Cách chế tạo binh khí của cha ông ta khiến nhiều nước thán phục

Nhiều nước thán phục trước việc chế tạo binh khí của cha ông, không chỉ có công năng kỳ diệu mà còn mang tính thẩm mỹ cao.

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa phát hành cuốn sách Kỳ công diệu nghệ của tác giả Đông Nguyễn và họa sĩ Kaovjets Ngujens.

Cuốn sách mang đến một góc nhìn mới mẻ về lịch sử kỹ thuật và công nghệ của người Việt xưa, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.

Một trong những điểm nhấn của cuốn sách là giới thiệu 30 kỹ thuật và công nghệ nổi trội mà người Việt đã ứng dụng trước thế kỷ XX, trong đó có nhiều phát minh quân sự độc đáo.

 Cuốn sách mang đến một góc nhìn mới mẻ về lịch sử kỹ thuật và công nghệ của người Việt xưa, trong đó có chế tạo binh khí.

Cuốn sách mang đến một góc nhìn mới mẻ về lịch sử kỹ thuật và công nghệ của người Việt xưa, trong đó có chế tạo binh khí.

Đáng chú ý là "chảo chớp" – một bộ phận then chốt trong cơ chế khai hỏa của súng, được ông Hồ Nguyên Trừng sáng tạo từ thế kỷ XIV - XV.

Phát minh này đã được sử dụng rộng rãi trong các loại hỏa khí phương Tây đến tận thế kỷ XIX, trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử vũ khí thế giới .

Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến việc người Việt là quốc gia Á Đông đầu tiên mua thuyền hơi nước vào thập niên 30 của thế kỷ XIX.

Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng, người Việt đã tháo dỡ và cải tiến thuyền hơi nước, chế tạo bộ máy mới to hơn, tăng số guồng quay, đi trước cả Nhật Bản và Trung Quốc trong việc tiếp cận và cải tiến công nghệ phương Tây.

 Tác giả Đông Nguyễn và họa sĩ Kaovjets Ngujens cho biết, nhiều nước thán phục trước chế tạo binh khí của cha ông. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Tác giả Đông Nguyễn và họa sĩ Kaovjets Ngujens cho biết, nhiều nước thán phục trước chế tạo binh khí của cha ông. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Hai tác giả chia sẻ, quá trình thực hiện ấn tượng với kỹ thuật quân sự của cha ông. "Chẳng hạn, cha ông ta đã làm ra tàu có tải trọng 50 tấn, đi tận tới Đài Loan (Trung Quốc), vượt sóng gió mà không hề hấn gì.

Nhiều nước thán phục trước chế tạo binh khí của cha ông, không chỉ có công năng kỳ diệu mà còn mang tính thẩm mỹ cao. Cả kỹ thuật chế tạo đồng hồ, cứ nghĩ ở phương Tây mới có thể làm...", các tác giả chia sẻ.

Cuốn sách cũng giới thiệu kỹ thuật xây thành dạng sao kiểu Italia, được áp dụng trong việc xây dựng thành Bát Quái ở Gia Định năm 1790.

Thành có mặt bằng như bông hoa sen, xóa bỏ những "góc chết" vốn có trong kiến trúc truyền thống, vừa tăng cường khả năng phòng thủ, vừa hỗ trợ tấn công hiệu quả.

Đây là một minh chứng cho việc người Việt không chỉ tiếp thu mà còn sáng tạo trong việc áp dụng kỹ thuật quân sự tiên tiến .

Họa sĩ Kaovjets Ngujens đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái hiện các kỹ thuật và công nghệ cổ xưa qua hàng trăm hình minh họa chi tiết.

Với những công nghệ có ghi chép sơ sài, tác giả Đông Nguyễn đã phỏng đoán và dựng hình 3D để họa sĩ triển khai thành tranh vẽ, giúp người đọc dễ dàng hình dung và tiếp cận kiến thức một cách sinh động .

 Thuyền đáy đan nan, một trong những minh chứng cho khả năng chế tạo binh khí của cha ông ta.

Thuyền đáy đan nan, một trong những minh chứng cho khả năng chế tạo binh khí của cha ông ta.

Tác giả Đông Nguyễn chia sẻ, mục tiêu của cuốn sách là hướng đến độc giả trẻ, nhằm khơi dậy niềm tự hào về lịch sử và khuyến khích thế hệ trẻ theo đuổi các ngành khoa học công nghệ.

Bằng cách giới thiệu những phát kiến và cải tiến của cha ông, cuốn sách mong muốn truyền cảm hứng để các bạn trẻ mạnh dạn lựa chọn con đường khoa học công nghệ là con đường tương lai .

Kỳ công diệu nghệ không chỉ là một tài liệu quý giá về lịch sử kỹ thuật và công nghệ của người Việt, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ hôm nay. Cuốn sách là minh chứng cho sự sáng tạo, tài năng và khéo léo của người Việt xưa trong lĩnh vực quân sự và công nghệ.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-che-tao-binh-khi-cua-cha-ong-ta-khien-nhieu-nuoc-than-phuc-post851608.html
Zalo