Các tỉnh miền Trung tiếp tục 'gồng mình' ứng phó mưa lũ
Những ngày tới đây, các tỉnh miền Trung tiếp tục phải chống chọi với tình hình phức tạp của mưa lũ. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã triển khai các phương án ứng phó....
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 17/10, vùng mưa có xu hướng mở rộng ra các tỉnh phía Bắc với tâm mưa trong đêm nay và sáng 18/10 sẽ là các tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế, sau đó sẽ là Quảng Bình đến Hà Tỉnh tiếp đến là ven biển Nghệ An - Thanh Hóa và khu vực các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Đợt mưa này còn có khả năng kéo dài đến ngày 19/10.
Từ nay đến ngày 19/10, trên các sông ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2 - 6 m, hạ lưu từ 1 - 3 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông ở Quảng Trị dao động ở mức báo động 1 và trên báo động 1; các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2. Để ứng phó với tình tình mưa, lũ các tỉnh miền Trung đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án.
QUẢNG TRỊ CẤM BIỂN TỪ 17 GIỜ NGÀY 17/10
Chiều 17/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ra công điện hỏa tốc về việc, chủ động triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông.
Theo đó, công điện yêu cầu các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với các đơn vị, tổ chức cấm biển kể từ 17 giờ ngày 17/10 đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền; duy trì thông tin liên lạc, bằng mọi biện pháp thông báo, cảnh báo kịp thời đến chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các huyện, đơn vị thông tin tuyên truyền, có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Đài khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới và các loại hình thiên tai khác có thể xảy ra để các cấp chính quyền, người dân biết chủ động triển khai biện pháp ứng phó.
Dự báo, từ chiều 17/10 đến sáng 19/10, trên địa tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến từ 100 - 250 mm, có nơi trên 300 mm.
Trước đó, từ ngày 11 - 13/10, trên địa bàn Quảng Trị đã có mưa lớn kéo dài gây ngập cục bộ ở vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng. Mưa lớn kéo dài cũng khiến lượng nước tích lũy trong đất gần bão hòa, phổ biến trên 90%. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát đi cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét ở vùng núi, sạt lở đất ở sườn dốc các huyện: Hướng Hóa, Đakrông; các xã phía Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong; nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng, ngầm tràn và đường giao thông vùng đất thấp.
Tỉnh Quảng Trị còn khoảng 1.500 ha lúa rẫy, 5.300 ha sắn và rau màu chưa thu hoạch, tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và vùng đồng bằng; 2.900 ha ao, hồ cùng nhiều lồng, bè nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn đối với nghề nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
THỪA THIÊN HUẾ VẬN HÀNH XẢ NƯỚC TẠI CÁC HỒ CHỨA LỚN VỀ HẠ DU ĐỂ ỨNG PHÓ MƯA LŨ
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến chiều ngày 17/10, toàn bộ 2.062 phương tiện tàu thuyền với 11.350 lao động đã vào bờ an toàn và đang neo đậu tại các bến.
Tại tỉnh này, hiện không có phương tiện tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu. Đối với tàu hàng và lan có 34 phương tiện (10 phương tiện Việt Nam, 5 phương tiện nước ngoài/4 quốc tịch) với 267 thuyền viên (181 Việt Nam, 86 nước ngoài/5 quốc tịch)/12.593 tấn hàng hóa đang neo đậu khu vực cảng Thuận An và cảng Chân Mây.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động triển khai phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống gồm 380 cán bộ, chiến sĩ/24 phương tiện.
Các đồn biên phòng tuyến biển phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng tổ chức hướng dẫn các phương tiện vào neo đậu, tránh va đập, đứt neo trôi dạt.
Trong diễn biến liên quan, để chuẩn bị sẵn sàng đón các trận lũ trong thời gian đến, sáng 17/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành lệnh vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 70 - 200m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 13h ngày 17/10.
Đây là hồ chứa thứ 3 ở Thừa Thiên Huế thực hiện vận hành xả nước về hạ du để ứng phó với mưa lũ. Trước đó, hồ thủy lợi Tả Trạch (ở thượng nguồn sông Hương) và hồ thủy điện Hương Điền (ở thượng nguồn sông Bồ) cũng đã vận hành xả nước về hạ du.
Hồ Tả Trạch vận hành xả nước qua tràn xả sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 180 - 280m3/s từ 15h ngày 16/10 và điều chỉnh tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Hồ thủy điện Hương Điền vận hành xả nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 200 – 400m3/s từ lúc 15h ngày 13/10.
ĐÀ NẴNG NGUY CƠ ĐỐI MẶT VỚI MỘT TRẬN LŨ DO MỰC NƯỚC MỘT SỐ SÔNG LÊN CAO
Tại Đà Nẵng, chiều 17/10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại TP. Đà Nẵng.
