Các Trung tâm đăng kiểm tư nhân móc nối với 'cò' đăng kiểm để nhận tiền hối lộ

Ngày 31-7, TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và 14 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) các tỉnh, thành. Phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo có hành vi sai phạm xảy ra tại TTĐK khối tư nhân (khối D), như: 50-15D; 50-17D.

Các bị cáo thuộc nhóm các TTĐK tư nhân tại phiên tòa ngày 31-7.

Các bị cáo thuộc nhóm các TTĐK tư nhân tại phiên tòa ngày 31-7.

Theo đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố, phần lớn các bị cáo tại các TTĐK khối tư nhân đã chủ động làm đơn tự thú, khai nhận hành vi phạm tội ngay khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội.Bên cạnh đó, số tiền thu lợi bất chính được mỗi bị cáo là đăng kiểm viên tại các TTĐK nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi rồi gộp vào một khoản chung. Trưởng dây chuyền đăng kiểm tại mỗi trung tâm là người nhận, giữ đến cuối tuần mới chia. Do vậy, tất cả các bị cáo khi đã bị quy kết trách nhiệm hình sự đều phải chịu trách nhiệm chung cho số tiền mà các bị cáo khác cùng nhận. Còn trách nhiệm cụ thể về số tiền hưởng lợi đối với từng bị cáo, Viện Kiểm sát đã nêu rõ đối với mỗi bị cáo.

Tại tòa, các bị cáo có hành vi sai phạm tại TTĐK 50-15D khai, để tạo thuận lợi các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ, Nguyễn Trọng Vĩnh (Giám đốc Trung tâm 50-15D) chỉ đạo cho Phạm Kim Anh (nhân viên tiếp nhận hồ sơ) khi các đối tượng “cò” đưa xe vào đăng kiểm thì cho nợ tiền phí kiểm định, cuối ngày thu một lần. Kim Anh ghi lại ký hiệu của từng “cò” vào góc trái, phía dưới tờ “Phiếu theo dõi”.

Theo cáo trạng, năm 2018, bị cáo Danh Thanh Tiền (Giám đốc Trung tâm 61-06D) cùng Nguyễn Trọng Vĩnh và Đoàn Hải Linh (Phó Giám đốc Trung tâm 50-15D) góp vốn để thành lập Cty TNHH Lâm Hà Trúc với mục đích thành lập Trung tâm Đăng kiểm tại TPHCM.

Năm 2019, Tiền mang hồ sơ đến Cục ĐKVN gặp trực tiếp Trần Kỳ Hình (Cục trưởng lúc bấy giờ) đưa hối lộ 10 triệu đồng và được cấp mã số Trung tâm là 50-15D. Tuy nhiên, qua một thời gian dài, Cục ĐKVN không cử đoàn kiểm tra đánh giá. Sau đó nhóm của Tiền đưa thêm cho Hình 2.000 USD thì trung tâm này mới được hoạt động. Khi bắt đầu hoạt động cho đến lúc bị cơ quan Công an phát hiện sai phạm, Trần Văn Thương (Giám đốc Cty Lâm Hà Trúc) không trực tiếp điều hành mà giao toàn quyền cho Nguyễn Trọng Vĩnh và Đoàn Hải Linh quản lý, điều hành Trung tâm 50-15D. Nguyễn Trọng Vĩnh bàn bạc với Đoàn Hải Linh và Vũ Hữu Bình để thống nhất cho Bình đứng ra móc nối với các đối tượng môi giới để nhận hối lộ của chủ các phương tiện đăng kiểm.

Tương tự, trong quá trình kiểm định, các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-17D đã bỏ qua các lỗi không đạt ở công đoạn đo khói, kiểm tra nhíp, thùng xe, đèn, kèo, tải trọng,... để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm trái quy định. Ngoài ra, trước khi chưa có chủ trương nhận hối lộ để bỏ qua lỗi thì các đăng kiểm viên cũng thống nhất, nếu có chủ phương tiện đưa tiền hối lộ để bỏ qua lỗi thì các đăng kiểm viên cũng nhận và ăn chia với công ty. Điều đáng nói, điều hành TTĐK 50-17D này là 1 giám đốc mới học hết lớp 2- bị cáo Hồ Hữu Tài.

Theo cáo trạng, Hồ Hữu Tài- Giám đốc Cty An Phát (công ty thành lập TTĐK 50-17D) và Nguyễn Thanh Phong (Chủ tịch HĐQT Cty An Phát) chủ trương cho đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi không đạt đối với phương tiện đến kiểm định với mục đích tăng doanh thu vì công ty kinh doanh liên tục thua lỗ và không đủ tiền trả lương cho nhân viên và tiền mặt bằng. Sau đó, Hồ Hữu Tài giao cho con rể là Đinh Thành Trung trực tiếp nhận tiền hối lộ từ các chủ phương tiện. Do đó, cáo trạng xác định, bị cáo Hồ Hữu Tài phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi: “Nhận hối lộ” đối với tổng số tiền hơn 480 triệu đồng, hưởng lợi bất chính 28,9 triệu đồng.

T.H

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cac-trung-tam-dang-kiem-tu-nhan-moc-noi-voi-co-dang-kiem-de-nhan-tien-hoi-lo-post298972.html
Zalo