Các tỉnh, thành tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ
Hôm nay (27/7) các tỉnh thành trên khắp cả nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).
Người dân trong tỉnh Khánh Hòa và du khách nhiều địa phương đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời", tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vào ngày 14/3/1988; Dâng hương tại khu vực mộ gió tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố đặc biệt quan tâm.
Thành phố đã vận động gần 190 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; đảm bảo 100% mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.
Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược có 44.520 liệt sĩ được khắc tên, trong đó có 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành khác đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn- Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TP.HCM, nằm ngay giữa “tam giác sắt” trên vùng đất nổi tiếng với địa đạo Củ Chi, một trong những biểu tượng của sự kiên cường và tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta.
Dự lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Chùm - Chi hội trưởng cựu chiến binh ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi nhớ lại quãng thời gian ông đi theo cách mạng từ năm 16 tuổi; gia đình ông có 7 anh em thì có đến 4 người đã hy sinh.
"Hôm nay về đây thắp nén nhang cho những người đã hy sinh vì đất nước thì cảm xúc mình rất bùi ngùi, cách đây bốn mươi mấy năm tôi cũng đã từng cùng gia đình và các đồng đội, đồng chí tham gia kháng chiến, hôm nay về đây kẻ mất người còn. Tôi mong thế hệ trẻ tiếp bước ông cha để giữ vững truyền thống của đất nước mình, truyền thống của quê hương đất thép", ông Chùm nói.
Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công; gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; trên 3.200 nghĩa trang, nhiều người chưa tìm thấy, hoặc tìm thấy mà không có tên tuổi…
Về thắp nén nhang cho đồng đội, cho những người đã anh dũng hy sinh, bà Nguyễn Thị Hạnh, 77 tuổi, nữ du kích Củ Chi năm xưa cho biết bà vẫn miệt mài cùng các dì, các chị tiếp tục tìm kiếm hài cốt những người còn nằm lại chiến trường, dù gặp rất nhiều khó khăn.
"Mình cũng thương nhớ, thương tiếc, đi lên đây thắp nhang. Nhớ lại hồi chiến tranh, có những người mà bây giờ không có tên họ, vẫn đang tìm, nên thấy cũng đau thương. Khó khăn nhất là bây giờ đã san bằng hết rồi, họ trồng cây cao su, rồi xây nhà cửa nên mình tìm không ra", bà Hạnh nói.
Ông Nguyễn Văn Ảnh - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết, hàng năm ông và đồng đội về đây thắp hương, cảm thấy rất vui vì Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo kịp thời cho các gia đình thương binh liệt sĩ, diện chính sách, người có công với cách mạng.
"Đặc biệt năm nay được Đảng, Nhà nước quan tâm tăng lương cho cán bộ hưu trí và các đối tượng chính sách, nhờ vậy đời sống của bà con phần nào được nâng lên", ông Ảnh cho biết.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM cho biết: trong những ngày qua, lãnh đạo thành phố đã tổ chức 22 đoàn công tác đến thăm, tặng quà, cảm ơn các gia đình thương binh, người có công với đất nước tiêu biểu tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức; có nhiều hoạt động ý nghĩa như: tuổi trẻ thành phố thắp nến tri ân; khánh thành Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Rừng Sác - Cần Giờ…
Bên cạnh đó, Đảng bộ và hệ thống chính trị của thành phố trong nhiều năm qua đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động, nhiều công trình, nhiều việc làm, nhiều mô hình thiết thực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, huy động được các nguồn lực to lớn trong toàn xã hội.
Ông Lộc đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội Thành phố… tiếp tục có những công trình, phần việc quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, gắn liền với giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo gia đình người có công với đất nước có mức sống trung bình khá trở lên.
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, khơi sức và phát kiến nhiều năng lượng tích cực, chung sức đồng lòng hướng đến sự phát triển của thành phố kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta lấy con người là trung tâm, là chủ thể để triển khai thực hiện các mục tiêu cho động lực phát triển, phấn đấu đến năm 2030 TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo... Tổ chức các hoạt động về sự phát triển bền vững Thành phố vì hạnh phúc của nhân dân, chính là ý nghĩa có chiều sâu cho việc đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với đất nước", ông Lộc chia sẻ.
Tổ chức Lễ giỗ tập thể các liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh
Theo phóng viên Phạm Hải/VOV ĐBSCL: Ngày 27/7, tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1 – U Minh tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh và UBND quận Cái Răng, TP. Cần Thơ tổ chức Lễ giỗ tập thể đầu tiên tại khu Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1-U Minh.
