Các thương hiệu quốc tế đổ ra Huế
Liên tiếp các thương hiệu quốc tế từ Aeon, Starbucks, cho đến Muji, Uniqlo... đã khai trương cửa hàng tại TP Huế, nơi được đánh giá là 'thành trì văn hóa' không dễ tiếp cận.

Uniqlo là thương hiệu quốc tế mới nhất đặt chân đến TP Huế. Ảnh: Uniqlo.
Ngày 28/3, Uniqlo chính thức khai trương cửa hàng mới rộng 1.000 m2 tại trung tâm thương mại Aeon Mall Huế. Đây là điểm đến đầu tiên của thương hiệu thời trang Nhật Bản tại khu vực miền Trung và là cửa hàng thứ 29 ở thị trường Việt Nam.
Quyết định này được xem là bất ngờ, bởi Uniqlo chọn Huế chứ không phải một thành phố khác ở miền Trung - nơi có thể sôi động, nhộn nhịp hơn, và đã có các thương hiệu quốc tế khác "thử nghiệm".
GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ Huế là một "thành trì văn hóa" và người dân ở đây không dễ đón nhận các thương hiệu mới, phong cách mới.
Nhãn hàng lần lượt đổ bộ
Dù vậy, trước Uniqlo, một thương hiệu Nhật Bản khác đã mở đầu xu hướng này. Aeon Mall Huế với diện tích hơn 86.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 170 triệu USD là trung tâm thương mại lớn nhất khu vực miền Trung, được khai trương vào tháng 9 năm ngoái.
Đáng chú ý, thời điểm đi vào hoạt động, Aeon Mall công bố có 83 cửa hàng, chiếm khoảng 70%, thuộc các thương hiệu lần đầu tiên có mặt tại Huế, như Muji, H&M, Charles & Keith... Nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh từ nước ngoài như Lotteria, KFC, Pizza Hut, Jollibee... cũng đã góp mặt.
Không chỉ trong trung tâm thương mại, Huế còn hút thương hiệu quốc tế mở cửa hàng ở mặt bằng độc lập bên ngoài, điển hình là Starbucks với cửa hàng tọa lạc tại tầng trệt một nhà hàng nổi trên sông Hương - nơi sở hữu kiến trúc tương tự đóa sen trắng bên bờ sông Hương.
Cửa hàng Starbucks Sông Hương được khai trương từ tháng 11/2024, tiếp tục chiến lược xuất hiện tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam của thương hiệu F&B Mỹ.

Cửa hàng của Starbucks tọa lạc tại tầng trệt một nhà hàng nổi trên sông Hương. Ảnh: Starbucks.
Central Retail cuối năm ngoái cũng đưa vào hoạt động siêu thị mini go! tại Thị xã Hương Trà, TP Huế. Đây là cửa hàng thứ 14 của tập đoàn và đầu tiên tại Huế được phát triển theo mô hình này, cùng với trung tâm thương mại Go! ở phường Phú Hội đã kinh doanh nhiều năm qua.
Bên cạnh các thương hiệu quốc tế, chuỗi bán lẻ nội địa Bách Hóa Xanh cũng vừa đồng loạt mở 6 siêu thị tại TP Huế vào đầu tháng 3, đánh dấu sự có mặt tại thành phố miền Trung này.
Tìm cách giải bài toán khó
Thực tế, các nhãn hàng đều đặt kỳ vọng lớn khi Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 1/1 vừa qua. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quy mô GRDP của Huế đạt khoảng 80.000 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 8% so với năm trước đó, cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn.
Nơi đây đã được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025. Lễ khai mạc tối 25/3 mở màn cho gần 160 sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh được tổ chức trong năm nay.
Dự kiến Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 sẽ giúp thành phố này đón 5,25-5,5 triệu lượt khách tham quan và lưu trú, trong đó 70-80% là khách nội địa. Doanh thu ước đạt 11.000-12.000 tỷ đồng. Địa phương phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 12 triệu lượt khách.
Ông Đoàn Công Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Long Mã (Drase Travel) cho hay từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Huế tăng trưởng tốt, thời gian lưu trú cũng phần nào được cải thiện hơn so với trước.
Thống kê của Sở Du lịch TP Huế cho thấy trong tháng 2, lượng khách du lịch ước đạt 414.869 lượt, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 184.413 lượt, tăng 17,5%; khách nội địa tăng gần 49%. Doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 754 tỷ đồng, tăng 29%.
Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Huế ước đạt 814.455 lượt, mang về tổng doanh thu hơn 1.492 tỷ đồng.
Thách thức lớn nhất, theo ông Tuấn, là đem đến cho du khách những trải nghiệm Huế mới mẻ hơn, từ đó mới có thể giữ chân du khách ở lại tham quan và gia tăng mức chi tiêu trong thành phố. Với Drase Travel, doanh nghiệp đang cố gắng tiếp tục hợp tác với nhiều làng nghề, nghệ nhân để giới thiệu những nét văn hóa chưa được nhiều du khách biết tới.

TP Huế đang ghi nhận lượng khách du lịch tăng trưởng tốt. Ảnh: Nam Nguyễn.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Akiyama Naoki - Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết đã tìm hiểu và lý giải được phương diện văn hóa lịch sử lâu đời của Huế, đồng thời cũng nhận thấy quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng nơi đây, tạo nên tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
"Miền Trung đang cho thấy những bước phát triển đột phá, trở thành trung tâm kinh tế - du lịch quan trọng của cả nước. Riêng Huế không chỉ giữ vững vị thế với bề dày văn hóa mà còn chuyển mình để trở thành đô thị hiện đại, năng động. Việc chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mở ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại nơi đây", ông Akiyama Naoki nói.
Do đó, thương hiệu kỳ vọng cửa hàng mới không chỉ phục vụ người dân địa phương khi lối sống dần thay đổi theo hướng đô thị hóa, mà còn cả các du khách đến Huế. "Chúng tôi tin Uniqlo sẽ là một luồng gió mới với người tiêu dùng ở đây", ông Akiyama Naoki khẳng định.
Dù vẫn phải tuân theo quy chuẩn toàn cầu của thương hiệu, cửa hàng mới của Uniqlo đã cố gắng gần gũi với Huế bằng cách tuyển dụng hơn 70% nhân sự là người địa phương, đồng thời hợp tác với các nghệ sĩ, nghệ nhân ở đây để đưa các nét đặc trưng của Huế vào cửa hàng.
Tương tự, lãnh đạo Aeon Mall cũng cho hay trung tâm thương mại ở Huế được phát triển dựa trên ý tưởng chủ đạo là "ngôi nhà văn hóa", trong đó kết hợp các giá trị văn hóa Nhật Bản và văn hóa Huế, bên cạnh các tiện ích, công nghệ thông minh, hiện đại.
Tính đến đầu năm nay, TP Huế có 136 dự án FDI với tổng mức đầu tư 4,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2021-2024 ghi nhận 45 dự án mới với số vốn đăng ký đạt hơn 604 triệu USD. Năm 2024, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đạt doanh thu gần 1,6 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 4.460 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và chiếm 35% tổng thu ngân sách của địa phương.