Các thuốc điều trị lao vú
Lao vú (lao tuyến vú) để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể rò ngược trở vào lồng ngực, gây lao màng phổi, lao phổi, thậm chí vi khuẩn lao vào đường máu gây lao màng não...
1. Nguyên tắc trong điều trị lao vú
NỘI DUNG:
1. Nguyên tắc trong điều trị lao vú
2. Các thuốc điều trị lao vú
2.1. Isoniazid
2.2. Rifampicin
2.3. Pyrazinamide
2.4. Ethambutol
3. Một số tác dụng phụ thường gặp
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị lao tuyến vú
Lao tuyến vú (lao vú) là một thể lao ngoài phổi hiếm gặp, có thể mắc đồng thời cùng lao phổi hoặc các thể lao khác, cũng có thể mắc độc lập. Nguyên nhân do vi khuẩn lao tấn công vào mô tuyến vú, tại đây vi khuẩn lao sinh sôi và hình thành ổ bệnh.
Bệnh lao vú thường gặp ở phụ nữ 19 – 45 tuổi, đặc biệt là phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh nở và cho con bú. Do giai đoạn này, tuyến vú rất phát triển tạo điều kiện cho vi khuẩn lao tấn công. Thường gặp nhất tổn thương một bên vú, ít gặp bệnh cả hai bên, tỷ lệ mắc lao tuyến vú bên phải và bên trái là như nhau.
Lao vú chủ yếu điều trị bằng nội khoa, phải dùng thuốc tối thiểu 6 tháng. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc, tùy theo diễn tiến bệnh có thể phải can thiệp ngoại khoa, điều này do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và đưa ra quyết định. Người bệnh không nên mặc áo ngực trong khi còn tổn thương ở vú, hoặc nếu dùng nên mặc áo ngực thoáng, mát, kích cỡ vừa phải, không gây gò bó cho vòng 1. Với những trường hợp vú đang bị áp xe và rò mủ thì nên để ngực trần.
Điều trị ngoại khoa chủ yếu là rạch dẫn lưu ổ áp xe, rạch xóa đường dò, bóc lấy khối u ở vú... Đối với những trường hợp này thường để lại tổn thương sẹo xấu co rút ở vú.
Về theo dõi điều trị, bệnh nhân tái khám mỗi tháng nếu không có diễn tiến xấu. Siêu âm lại vú mỗi 3 tháng để đánh giá tổn thương, xét nghiệm lại chức năng gan nếu có biểu hiện chán ăn, ăn uống không tiêu, vàng da, vàng mắt...
Lao vú có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nếu phát hiện sớm và điều trị tốt lao vú sẽ giảm thiểu biến chứng nhiễm trùng nặng, hạn chế viêm loét, dẫn đến xẹp ngực, để lại nhiều sẹo xấu co rút ở vú và gây tổn thương các khoang màng phổi.
2. Các thuốc điều trị lao vú
Lao vú được điều trị theo phác đồ A1 (2HRZE/4RHE - phác đồ 6 tháng điều trị lao cho người lớn), trong đó giai đoạn tấn công sử dụng kéo dài 2 tháng với 4 loại thuốc isoniazid, rifampicin, pyrazinamide, ethambutol, dùng hàng ngày. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng với 3 loại thuốc rifampicin, isoniazid, ethambutol, dùng hàng ngày. Đây là phác đồ điều trị lao nhạy cảm, còn nếu mắc lao kháng thuốc thì điều trị sẽ phức tạp hơn.
2.1. Isoniazid
Isoniazid là thuốc chống lao có khả năng kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn phụ thuộc vào nồng độ thuốc ở vị trí tổn thương và mức độ nhạy cảm của vi khuẩn. Thuốc có tính đặc hiệu cao, chỉ có tác dụng chống lại Mycobacterium tuberculosis và các Mycobacterium không điển hình khác như M. bovis, một số chủng M. kansasii.
