Các thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trong thành phố nên sắp xếp như thế nào?

Theo dự kiến kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 5.5 đến ngày 30.6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần nghị quyết 18.

Tuy nhiên, những thông tin quan trọng đã được Trung ương chủ động cho người dân biết để lấy ý kiến tham khảo. Đối với cấp tỉnh thành sẽ giảm từ 63 xuống còn 34, còn phường, xã giảm từ 10.035 xuống còn 5.000. Bộ máy hành chính chỉ còn 2 cấp là tỉnh, thành và thấp hơn là phường xã, không còn cấp trung gian là quận, huyện và thành phố trong thành phố.

Theo mô hình 2 cấp này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ giảm bộ máy cồng kềnh, tiết kiệm ngân sách, mà còn phù hợp với thời đại quản lý dựa trên nền tảng của kinh tế-xã hội số. Tuy nhiên, mô hình này xuất hiện một điểm cần xử lý một cách thận trọng và tinh tế. Đó là theo đề xuất, ngoài hai thành phố Hà Nội và Huế được giữ nguyên trong 11 tỉnh thành được giữ nguyên, còn lại tất cả các thành phố đều thuộc diện phải xắp xếp lại kể cả các thành phố trực thuộc trung ương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; hay các thành phố trực thuộc tỉnh, kể cả các thành phố loại 1 như: Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, Hải Dương, Pleiku, Long Xuyên, Vũng Tàu… Tất cả sẽ không còn tồn tại như một đơn vị hành chính độc lập mà sẽ chia ra thành phường thuộc tỉnh.

Các thành phố lớn thuộc vùng như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, các thành phố là trung tâm của tỉnh chính là đầu mối giao thông liên vùng, là nơi thu hút đầu tư từ các nơi khác kể cả từ nước ngoài... Ảnh: Nuyễn Minh Tú

Các thành phố lớn thuộc vùng như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, các thành phố là trung tâm của tỉnh chính là đầu mối giao thông liên vùng, là nơi thu hút đầu tư từ các nơi khác kể cả từ nước ngoài... Ảnh: Nuyễn Minh Tú

Một ví dụ cụ thể là trong dự kiến TP.HCM sẽ hợp nhất với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu để trở thành một đại đô thị mang tên là TP.HCM. Trong TP.HCM mở rộng (xin tạm gọi như vậy) sẽ có hai thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh là Thủ Dầu Một và Vũng Tàu, và 1 thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương, được gọi là thành phố đặc biệt, là TP Thủ Đức. TP. Thủ Dầu Một có 14 phường, với khoảng 350.000 dân (tương đương với quận 11, quận 7, quận 9 của TP.HCM), việc sáp nhập các phường lại chỉ còn 3 hay 4 phương là khả thi, nhưng với TP. Thủ Đức thì lại không dễ như thế, nếu theo mô hình hai cấp thì TP. Thủ đức sẽ bị giải thể và phân chia hay hợp nhất với các quận khác để thành 2 hay 3 phường mới nằm dưới quyền lãnh đạo của cấp trực tiếp là UBND, HĐND TP.HCM.

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam luôn luôn và thường xuyên dựa trên các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê Nin trong khi xây dựng các chính sách vĩ mô, vì thế trong trường hợp này tôi thấy cần dẫn ra hai quan điểm được coi là then chốt nhất. Lê Nin đưa ra quan điểm và nhấn mạnh rằng “nông thôn không thể bằng vai phải lứa với đô thị được, nhất là trong điều kiện lịch sử của thời đại. Đô thị luôn luôn dẩn dắt nông thôn, còn nông thôn tất yếu đi sau thành thị” (V.I Lê Nin toàn tập, tập 40, trang 5, bản tiếng nga).

Một quan điểm khác của Mác về điểm nút. Mác nói nhận thức con người đã rất mù mờ, lộn xộn, từ khi các phạm trù, khái niệm ra đời thì làm cho sáng rõ hơn, điều đó giống như các điểm nút trong một tấm lưới, không có điểm nút thì không có một tấm lưới mà chỉ là một đống sợi rối mù. Từ quan điểm này mà các nhà quy hoạch kinh tế xã hội, các nhà quy hoạch đô thị mới nhận rõ tính chất quan trọng của các thành phố. Chúng chính là các điểm nút của toàn bộ nền kinh tế và nhờ nó mà nền kinh tế vận hành được trơn tru.

