Các thị trường chủ lực đều tăng trưởng cao, xuất khẩu thu về gần 227 tỷ USD

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Hoạt động thông quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hoạt động thông quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đơn hàng tăng, rõ rệt nhất là các thị trường chủ lực đều có mức tăng trưởng ở mức 2 con số, qua đó hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất-kinh doanh, cũng như tạo đà cho hoạt động ngoại thương những tháng cuối năm.

Khối nội tăng tốc

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng tới 19,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong 7 tháng vừa qua, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở tất cả các nhóm hàng, cụ thể, nhóm hàng nông sản thu về khoảng 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

“Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: càphê tăng 30,9%; gạo tăng 25,1%; chè các loại tăng 34,8%; rau quả tăng 24,3%; nhân điều tăng 22,1%; hạt tiêu tăng 46,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 12,5%...,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Nổi bật là xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây vẫn được coi là nhóm hàng chủ lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn cảnh.

Nhiều sản phẩm trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng cao, đơn cử như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%; sắt thép các loại tăng 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 19%; giày dép các loại tăng 10,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,3%...

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động mạnh bởi biến động của kinh tế, bởi kinh tế thế giới phục hồi chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may.

Tuy vậy, với sự linh hoạt của các doanh nghiệp, chỉ tính riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong nửa đầu năm 2024, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 8.468 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch năm, bằng 98% so với cùng kỳ, lợi nhuận ước đạt 283 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, tương đương 163% so với cùng kỳ.

“Trong những tháng cuối năm, toàn tập đoàn phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, duy trì ổn định lực lượng lao động trong toàn hệ thống, đặc biệt là các đơn vị may, tăng cường các giải pháp cải thiện năng suất và chất lượng, chú trọng số hóa công tác quản trị, ưu tiên quan tâm quản trị dòng tiền để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục,” ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay.

 Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán để ký đơn hàng cho những tháng cuối năm và năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán để ký đơn hàng cho những tháng cuối năm và năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Có được các kết quả trên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Đơn cử, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Ở chiều ngược lại, theo đại diện Bộ Công Thương, trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê cho thấy, chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 189,3 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023.

“Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định

Hơn nữa, xu hướng phục hồi của thị trường thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, nhất là một số nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam dần phục hồi.

Vì vậy, để tận dụng tốt các cơ hội thị trường, hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra từ đầu năm, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp kết nối sâu hơn với các đối tác nước ngoài.

 Doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi các cơ hội hợp tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi các cơ hội hợp tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết trong thời gian tới, Thương vụ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp kết nối, giới thiệu đối tác, tổ chức tham dự Hội chợ chuyên đề như: phối hợp Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ VASI tham dự Hội chợ Fabtech 2024 từ 13-22/10 tại Orlando; Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí điện Hamee tham dự Hội chợ IMTS do Hiệp hội Công nghệ sản xuất Hoa Kỳ tổ chức tại Chicago vào tháng 9/2024 và làm việc tại một số bang, cũng như phối hợp Tập đoàn THACO để nghiên cứu hướng mở Văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ cũng như đa dạng hóa đối tác thu mua sản phẩm sau khi đã xuất khẩu sản phẩm chủ lực Sơmi Rơmóc sang Hoa Kỳ.

“Đề nghị các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu” ông Hưng nhấn mạnh.

Còn tại thị trường Australia, ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia thông tin, người dân Australia rất chú trọng chất lượng sản phẩm, do vậy nếu muốn phát triển tại thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu trong việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Australia liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ… Bởi, việc tham gia hội chợ doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận hàng nghìn đối tác, nhà nhập khẩu, đồng thời nắm bắt được xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-thi-truong-chu-luc-deu-tang-truong-cao-xuat-khau-thu-ve-gan-227-ty-usd-post968809.vnp
Zalo