Các vụ ám sát Tổng thống và ứng viên Tổng thống Mỹ trong lịch sử

Trước vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump hôm 13-7, đã có nhiều vụ bạo lực chính trị nhắm vào các Tổng thống, cựu Tổng thống và các ứng cử viên Tổng thống ở Mỹ. Dưới đây là một số vụ ám sát nổi tiếng kể từ khi nước Mỹ thành lập vào năm 1776.

Tổng thống John F. Kennedy qua đời khi ngồi xe mui trần trong chuyến thăm Dallas vào tháng 11-1963

Tổng thống John F. Kennedy qua đời khi ngồi xe mui trần trong chuyến thăm Dallas vào tháng 11-1963

ABRAHAM LINCOLN, Tổng thống thứ 16

Abraham Lincoln là Tổng thống đầu tiên bị ám sát trong lịch sử Mỹ. Ông bị John Wilkes Booth bắn vào ngày 14-4-1865, khi ông và Đệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln tham dự một buổi biểu diễn đặc biệt của vở hài kịch “Our American Cousin” tại Nhà hát Ford ở Washington.

Sau khi bị bắn vào đầu, Tổng thống Lincoln được đưa đến một ngôi nhà đối diện với nhà hát để điều trị y tế. Ông qua đời vào sáng hôm sau. Động cơ vụ ám sát được cho là do sự ủng hộ của ông đối với quyền của người da màu. Hai năm trước vụ ám sát, ông Lincoln đã ban hành Tuyên bố giải phóng nô lệ, trao quyền tự do cho nô lệ trong Liên minh miền Nam. 12 ngày sau khi gây ra vụ việc, Booth bị tiêu diệt khi trốn trong một nhà kho gần Bowling Green, Virginia.

JAMES GARFIELD, Tổng thống thứ 20

Chỉ 6 tháng sau khi nhậm chức, vài ngày 2-7-1881, Tổng thống James Garfield đã bị bắn khi đang đi bộ qua một nhà ga xe lửa ở Washington để bắt tàu đến New England. Thời điểm ấy, ông Alexander Graham Bell, nhà phát minh ra điện thoại, đã không thành công trong việc tìm viên đạn găm trong ngực Tổng thống Garfield bằng một thiết bị mà ông thiết kế riêng. Tổng thống thứ 20 của nước Mỹ bị thương nặng nằm tại Nhà Trắng trong vài tuần và qua đời vào tháng 9 sau khi được đưa đến bờ biển New Jersey. Thủ phạm sau đó bị hành quyết vào tháng 6-1882.

WILLIAM McKINLEY, Tổng thống thứ 25

Tổng thống McKinley bị ám sát sau khi có bài phát biểu tại Buffalo, New York, vào ngày 6-9-1901. Khi đó, ông đang bắt tay mọi người thì bị một tay súng bắn hai phát vào ngực ở cự ly gần. Các bác sĩ đã hy vọng nhà lãnh đạo sẽ hồi phục nhưng sau đó, vết thương quanh vết đạn đã bị hoại tử. Tổng thống McKinley qua đời vào ngày 14-9-1901, 6 tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Ông được Phó Tổng thống Theodore Roosevelt kế nhiệm.

Leon F. Czolgosz, một cư dân Detroit 28 tuổi, thất nghiệp, đã thừa nhận gây ra vụ nổ súng. Czolgosz đã thi hành án tử hình trên ghế điện vào ngày 29-10-1901.

FRANKLIN D. ROOSEVELT, Tổng thống thứ 32

Một ngày tháng 2-1933, Tổng thống đắc cử Roosevelt vừa có bài phát biểu tại Miami từ phía sau một chiếc xe mui trần thì tiếng súng vang lên. Ông Roosevelt may mắn thoát nạn nhưng ở gần ông, Thị trưởng Chicago Anton Cermak trúng đạn và tử vong. Hung thủ Guiseppe Zangara gây ra vụ việc đã bị kết án tử hình.

HARRY S. TRUMAN, Tổng thống thứ 33

Tháng 11-1950, Tổng thống Truman đang ở tại Blair House, đối diện Nhà Trắng thì 2 tay súng đột nhập. Ông Truman hôm đó không bị thương, nhưng một cảnh sát và một trong những kẻ tấn công đã chết trong cuộc đấu súng. Hai cảnh sát Nhà Trắng khác bị thương. Thủ phạm Oscar Callazo chịu án tử hình nhưng năm 1952, người này đã được chính Tổng thống Truman giảm án xuống tù chung thân. Oscar Callazo được Tổng thống Jimmy Carter ký lệnh ân xa tha tù vào năm 1979.

JOHN F. KENNEDY, Tổng thống thứ 35

Tổng thống John F.Kennedy đã bị một sát thủ sử dụng súng trường công suất lớn bắn chết khi ông đến thăm Dallas vào tháng 11-1963 cùng với Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy. Tiếng súng vang lên khi đoàn xe hộ tống của Tổng thống đi qua Dealey Plaza ở trung tâm thành phố Dallas. Ông Kennedy được đưa đến Bệnh viện Parkland Memorial nhưng đã qua đời ngay sau đó. Kế nhiệm ông là Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson, người đã tuyên thệ nhậm chức trong phòng họp ngay trên chuyên cơ Không lực Một, trở thành Tổng thống Mỹ duy nhất tuyên thệ nhậm chức trên máy bay.

