Các thương hiệu xa xỉ 'đau đầu' vì thị trường chợ đen bùng nổ ở Trung Quốc

Thị trường đồ đã qua sử dụng và chợ đen bùng nổ ở Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xa xỉ như LVMH 'đau đầu', trong bối cảnh người tiêu dùng tìm đến hàng giá rẻ.

Bùng nổ thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng và chợ đen

LVMH, tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, đã báo cáo doanh số bán hàng giảm 3% trong quý III, lần đầu tiên thấp hơn so với dự đoán kể từ đại dịch khi nhu cầu ở Trung Quốc và Nhật Bản suy yếu.

Một cửa hiệu của LVMH (Ảnh minh họa).

Một cửa hiệu của LVMH (Ảnh minh họa).

Tương tự như LVMH, thương hiệu Salvatore Ferragamo nổi tiếng thế giới của Italia cũng báo cáo doanh thu giảm trong quý kết thúc vào 30/9, do nhu cầu từ người tiêu dùng Trung Quốc giảm sút.

"Ở Trung Quốc, chỉ cần chênh lệch giá là người tiêu dùng tìm đến thị trường chợ đen", Max Piero, Giám đốc điều hành công ty tư vấn thông tin hàng xa xỉ Re-Hub cho biết.

Thị trường chợ đen và đồ cao cấp đã qua sử dụng, ước tính trị giá 57 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, đã được thúc đẩy trong những năm gần đây bởi sự gia tăng của những nền tảng như DeWu, nơi các sản phẩm xa xỉ thường có nguồn gốc từ nước ngoài được bán với giá giảm từ 20% đến hơn 50% so với giá tại các cửa hàng hàng đầu tại Trung Quốc.

Re-Hub ước tính doanh số bán hàng của 48 thương hiệu trên DeWu trong quý II tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 984,4 triệu đô la Mỹ).

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng trưởng 3,2% trong tháng 9 và đây là tín hiệu xấu đối với các ông lớn chuyên sản xuất hàng xa xỉ toàn cầu, vì Trung Quốc chiếm khoảng 25% doanh thu trên toàn thế giới của ngành này.

Sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với cả thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng và chợ đen khiến các thương hiệu cao cấp thêm "nhức đầu", nhất là khi đang phải tìm cách bảo vệ doanh số bán hàng tại Trung Quốc.

"Giá cả tăng cao của các thương hiệu xa xỉ là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang thị trường thứ cấp", Yi Kejie, một giám đốc tiếp thị 28 tuổi và là người tiêu dùng hàng xa xỉ chia sẻ.

Cung vượt quá cầu

Sau khi công bố doanh số bán hàng quý III, các giám đốc điều hành của LVMH, công ty mẹ của Louis Vuitton và Dior, vẫn bảo vệ chiến dịch đẩy mạnh thị trường cao cấp của các nhãn hiệu và cho biết họ không có kế hoạch ra mắt các dòng sản phẩm giá rẻ hơn.

Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chuyển sang mua các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng mà ZZER phân phối, hoặc mua từ thị trường chợ đen vì giá rẻ.

Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chuyển sang mua các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng mà ZZER phân phối, hoặc mua từ thị trường chợ đen vì giá rẻ.

Cũng theo LVMH, họ không có ý định tham gia vào thị trường đồ cũ, đồng thời lưu ý rằng sự kiểm soát chặt chẽ các thương hiệu đối với các nhà phân phối sẽ giúp giảm ảnh hưởng từ các thị trường song song.

Tuy nhiên, thị trường đồ cũ của Trung Quốc cũng được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang chậm lại, khiến xuất hiện ngày càng nhiều người tìm cách kiếm tiền từ bộ sưu tập những mặt hàng xa xỉ.

"Số lượng người bán đang tăng lên rất nhanh và phần lớn trong số họ là lần đầu tiên bán đồ xa xỉ. Nhưng đối với phía người mua, thì khá ổn định", Zhu Tainiqi, người sáng lập thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng ZZER nhận định.

"Điều đó đã khiến giá mua trung bình giảm so với năm ngoái và giá trị đơn hàng trung bình cũng giảm khoảng 10%", Zhu nói, đồng thời cho biết thêm các thương hiệu như Louis Vuitton hay Coach vẫn bán khá nhanh.

Theo ước tính của công ty tư vấn iResearch, thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng tại Trung Quốc - bao gồm các nền tảng như Plum, ZZER và Xianyu thuộc sở hữu của Alibaba - đã tăng trưởng với tốc độ hơn 30% kể từ năm 2020. Cá nhân Zhu nghĩ rằng ngành hàng này có khả năng tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay.

(Theo Reuters)

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cac-thuong-hieu-xa-xi-dau-dau-vi-thi-truong-cho-den-bung-no-o-trung-quoc-192241021195432427.htm
Zalo