Cách đặt tên, quy mô dân số, diện tích xã, phường sau sáp nhập
Phường hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên; đối với phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số đạt từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số đạt từ 21.000 người trở lên.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ký ban hành Nghị quyết số 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) năm 2025.
Không sắp xếp đối với ĐVHC biệt lập, quan trọng về quốc phòng, an ninh
Nghị quyết này quy định về việc sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là ĐVHC cấp tỉnh) và sắp xếp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là ĐVHC cấp xã) trong năm 2025 theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết này là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc Trung ương để hình thành thành phố trực thuộc Trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm giảm số lượng, tăng quy mô ĐVHC, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Sắp xếp ĐVHC cấp xã quy định tại Nghị quyết này là việc thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp xã để bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp, cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng ĐVHC cấp xã so với hiện nay, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trường hợp sắp xếp phường với các ĐVHC cùng cấp thì ĐVHC hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì ĐVHC hình thành sau sắp xếp là xã.
Không thực hiện sắp xếp đối với ĐVHC có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số từ 45.000 người trở lên
Về định hướng tiêu chuẩn của ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp, căn cứ vào nguyên tắc sắp xếp ĐVHC quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đáp ứng các định hướng sau đây:
Xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của UBTVQH về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC;
Phường hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên; đối với phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số đạt từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số đạt từ 21.000 người trở lên.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp sắp xếp từ 3 ĐVHC cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn.
Trường hợp ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp không thể đáp ứng các định hướng về tiêu chuẩn thì Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.
Số liệu về diện tích và dân số làm cơ sở cho việc sắp xếp ĐVHC được tính đến 31/12/2024.
Khuyến khích đặt tên ĐVHC cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) gắn số thứ tự
Tên của ĐVHC cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các ĐVHC trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc đặt tên, đổi tên của ĐVHC cấp xã được quy định như sau: Tên của ĐVHC cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ;
Khuyến khích đặt tên của ĐVHC cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin;
Tên của ĐVHC cấp xã không được trùng với tên của ĐVHC cùng cấp trong phạm vi ĐVHC cấp tỉnh hoặc trong phạm vi ĐVHC cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Giữ nguyên chế độ tiền lương, phụ cấp của cán bộ chịu ảnh hưởng sắp xếp trong 6 tháng
UBND cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn và của tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp ĐVHC mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách để chi các nhiệm vụ.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2025 theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025.
Nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở ĐVHC cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025. Chính quyền địa phương ở ĐVHC cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.