Tại Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), ông Hồ Sỹ Hậu – Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng cho biết, âu thuyền Thọ Quang hiện có khoảng 1.000 tàu đang neo đậu tránh trú mưa lớn, trong đó, tàu ngoại tỉnh chiếm 1/3. Hiện thời tiết chưa đến mức nguy hiểm nên số tàu vào tránh trú chưa nhiều.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, Thành phố Đà Nẵng theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, sớm và kịp thời có giải pháp để phòng tránh thiệt hại, đảm bảo an toàn cho ngư dân. Trong thời tiết xấu, cần nhanh chóng đưa ra lệnh cấm biển, khuyến cáo người dân tránh đi vào vùng biển nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tăng cường kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì liên lạc với các tàu thuyền trên biển, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, không được chủ quan với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão ở gần bờ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Thành phố Đà Nẵng, từ ngày 16/10 – nay, thành phố có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to. Tổng lượng mưa từ 13h ngày 16/10 đến 13h ngày 17/10 phổ biến 100-200mm.
Về thiệt hại, sau đợt mưa từ ngày 13 – 15/10, chiều tối 15/10, hơn 6.800 người dân đi sơ tán đều đã về nhà. Tuy nhiên, đến tối ngày 16/10, trên địa bàn tiếp tục mưa lớn, khiến một số nơi ngập úng trở lại. Tại đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam) – nơi trũng thấp và thường xuyên ngập sâu nhất TP. Đà Nẵng, trong ngày 17/10, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đã phải sơ tán 1.025 người (1.000 người sơ tán tại chỗ, 25 người sơ tán tập trung) đến nơi an toàn.
Đến chiều 17/10, trên địa bàn thành phố còn 2 điểm lớn bị ngập. Gồm 1 điểm tại phường Hòa Khánh Nam (đường mẹ Suốt, các tổ 27,36,37,42,46 ngập từ 0,5 – 1 m); 1 điểm ngập tại phường Hòa Thọ Đông (tại kiệt 38 Nguyễn Nhàn, dự án Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm; đường Thăng Long đoạn dưới gầm Cầu Đỏ, quận Cẩm Lệ).
Dự báo, từ tối 17/10 đến hết ngày 18/10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Sau mưa lớn, thành phố Đà Nẵng đang có nguy cơ đối mặt với một đợt lũ do mực nước các sông Vu Gia, sông Cẩm Lệ đang lên.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng có Công văn 3111/SGDĐT-VP yêu cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện cho trẻ mầm non, học sinh, học viên tiếp tục nghỉ học để tập trung ứng phó thiên tai. Sở GD&ĐT Đà Nẵng yêu cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc Sở thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên địa bàn TP nghỉ học ngày 18/10. Đây cũng sẽ là ngày thứ 5 liên tiếp học sinh Đà Nẵng phải nghỉ học do mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi. Riêng các trường đại học tư thục căn cứ tình hình thực tế, chủ động quyết định việc đi học của sinh viên.
QUẢNG NAM - HAI TÀU CÂU MỰC BỊ CHÌM KHIẾN 15 NGƯ DÂN CHẾT VÀ MẤT TÍCH
Chiều 17/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã ký ban hành công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Theo đó, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức cấm biển kể từ 16g ngày 17/10/2023 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, không để chủ quan gây thiệt hại về người, tàu thuyền do áp thấp nhiệt đới, bão gần bờ.
Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, cửa sông, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Tối 17/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam có báo cáo (số 4) về vụ hai tàu câu mực của ngư dân huyện Núi Thành bị chìm, khiến 15 ngư dân chết và mất tích trên vùng biển Trường Sa (Việt Nam).
Theo đó, đến 18 giờ, tàu của ngư dân đã vớt được ba ngư dân tàu QNa-90129, trong đó hai người đã tử vong. Hiện còn 13 ngư dân đang mất tích; trong đó, một ngư dân tàu QNa-91782TS và 12 ngư dân tàu QNa-90129TS.
Lực lượng tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên bị nạn trên hai tàu cá gồm hai tàu KN 467, KN 471, tàu Vạn Hoa 735, một tàu Cảnh sát biển cùng bảy tàu cá ngư dân.
Được biết, tàu QNa-90129 do ngư dân Lương Văn Viên (ngụ xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm chủ từng hai lần gặp nạn khi đánh bắt hải sản trên biển.
Cụ thể, tháng 4/2019, tàu QNa-90129 chở theo 52 ngư dân đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa (của Việt Nam), cách đảo Đá Bắc khoảng 10 hải lý thì bị hỏng máy chính, mất khả năng điều động, trôi dạt trên biển. Sau đó, tàu SAR412 của Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam tiếp cận ứng cứu.
Vượt 200 hải lý, tàu SAR412 tiếp cận tàu QNa-90129TS, đưa 52 ngư dân gặp nạn cùng tàu về đầu cảng Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng. Lần gặp nạn khác xảy ra vào tháng 8-2020, tàu QNa-90129 hoạt động trên biển thì bị một tàu hàng đâm va khiến một ngư dân bị thương, rơi xuống nước, làm tàu bị gãy 15 giàn phơi mực và phần mũi bị hư hỏng nặng.