Vài giờ sau vụ ám sát, cảnh sát đã bắt giữ Lee Harvey Oswald sau khi tìm thấy một vị trí bắn tỉa trong một tòa nhà gần đó. Hai ngày sau, Oswald đang bị đưa từ trụ sở cảnh sát đến nhà tù quận thì chủ hộp đêm Dallas Jack Ruby lao tới và bắn chết.

Tổng thống Gerald Ford được mật vụ nhanh chóng hộ tống sau khi có người nổ súng nhằm vào ông trước khách sạn Francis ở San Francisco hôm 22-9-1975

Tổng thống Gerald Ford được mật vụ nhanh chóng hộ tống sau khi có người nổ súng nhằm vào ông trước khách sạn Francis ở San Francisco hôm 22-9-1975

GERALD FORD, Tổng thống thứ 38

Tổng thống Gerald Ford đã đối mặt với 2 lần ám sát hụt trong vòng vài tuần vào năm 1975 và may mắn đều không bị thương. Ở vụ đầu tiên, Tổng thống Ford đang trên đường đến một cuộc họp với Thống đốc California tại Sacramento thì đối tượng Lynette “Squeaky” Fromme chen qua đám đông trên phố, rút một khẩu súng lục bán tự động và chĩa vào ông Ford. Khẩu súng không nổ. Fromme đã bị kết án tù và được thả vào năm 2009.

17 ngày sau, một người phụ nữ khác, Sara Jane Moore, đã chặn đường Tổng thống Ford bên ngoài một khách sạn ở San Francisco. Moore đã nổ một phát súng nhưng trượt. Một người qua đường đã túm lấy cánh tay nữ sát thủ khi cô ta cố bắn phát súng thứ hai. Moore được ra tù vào năm 2007.

Ảnh tư liệu về vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan hôm 30-3-1981 bên ngoài khách sạn ở Washington, D.C

Ảnh tư liệu về vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan hôm 30-3-1981 bên ngoài khách sạn ở Washington, D.C

RONALD REAGAN, Tổng thống thứ 40

Ngày 30-3-1981, khi Tổng thống Reagan vừa kết thúc bài phát biểu tại Washington, D.C. và đi bộ đến đoàn xe của mình thì bị John Hinckley Jr., ẩn trong đám đông, nổ súng bắn. Ngoài Tổng thống Reagan - người đã hồi phục sau vụ việc, 3 người khác cũng trúng đạn, trong đó Thư ký báo chí Nhà Trắng James Brady sau này đã bị liệt.

Hinckley đã bị giam giữ tại bệnh viện tâm thần sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố đối tượng không có tội do mất trí khi bắn Tổng thống Reagan. Năm 2022, Hinckley được tòa án trả tự do sau khi được xác định “không còn là mối nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác nữa”.

GEORGE W. BUSH, Tổng thống thứ 43

Tổng thống Mỹ Bush đang tham dự một sự kiện ở Tbilisi vào năm 2005 với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili thì bị một quả lựu đạn ném về phía ông. Cả hai nhà lãnh đạo được bảo vệ bằng một rào chắn chống đạn và quả lựu đạn rơi xuống cách chỗ họ khoảng 30m đã không phát nổ. Thủ phạm Vladimir Arutyunian sau đó đã bị tuyên án tù chung thân.

THEODORE ROOSEVELT, ứng cử viên tổng thống

Cựu Tổng thống Roosevelt bị ám sát hụt ở Milwaukee năm 1912 khi đang vận động tranh cử để trở lại Nhà Trắng, sau 2 nhiệm kỳ giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Những tờ giấy gấp và hộp đựng kính bằng kim loại trong túi của ông Roosevelt khi đó dường như đã làm giảm tác động của viên đạn và ông không bị thương nghiêm trọng. Tay súng John Schrank đã bị bắt và dành phần đời còn lại của mình trong bệnh viện tâm thần.

ROBERT F. KENNEDY, ứng cử viên tổng thống

Năm 1968, ông Robert F. Kennedy là Thượng nghị sĩ đến từ New York và là em trai của Tổng thống John F. Kennedy, người đã bị ám sát cách đó 5 năm. Hôm đó, chỉ vài phút sau khi có bài phát biểu chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở California, ông Kennedy - người đang tìm kiếm đề cử ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ đã bị sát hại tại một khách sạn ở Los Angeles. 5 người khác cũng bị thương trong vụ nổ súng. Thủ phạm Sirhan Sirhan bị kết tội giết người cấp độ 1 và bị kết án tử hình. Bản án đã được giảm xuống còn chung thân và năm ngoái, đơn xin ân xá mới nhất của Sirhan đã bị bác bỏ.

GEORGE C. WALLACE, ứng cử viên tổng thống

Trong một lần dừng chân vận động tranh cử ở Maryland năm 1972, ông Wallace, Thống đốc Alabama, trong lúc đang tìm kiếm đề cử ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ đã bị ám sát. Sự cố khiến ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Kẻ nổ súng Arthur Bremer bị kết án tù và được thả vào năm 2007.

Theo AP

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-vu-am-sat-tong-thong-va-ung-vien-tong-thong-my-trong-lich-su-post582884.antd
Zalo