Trung đoàn 1-U Minh, Sư đoàn 330, Quân khu 9 là đơn vị chủ lực đầu tiên của miền Tây Nam Bộ, thành lập ngày 23-9-1963. Qua hơn 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3 tiểu đoàn, 6 đại đội và 26 cán bộ, chiến sĩ cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý này. Trong giai đoạn từ ngày thành lập đến 30/4/1975, Trung đoàn 1-U Minh có gần 12 năm chiến đấu trên chiến trường ĐBSCL, trong đó có hơn 8 năm chiến đấu ở tỉnh Cần Thơ (TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang ngày nay). Tại chiến trường này, Trung đoàn 1-U Minh đã lập được nhiều chiến công, nhưng cũng là chiến trường mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hy sinh nhiều nhất.
Để tỏ lòng thành kính, biết ơn các Anh hùng liệt sĩ, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1-U Minh đề xuất chủ trương, được lãnh đạo nhiều địa phương và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, tài trợ, đóng góp xây dựng đền thờ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Đến dự lễ giỗ tập thể, Đại tá Nguyễn Thành Chiến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 – U Minh xúc động cho biết: "Cùng với các địa phương, cùng với Trung đoàn 1 hiện nay tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Thực ra cái này chỉ tham gia một phần thôi vì ban liên lạc không có lực lượng. Nhưng mà với trách nhiệm của mình, với tình thương của mình đối với anh em để đi tìm kiếm, cất bốc. Thì mấy hôm nay làm cũng khá nhiều rồi đó, nhất là anh em ở miền bắc, lần trước ban liên lạc đã nhiều lần đi vào tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh tìm kiếm anh em và thử AND để xác định danh tính liệt sĩ".
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1 – U Minh được cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, các nhà hảo tâm chung sức đồng lòng, tự nguyện đóng góp xây dựng.
Đồng Tháp tổ chức lễ truy điệu, an táng 97 hài cốt liệt sĩ
Theo PV Phạm Hải/VOV ĐBSCL: Ngày 27/7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Lễ truy điệu, an táng 97 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Vương quốc Campuchia. Tham dự lễ truy điệu có lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp; Đoàn đại biểu 2 tỉnh Prey Veng và Pursat của Vương quốc Campuchia; Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 9.
Thực hiện kế hoạch, trong giai đoạn mùa khô 2023-2024, Đội công tác K91 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp đã tìm kiếm, quy tập được 97 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Vương quốc Campuchia tại 2 tỉnh PrayVeng và Puasat.
Tại buổi lễ truy điệu, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ nỗi đau thương mất mát và lòng tiếc thương vô hạn đến các gia đình, người thân của các liệt sĩ được tìm thấy trong đợt này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, do điều kiện chiến tranh ác liệt kéo dài, 97 hài cốt liệt sĩ đưa về Tổ quốc đợt này chưa xác định được tên, tuổi, quê quán; song dù quê quán ở đâu, xin hương hồn các liệt sĩ hãy xem quê hương Đồng Tháp là nơi đất lành để nằm lại nơi đây. Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp thay mặt nhân dân cả nước nguyện chăm sóc, giữ gìn phần mộ. Đồng thời quyết tâm thực hiện hoài bão của các liệt sĩ lúc sinh thời, tiếp tục ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Sau lễ truy điệu và lễ dâng hương đã tiến hành tổ chức an táng 97 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ
Phóng viên Đoàn Sĩ/VOV TPHCM đưa tin: Công đoàn cơ sở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cùng lực lượng thanh niên tình nguyện ra quân đồng loạt với nhiều hoạt động thiết thực tại địa nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Diễn ra tập trung trong 3 ngày vừa qua, với các hoạt động kể đến như: thực hiện lắp đặt 6 bộ cột đèn năng lượng mặt trời và trồng cây xanh, vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; lắp đặt 9 bộ cột đèn năng lượng mặt trời tại đoạn đường thuộc thôn Vĩnh Phúc, Xã Vĩnh Tân. Tổng giá trị công trình là hơn 45.000.000 đồng.
Thông qua các hoạt động kể trên, lực lượng đoàn viên Công đoàn và Đoàn thanh niên Nhà máy đã bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc; thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự xung kích, tình nguyện phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và địa phương, các công trình an sinh xã hội ý nghĩa đã được hoàn thành nhanh chóng để góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương nơi Nhà máy đứng chân.