều hoặc nhanh, bạn có thể chọn ấm công suất lớn hơn nhưng hãy cân nhắc đến mức tiêu thụ điện tương ứng.

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-dung-am-dien-an-toan-tiet-kiem-ar894929.html
Zalo