Các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng tới nguồn nhân lực 'dám nghĩ, dám làm'

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý các tỉnh Tây Nguyên, ngoài nguồn lực tài chính, cần chú trọng tới nguồn nhân lực, nhân tố 'dám nghĩ, dám làm'.

Chiều ngày 23/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã tham dự và chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên. Cùng tham dự còn có đông đảo lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Xác định tầm quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba. (Ảnh: CTV)

Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba. (Ảnh: CTV)

Ngay sau khi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong vùng Tây Nguyên đã tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt, tăng cường nhận thức về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, chủ trương chính sách, vai trò, vị trí chiến lược của vùng, nhất là về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và quốc phòng, an ninh. Từ đó, đổi mới về tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và vùng.

Đại biểu tham dự hội nghị phát biểu ý kiến. (Ảnh: CTV)

Đại biểu tham dự hội nghị phát biểu ý kiến. (Ảnh: CTV)

Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu kiến nghị các vấn đề liên quan đến tỉnh Gia Lai. (Ảnh: CTV)

Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu kiến nghị các vấn đề liên quan đến tỉnh Gia Lai. (Ảnh: CTV)

Tại Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường, 23 nhiệm vụ và 09 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 10/23 nhiệm vụ; các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ. Về danh mục dự án quan trọng, liên kết vùng: đã khởi công và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ 01 dự án quan trọng quốc gia (tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 05 dự án trọng điểm, liên kết vùng; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 02 dự án và nghiên cứu phương thức đầu tư 04 dự án để triển khai đầu tư các dự án còn lại. Qua hơn 1 năm triển khai, kết quả thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 5/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: CTV)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 5/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. (Ảnh: CTV)

Quy hoạch vùng Tây Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Quy hoạch vùng là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của Vùng trong thời kỳ quy hoạch.

Để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cần tập trung triển khai các nội dung: Việc tổ chức triển khai quy hoạch cần được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật; kết hợp với tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.

Cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng.

Hội đồng điều phối vùng và các bộ, ngành tiếp tục phát huy vai trò điều phối, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng.

Chú trọng nguồn nhân lực “dám nghĩ, dám làm”

Tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó, đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng quốc gia Tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và các dự án trọng điểm, liên kết vùng, sớm đưa các dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của vùng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư; Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; Tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và phương án đầu tư mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không Liên Khương, cảng hàng không Pleiku, cảng hàng không Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu công nghiệp gắn với các trung tâm kinh tế của vùng. Khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển vùng; phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các địa phương trong vùng, kết nối với các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển ở vùng Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên ghi nhận những chuyển biến tích cực vùng Tây Nguyên, thể hiện qua các số liệu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách…Lãnh đạo Chính phủ cũng chia sẻ, Trung ương nhìn nhận Tây Nguyên không chỉ qua các con số nói trên mà còn với góc nhìn vùng đất này đang giữ “lá phổi” cho cả nước, là vùng phên dậu phía Tây của Tổ quốc.

Với những tiềm năng, lợi thế đang có, sẽ có, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tin tưởng Tây Nguyên có thể dễ dàng bứt phá vươn lên với tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng; nhất là khi Tây Nguyên đã có sự quan tâm của Trung ương, của cả hệ thống chính trị và thực tế đã có những mô hình, cách làm hay.

Đối với vấn đề quy hoạch vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh đây là khung pháp lý có tính định hướng để các tỉnh liên kết phát triển một cách bài bản trên tinh thần hợp tác, hay nói cách khác là “phát triển trong hợp tác, hợp tác trong phát triển”.

Với khung pháp lý là quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư và các địa phương vùng Tây Nguyên rà soát, sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai quy hoạch vùng, điều chỉnh những bất cập. Bên cạnh nguồn lực tài chính, các địa phương cần chú trọng tới nguồn nhân lực, nhân tố “dám nghĩ, dám làm”.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã gợi ý 3 việc mà các tỉnh Tây Nguyên có thể làm ngay đó là: Phát triển giao thông kết nối; phát triển du lịch theo chuỗi, theo tour nhưng cần lưu ý mỗi khu du lịch phải có nét độc đáo riêng, tránh “đụng hàng” và chia sẻ thu hút đầu tư với tinh thần có lợi cho bình diện chung.

Đối với vướng mắc liên quan tới quy hoạch khoáng sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh Tây Nguyên chủ động rà soát lại các bất cập, báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ Công thương. Quá trình rà soát cần chú ý xem có liên quan tới Luật Khoáng sản hay không để thống nhất phương án tháo gỡ dứt điểm.

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-tinh-tay-nguyen-can-chu-trong-toi-nguon-nhan-luc-dam-nghi-dam-lam-327706.html
Zalo