Các thuốc trị rụng tóc thời kỳ mãn kinh

Rụng tóc là một trong những triệu chứng thường thấy ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Việc điều trị sớm, đúng cách có thể giúp làm chậm quá trình rụng tóc, cải thiện sức khỏe tổng thể của tóc, đồng thời giúp chị em thêm tự tin trong cuộc sống.

1. Tại sao thời kỳ mãn kinh gây rụng tóc?

Rụng tóc là tình trạng dễ gặp ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Trong thời kỳ này, nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống. Estrogen có trong nang tóc, giúp tóc mọc nhanh và khỏe hơn. Khi nồng độ estrogen giảm, quá trình mọc tóc chậm lại và có thể gây rụng.

Trung bình một người có khoảng 100.000 sợi tóc trên da đầu, mỗi sợi trải qua các chu kỳ lặp đi lặp lại. Các chu kỳ này bao gồm tăng trưởng, chuyển tiếp và rụng. Estrogen thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng, cũng như góp phần tạo ra dầu tự nhiên cho da đầu.

Do sự suy giảm estrogen, chu kỳ tăng trưởng của tóc chậm lại, độ bóng của tóc và độ ẩm ít hơn do thiếu sản xuất dầu, nên rất dễ rụng. Nếu không điều trị, tình trạng rụng tóc có thể trở nên nghiêm trọng, khiến rụng tóc thành mảng, thậm chí hói đầu.

Rụng tóc là tình trạng dễ gặp ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.

Rụng tóc là tình trạng dễ gặp ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.

2. Các phương pháp điều trị rụng tóc thời kỳ mãn kinh

Có nhiều lựa chọn điều trị rụng tóc, bao gồm:

1.1. Thuốc minoxidil trị rụng tóc

Minoxidil là loại thuốc bôi ngoài da được FDA chấp thuận để điều trị chứng rụng tóc ở phụ nữ. Minoxidil có tác dụng cải thiện lưu lượng máu đến nang tóc, giúp kích thích mọc tóc. Tuy nhiên, nếu ngừng dùng thuốc, bạn có thể bị rụng tóc trở lại. Một số ít trường hợp có thể gặp tác dụng phụ như da đầu khô và kích ứng khi dùng thuốc này.

Lưu ý, minoxidil có thể giúp kích thích mọc tóc mới nhưng không thể phục hồi toàn bộ mật độ của tóc đã mất. Thuốc không phải là một giải pháp nhanh chóng cho tình trạng rụng tóc ở phụ nữ. Thông thường, cần sử dụng thuốc trong ít nhất 2 tháng để bắt đầu thấy hiệu quả. Trong trường hợp dùng minoxidil có hiệu quả, cần tiếp tục sử dụng để duy trì, nếu ngừng sử dụng, có thể bắt đầu rụng tóc trở lại.

1.2. Thuốc kháng androgen

Nồng độ estrogen (hormone nữ) thường giảm vào thời kỳ mãn kinh và nồng độ của androgen (hormone nam) tăng lên, khiến tóc dễ rụng hơn. Một số loại thuốc có thể ngăn chặn tác dụng của androgen như spironolactone hoặc finasteride. Chỉ dung các thuốc này khi dùng các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và tình trạng rụng tóc có liên quan đến lượng androgen dư thừa.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: Chóng mặt, khát nước quá mức, chán ăn, tăng cân, mất ham muốn tình dục và mệt mỏi. Lưu ý, phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú không nên sử dụng loại thuốc này.

1.3. Điều trị bằng laser

Dùng ánh sáng laser cường độ thấp có thể kích thích nang lông, tăng cường lưu thông máu, từ đó giúp cải thiện mật độ, độ dày của tóc và có thể thúc đẩy tóc mọc lại. Phương pháp này khá an toàn nhưng để đạt được hiệu quả, nên phối hợp với các phương pháp điều trị rụng tóc khác.

Phương pháp này cần điều trị nhiều lần, thường xuyên và chi phí cao hơn các phương pháp thông thường.

1.4. Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một phương pháp mới điều trị rụng tóc. Bác sĩ sẽ tách huyết tương (phần thúc đẩy tăng trưởng tế bào) trong máu và tiêm vào một số vùng trên da đầu người bệnh. Phương pháp này hiệu quả nhất khi được kết hợp với các phương pháp điều trị rụng tóc khác.

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một phương pháp mới điều trị rụng tóc.

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một phương pháp mới điều trị rụng tóc.

1.5. Cấy tóc

Cấy tóc là một thủ thuật phẫu thuật bao gồm việc lấy các phần tóc từ các vùng dày hơn trên da đầu (cùng với chân tóc và da) và di chuyển đến những nơi ít tóc hơn. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với tất cả mọi trường hợp bị rụng tóc, ngoài ra, cấy tóc cũng rất tốn kém hơn.

Tác dụng phụ của phương pháp này có thể gặp: Sưng và đau ở da đầu và mặt, đau... Một số người có thể bị chảy máu và nhiễm trùng sau phẫu thuật.

1.6. Lăn kim vi điểm

Thủ thuật lăn kim vi điểm tạo ra những vết thương nhỏ trên da đầu để kích thích lưu thông máu và thúc đẩy quá trình mọc tóc.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể dùng liệu pháp thay thế hormone (HRT) để giảm rụng tóc do giảm hormone estrogen.

3. Cách hạn chế rụng tóc thời kỳ mãn kinh

Có thể hạn chế tình trạng rụng tóc bằng cách:

- Điều chỉnh thói quen chăm sóc tóc: Chăm sóc tóc cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa hư tổn thêm; cố gắng hạn chế sử dụng máy sấy tóc, là tóc vì chúng có thể làm khô tóc và khiến tóc dễ gãy hơn; tránh chải tóc mạnh khi tóc ướt hoặc buộc tóc đuôi ngựa chặt vì có thể gây căng thẳng cho nang tóc.

- Chọn sản phẩm thân thiện với tóc: Hóa chất và chất phụ gia trong sản phẩm chăm sóc tóc có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng cần thiết của tóc và da đầu.

- Hạn chế để tóc tiếp xúc với nhiệt, thuốc nhuộm và thuốc tẩy.

- Sử dụng sản phẩm bảo vệ tóc khỏi nhiệt có thể giúp cải thiện sức khỏe của tóc.

- Giảm căng thẳng:Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Giảm mức độ căng thẳng bằng các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền… có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc thêm.

Khắc phục nỗi ám ảnh rụng tóc ở phụ nữ.

BS. Cao Như Đạt

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-tri-rung-toc-thoi-ky-man-kinh-169250402165346121.htm
Zalo