Các thành phố lớn thuộc vùng như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, các thành phố là trung tâm của tỉnh chính là đầu mối giao thông liên vùng, là nơi thu hút đầu tư từ các nơi khác kể cả từ nước ngoài, là nơi tích tụ tập trung các dịch vụ lớn như: ngân hàng, trường đại học, bệnh viện, là nơi tiếp nhận từ các nơi đến và phân phối đi các chốn các nguồn lực quan trọng nhất bao gồm: thông tin, tiền, hàng hóa, nhân lực, tài nguyên, vật tư, thiết bị kỹ thuật, và lợi nhuận. Chính nhờ có các nút đô thị mà tránh được tình trạng nhà nước đầu tư rải mành mành, dàn trải, hơn thế nữa các điểm đô thị chính là điểm nút của cả một hệ thống hành chính quốc gia. Khi cần nắm toàn bộ hệ thống chính trị-hành chính và kinh tế-xã hội thì nhà nước sẽ nắm các điểm nút, chứ không ôm đồm tất cả, như thế vừa không thể và không nên.

Với tư cách là một chuyên gia đô thị học có kinh nghiệm, tôi nhận thấy cần cân nhắc kỹ hơn đối với đô thị. Vẫn trên tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" như Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt, nhưng trong khi chúng ta chưa xây dựng được một nền tảng luận thuyết vững chắc cho hành động thì giai đoạn trước mắt tập trung tinh giản hành chính ở hai cấp tỉnh và xã, thành phố trung bình và phường. Tạm thời duy trì hệ thống đô thị được coi là điểm nút quan trọng của vùng chưa động đến, đó là các thành phố đặc biệt, các thành phố loại 1 trực thuộc TW và thành phố lớn loại 1 trực thuộc tỉnh, hoặc chưa phải lớn như lại đóng một vai trò đặc biệt quan trọng ở một khu vực nào đó. Loại thành phố như thế này tất cả chỉ có 25 thành phố.

Trong tương lai xa cần duy trì hệ thống các thành phố trực thuộc TW theo hướng tinh, gọn, thật mạnh trở thành động lực đột phá của từng vùng, chứ không nên dàn mỏng làm yếu đi sức mạnh do kết hợp với các đơn vị khác. TW sẽ trực tiếp chỉ đạo về định hướng, đầu tư lớn và phân quyền mạnh mẽ triệt để cho các thành phố này. Đồng thời cần nhắc mở rộng danh sách các thành phố trực thuộc TW nhiều hơn 5 thành phố như hiện nay. Trong trường hợp này thì Thủ Đức không phải hạ cấp xuống phường mà trở thành thành phố độc lập trực thuộc TW không thuộc TP. HCM nữa, khi ấy sức mạnh của nó sẽ được phát huy tối đa.

Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Thành phố Thủ Đức với hơn 1,2 triệu dân và GRDP năm 2023 đạt trên 12 tỷ USD và đang được kỳ vọng là cực tăng trưởng đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính, công nghệ của TP.HCM. Nếu xóa cấp thành phố và chia nhỏ Thủ Đức thành vài phường tách biệt, thì toàn bộ tầm nhìn chiến lược, khả năng phối hợp quy hoạch, hạ tầng, giao thông và thu hút đầu tư sẽ bị triệt tiêu”[1].

Một vấn đề nữa cần bàn kỹ hơn là Bộ Nội vụ đề xuất chấm dứt tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng từ 1.5.2026. Điều này có nghĩa là chúng ta lại quay trở lại với mô hình quản lý truyền thống đã tồn tại từ lâu là coi chính quyền của các thành phố và nông thôn không khác biệt. Điều này có thể đúng với Luật Chính quyền địa phương, nhưng sẽ làm hạn chế vai trò “dẫn dắt” và “điểm nút” của đô thị.

PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa (nguyên Giám đốc Mạng lưới phát triển đô thị bền vững châu Á, tại Việt Nam)

______________

[1] https://vietnamnet.vn/vi-sao-nen-coi-cac-do-thi-truc-thuoc-tinh-la-cap-chinh-quyen-co-so-2385544.html

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cac-thanh-pho-truc-thuoc-tinh-thanh-pho-trong-thanh-pho-nen-sap-xep-nhu-the-nao-47796.html
Zalo