Các tổ chức chính trị - xã hội góp phần xây dựng quê hương

(ABO) Trong nhiệm kỳ qua, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Tiền Giang đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn của tổ chức cấp trên để tập trung xây dựng, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Hội Cựu Chiến Binh (CCB) tỉnh, Hội Nông dân (ND) tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo quy định; chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở.

* ĐẠI TÁ PHAN HÙNG MÃNH, CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH TIỀN GIANG: Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Đại tá Phan Hùng Mạnh tặng quà cho CCB khó khăn.

Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hội CCB tỉnh đã tổ chức giám sát tập trung vào các nội dung cụ thể, như: Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CCB tham gia thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc; việc tặng thưởng huân chương, huy chương, chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ về nhà ở, những cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến bị địch bắt, tù đày; thực hiện chế độ chính sách đối với CCB gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19…

Từ kết quả giám sát, hằng năm, Hội CCB tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành phúc tra kết quả giải quyết chế độ, chính sách cho CCB sau giám sát. Hội CCB tỉnh đã giám sát 4 UBND cấp xã; Hội CCB cấp huyện giám sát 27 UBND xã, phường, thị trấn và 1 Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội cơ sở giám sát 189 lượt UBND xã, phường, thị trấn.

Đồng thời, giám sát, tổ chức đối thoại và kiến nghị các ngành chức năng giải quyết cho 197 đối tượng CCB tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày chưa được hưởng chế độ, chính sách; 474 CCB chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; 9 CCB chưa được hưởng chế độ mai táng phí; 1 CCB chưa được hưởng trợ cấp khi thôi công tác hội; 38 CCB chưa được khen thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.

Trao tặng quà cho CCB khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.

Ngoài ra, được sự chấp thuận của Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy địa phương, Hội CCB cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở tiến hành giám sát 2 Đảng ủy cấp trên cơ sở (Huyện ủy Gò Công Đông, Thị ủy Cai Lậy), 20 Đảng ủy xã, phường và 69 cấp ủy chi bộ ấp, khu phố theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận 66 ngày 4-3-2010 của Ban Bí thư việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, khóa IX về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới”.

Hằng năm, Hội CCB phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức hội nghị và tham gia phản biện bằng văn bản đối với các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, hướng dẫn cán bộ, hội viên CCB tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào các văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên CCB…

Hội CCB tỉnh Tiền Giang trao quà cho hội viên CCB.

Hội CCB tỉnh Tiền Giang trao quà cho hội viên CCB.

Từ thực tiễn công tác giám sát và phản biện xã hội, Hội CCB các cấp đã nắm bắt được những vấn đề tồn đọng về chính sách, những bức xúc xã hội và những vấn đề trọng tâm được nhân dân quan tâm, từ đó kiến nghị, đề xuất đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Những nội dung đề xuất, kiến nghị cụ thể của Hội CCB thông qua giám sát, phản biện xã hội đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm tiếp thu, xử lý kịp thời, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền; củng cố niềm tin của nhân dân và cán bộ, hội viên, CCB và cựu quân nhân.

Để phát huy hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi mong rằng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ trì, phối hợp, tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát và phản biện xã hội ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả, thực chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang.

* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯỢNG, CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH TIỀN GIANG: Hiệu quả từ sự hiệp thương thống nhất hành động

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang.

Trong những năm qua, với vai trò thành viên của MTTQ, Ban Thường vụ Hội Nông dân (ND) tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, ND tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (gọi tắt là Cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh đã trở thành một phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa; đồng thời, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đời sống hội viên, ND và nhân dân. Đây chính là một trong những nhiệm vụ chính trị, nội dung phương thức hoạt động đã được Hội ND tỉnh xác định rõ trong thời gian qua.

Để Cuộc vận động đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội, thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng, đã được đông đảo hội viên, ND và nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Cuộc vận động đã được các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể tỉnh quan tâm hưởng ứng và thường xuyên phối hợp giữa Hội ND tỉnh và MTTQ tỉnh Tiền Giang tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Nội dung thực hiện Cuộc vận động được Hội ND các cấp trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa trong phong trào thi đua đã thu hút đông đảo hội viên, ND và nhân dân tham gia, thể hiện tính toàn dân, toàn diện với chất lượng ngày càng cao, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội.

Hội ND tỉnh Tiền Giang trao quà cho người dân khó khăn.

Nổi bật là, cán bộ, hội viên, ND đã tích cực tham gia góp công, kinh phí, hiến đất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất, phân loại, xử lý rác thải, tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện… Thông qua đó, hội viên, ND đã hiến hơn 303.959 m2 đất, vật kiến trúc, hoa màu để làm mới và nâng cấp hơn 606 km đường giao thông nông thôn; làm mới, sửa chữa 809 cầu, cống; đóng góp 47.814 ngày công lao động và hơn 170 tỷ đồng.

