Cách chế biến món ăn 'thân thiện' khi bị đau dạ dày trong ngày Tết

Áp lực công việc cùng với ăn uống, sinh hoạt không điều độ là nguyên nhân khiến nhiều người bị đau dạ dày trong ngày Tết. Vậy người có tiền sử bệnh dạ dày cần ăn uống thế nào để tránh tái phát cơn đau trong ngày Tết?

Nội dung

1. Nguyên nhân khiến đau dạ dày dễ tái phát trong ngày Tết

2. Cách kiểm soát và phòng ngừa tái phát đau dạ dày

1. Nguyên nhân khiến đau dạ dày dễ tái phát trong ngày Tết

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày nhưng trong những ngày Tết, sự căng thẳng, mệt mỏi do phải làm nhiều việc chuẩn bị Tết; chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ là nguyên nhân chính gây tái phát cơn đau dạ dày.

Ăn quá nhiều món khó tiêu: Các món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, giò chả, thịt kho... thường chứa nhiều dầu mỡ, khó tiêu hóa, gây áp lực lên dạ dày. Bánh kẹo, mứt Tết chứa nhiều đường dễ gây đầy hơi, khó tiêu.

Lạm dụng chất kích thích: Rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas là đồ uống được tiêu thụ nhiều trong các bữa liên hoan làm tăng tiết acid dạ dày, gây kích ứng niêm mạc dạ dày.

Ăn không đúng giờ, không đủ bữa: Việc ăn uống thất thường, bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều một lúc đều gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.

Thay đổi thói quen sinh hoạt: Ngủ ít, thức khuya để vui chơi và ăn uống, thiếu vận động làm tăng gánh nặng cho dạ dày và khiến quá trình tiêu hóa chậm lại.

Người có tiền sử bệnh dạ dày rất dễ bị tái phát cơn đau trong dịp Tết.

Người có tiền sử bệnh dạ dày rất dễ bị tái phát cơn đau trong dịp Tết.

2. Cách kiểm soát và phòng ngừa tái phát đau dạ dày

Ngoài cách ăn uống, lựa chọn thực phẩm, người bệnh dạ dày cần giữ chế độ sinh hoạt hợp lý. Trong những ngày Tết sum họp cùng gia đình nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, bỏ qua những lo âu, căng thẳng không cần thiết… Duy trì tập luyện như đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường tiêu hóa. Chú ý ngủ đủ giấc để cơ thể được phục hồi… Những biện pháp này giúp kiểm soát bệnh và phòng ngừa tái phát hiệu quả.

Về chế độ ăn uống cần lưu ý:

Ăn uống điều độ: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá no một lúc. Người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng cần lưu ý không nên ăn quá no hay để quá đói, nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Không nên uống quá nhiều nước mỗi lần, mỗi lần chỉ nên uống dưới 200 ml giữa các bữa ăn.

Tư thế và cách ăn: Ngồi thẳng trên ghế khi ăn để tránh chèn ép dạ dày. Nên ăn chậm nhai kỹ. Sau khi ăn không nên vận động mạnh. Ăn bữa ăn tối ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ, không ăn khuya để tránh dạ dày hoạt động quá tải về đêm.

Chọn thực phẩm lành mạnh: Ưu tiên các loại rau xanh, trái cây tươi, các món luộc, hấp. Hạn chế đồ ăn dầu mỡ, đồ ngọt, chất kích thích.

Uống đủ nước: Nước giúp làm loãng dịch vị dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa.

Theo BSCKI Trần Thị Hiếu, chuyên khoa Dinh dưỡng, ăn uống đúng cách sẽ giúp người bệnh viêm loét dạ dày giảm các triệu chứng đau, đầy bụng, khó tiêu, giảm tiết acid và kích thích đường tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể và giúp phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa.

Người bệnh cần lưu ý các nguyên tắc sau: Chia thành nhiều bữa; Thức ăn phải mềm, nhừ, ít xơ; Ăn chậm, nhai kỹ; Lưu ý tránh những thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày; Bổ sung vitamin và khoáng chất, lợi khuẩn đường ruột giúp tăng sản sinh nhung mao và phục hồi niêm mạc tiêu hóa…

Món ăn nấu mềm và dễ tiêu hóa tốt cho người bị đau dạ dày.

Món ăn nấu mềm và dễ tiêu hóa tốt cho người bị đau dạ dày.

3. Lưu ý khi chế biến món ăn cho người bệnh dạ dày

Thực phẩm nên ăn

Người bệnh viêm loét dạ dày nên ăn các loại thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như: gạo nếp, bánh mỳ, bánh quy, ngũ cốc, các loại khoai củ, mật ong…
Nên ăn thịt nạc như: thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt gia cầm không da; cá, trứng…
Chọn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như: dầu ô liu, bơ và các loại hạt
Tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do tiêu hóa hấp thụ kém ở người mắc bệnh lý dạ dày.

Thực phẩm nên tránh

Hạn chế ăn các thức ăn có vị cay, chua, gia vị tiêu, giấm, ớt, tỏi…
Hạn chế thức ăn đồ uống gây khó tiêu, tăng tiết dịch vị như: đồ ăn nhiều chất béo, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas; thức ăn muối chua, ướp nhiều muối…
Hạn chế tối đa uống rượu bia, tốt nhất là không nên uống vì tất cả rượu bia, đặc biệt là rượu mạnh đều gây kích thích dạ dày và làm chậm quá trình chữa lành bệnh.
Không ăn thức ăn lạnh, thức ăn để lâu, các món tái, sống như gỏi cá, nem chua, tiết canh…

Cách chế biến món ăn cho người bệnh dạ dày

Nấu mềm, chín kỹ để tránh làm tổn thương niêm mạc dạ dày, ruột đồng thời giúp dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ. Các món phù hợp bao gồm: Sữa, cháo, súp hay các món hầm mềm.
Nên hấp, luộc thay vì chiên xào cho quá nhiều dầu, mỡ.
Hạn chế cho nhiều gia vị: Nên hạn chế các loại gia vị cay nóng, chua vì những gia vị này có thể kích thích làm tái phát cơn đau dạ dày.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-che-bien-mon-an-than-thien-khi-bi-dau-da-day-trong-ngay-tet-169250119163650936.htm
Zalo