Chống chỉ định: Không dùng cho người có tiền sử gặp phản ứng có hại khi dùng thuốc ở mức độ nặng, phản ứng quá mẫn nặng bao gồm cả viêm gan do thuốc hoặc bị sốt, ớn lạnh, bị đau khớp cấp do dùng thuốc. Người đang có bệnh gan cấp hoặc đã có tiền sử tổn thương gan có liên quan đến isoniazid. isoniazid trong phác đồ dự phòng được tạm dừng lại khi bệnh nhân có biểu hiện bệnh gan cấp.
2.2. Rifampicin
Rifampicin là kháng sinh bán tổng hợp, thuốc ức chế hoạt tính enzym tổng hợp ARN phụ thuộc ADN của vi khuẩn bằng cách tạo phức bền vững thuốc - enzym. Rifampicin có hoạt tính với các vi khuẩn thuộc chủng Mycobacterium, đặc biệt là vi khuẩn lao, phong và Mycobacterium khác như M. bovis, M. avium.
Chống chỉ định: Mẫn cảm với rifampicin và dẫn xuất, rối loạn chuyển hóa porphyrin.
2.3. Pyrazinamide
Pyrazinamid được phối hợp với các thuốc chống lao khác theo phác đồ để điều trị lao mới và lao tái phát, chủ yếu ở giai đoạn tấn công ban đầu; điều trị lao kháng đa thuốc trong suốt liệu trình điều trị.
Pyrazinamid diệt trực khuẩn lao trong đại thực bào có pH acid và tế bào đơn nhân. Khi đáp ứng viêm giảm và pH tăng thì hoạt tính diệt khuẩn của pyrazinamid giảm. Tác dụng phụ thuộc vào pH của pyrazinamid giúp hiểu rõ hiệu quả điều trị trên lâm sàng của thuốc trong giai đoạn 8 tuần đầu hóa trị liệu ngắn ngày.
Chống chỉ định: Tổn thương gan nặng, gout cấp tính, rối loạn chuyển hóa porphyri, mẫn cảm với thuốc…
2.4. Ethambutol
Ethambutol có tác dụng kìm khuẩn lao đặc biệt ở kỳ đang nhân lên do ức chế sự nhập acid mycolic vào thành tế bào trực khuẩn lao. Ngoài ra, thuốc có thể gây rối loạn tổng hợp acid nhân do ức chế cạnh tranh với các polyamin và tạo phức chelat với các ion Zn2+ và Cu2+.
Chống chỉ định: Mẫn cảm với ethambutol, viêm dây thần kinh thị giác, thị lực kém.
3. Một số tác dụng phụ thường gặp
Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc trị bệnh lao tuyến vú:
- Rối loạn chức năng gan (như vàng da, vàng mắt, tăng transaminase): Đây là tác dụng phụ thường gặp nhất và nguy cơ này tăng lên theo tuổi người bệnh.
- Phản ứng trên tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau vùng thượng vị…
- Các tác dụng phụ khác: Chán ăn, ban da, ngứa, rối loạn kinh nguyệt, tăng acid uric máu (do thuốc ức chế sự thải trừ acid uric) có thể dẫn tới đợt gout cấp.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị lao tuyến vú
Trong quá trình điều trị lao tuyến vú, người bệnh cần lưu ý:
- Dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến. Do đó, cần dùng đúng liều để đảm bảo hiệu quả của thuốc.
- Dùng thuốc đều đặn: Các thuốc điều trị lao nhạy cảm tốt nhất được uống cùng một lần, vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt tác dụng cộng hợp, hấp thu và ổn định nồng độ thuốc trong máu tối đa.
- Phải dùng thuốc đủ thời gian: Đối với lao nhạy cảm thuốc, giai đoạn tấn công nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì nhằm tiêu diệt triệt để, để vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.
Đối với bệnh lao kháng thuốc, thành phần và thời gian sử dụng các thuốc trong từng giai đoạn tùy thuộc vào từng phác đồ.
- Thận trọng khi dùng thuốc điều trị bệnh lao với một số thuốc khác vì làm gia tăng độc tính của thuốc hoặc làm giảm tác dụng của thuốc điều trị bệnh khác như thuốc chống nấm, paracetamol, thuốc kháng acid, thuốc tránh thai, thuốc điều trị gout…
- Không uống cùng với rượu do làm tăng độc tính trên gan.
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.