Để góp phần thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả cao, Hội ND tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Trong đó, hỗ trợ vốn cho bà con ND là một trong những hoạt động nổi bật của Hội ND tỉnh trong giúp đỡ, hỗ trợ hội viên nghèo phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững thông qua Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND toàn tỉnh là 85 tỷ đồng; trong đó, cấp tỉnh 18 tỷ đồng và đã thực hiện hàng trăm dự án giải ngân cho hơn cho hơn 10.000 hộ vay giúp cho nhiều hội viên, ND có vốn sản xuất, kinh doanh; tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đặc biệt, thông qua thực hiện Chuyên đề thi đua "ND sản xuất, kinh doanh giỏi" hằng năm đã phát huy cao tính sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của ND, chuyển giao và áp dụng tích cực các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động.

Ngoài ra, Hội ND tỉnh thực hiện Hỗ trợ hội viên, ND quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua quầy nông sản của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND; các hội chợ, Festival nông nghiệp, hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, các ngành cung cấp thông tin giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản, tổ chức các hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm ở các địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa nông sản, thực phẩm vùng, miền.

Trao nhà "Mái ấm nông dân".

Qua nội dung trên cho thấy, Cuộc vận động ở tỉnh Tiền Giang đã đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội, thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng, được đông đảo hội viên, ND và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Cuộc vận động đã được các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh quan tâm hưởng ứng và thường xuyên phối hợp với Hội ND, MTTQ đã tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG, CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH TIỀN GIANG: Chung tay bảo vệ môi trường

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang.

Đối với tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường. Hội LHPN tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của Hội cấp trên về công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tích cực tham gia bảo vệ môi trường của từng cá nhân, tổ chức, nhất là thực hiện tốt trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại Điều 158 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Với vai trò tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nội dung Đề án số của MTTQ tỉnh Tiền Giang về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2028 bằng những hoạt động, công trình, phần việc cụ thể.

Tặng quà cho phụ nữ khó khăn.

Từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội LHPN đã tổ chức trồng trên 150.000 cây xanh và hoa hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với chủ đề “Phụ nữ vun trồng tương lai - vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và Đề án “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do UBND tỉnh phát động. Nhiều hoạt động được tổ chức: Ngày hội “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ngày hội xanh với chủ đề “Vì Môi trường Xanh - Tương lai Xanh”; Chương trình "Đổi rác thải nhựa lấy quà"; Hội thi “Phụ nữ với sáng kiến vì môi trường tái chế rác thải nhựa”; giao lưu trình diễn trang phục từ vật liệu phế thải; Nói chuyện chuyên đề “Phát huy vai trò phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao”;… Song song đó, trao tặng trên 1.000 sọt rác, túi lưới phân loại rác và giỏ nhựa đi chợ, thùng compost cho các hộ hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường.

Trao tặng thùng compost cho hội viên, phụ nữ.

Các mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường được duy trì như: Xây dựng 303 “Chi hội 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” tại 100% cơ sở hội; “Chi hội Phụ nữ xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” tại các xã nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu; Câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ môi trường; Tổ phụ nữ tình nguyện chống rác thải nhựa; Tổ phụ nữ không sử dụng túi ni lông; Tổ phụ nữ phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình bằng men vi sinh thành chất dinh dưỡng cho cây trồng; Mô hình “Ngôi nhà xanh”; “Một hố rác - một cây xanh”; “Tuyến đường hoa”,…

Nhiều mô hình thu gom rác thải nhựa đổi quà của các cấp Hội LHPN trong tỉnh.

Tổ chức lễ phát động và ra quân trồng cây với chủ đề “Vì Tiền Giang xanh” tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông và Chương trình "Xuân đoàn kết - Tết yêu thương" tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Hội LHPN tỉnh chọn điểm thực hiện mô hình “Xử lý rác thải tại hộ gia đình”; nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hoạt động trồng cây tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.

Bên cạnh nội dung truyền thông bảo vệ môi trường, hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, Hội LHPN tỉnh đã trao tặng 50 thùng compost và men vi sinh cho 50 hội viên, phụ nữ thực hiện mô hình “Xử lý rác thải tại hộ gia đình - Ủ phân bằng thùng compost”; ra quân trồng cây trên tuyến tỉnh lộ 875B, xã Hiệp Đức; thăm và tặng quà 10 hộ gia đình có công với cách mạng và hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng. Tổng kinh phí của hoạt động là 75 triệu đồng.

LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202405/cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-gop-phan-xay-dung-que-huong-1011742/
Zalo