Các tên gọi sau sáp nhập ở Đồng Tháp tạo sự đồng thuận lớn
Sáng 24/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đột xuất để xem xét, cho ý kiến một số nội dung Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Đề án kết thúc hoạt động đảng bộ huyện, thành phố; dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.

Đại biểu thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA).
Liên quan đến Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Tháp, Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã có tờ trình của Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh về báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp có số lượng đơn vị hành chính cấp xã là 141 xã, phường, thị trấn (trong đó có 114 xã, 18 phường và 9 thị trấn). Tất cả đơn vị hành chính cấp xã đều thực hiện sắp xếp, thành 45 xã, phường.
Cử tri địa phương thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi được lấy ý kiến, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến phát triển địa phương.
Số cử tri đồng ý với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn (còn 45 xã), là 418.954 hộ, đạt tỷ lệ 96,80%.
Đáng chú ý, qua kết quả lấy ý kiến cử tri cho thấy, việc thành lập phường Cao Lãnh trên cơ sở nhập phường 1, phường 3, phường 4, phường 6, phường Hòa Thuận, xã Hòa An, xã Tân Thuận Tây, xã Tân Thuận Đông, xã Tịnh Thới của thành phố Cao Lãnh, có 28.810 cử tri đồng ý, đạt tỷ lệ 99,64%; có 93 cử tri không đồng ý, tỷ lệ 0,32%. Đây là 1 trong hai đơn vị hành chính tại Đồng Tháp có tỷ lệ cử tri không đồng ý thấp nhất trong số các đơn vị hành chính báo cáo.

Đại biểu thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA).
Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã báo cáo kết quả lấy ý kiến cấp ủy địa phương, ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến các nội dung như: Thống nhất điều chỉnh bổ sung phương án thành lập xã Thanh Bình: nhập thêm ấp Nam của xã Tân Thạnh. Thống nhất điều chỉnh tên xã Tân Huề thành xã Tân Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại xã Tân Bình. Thống nhất điều chỉnh trung tâm chính trị - hành chính xã Mỹ Quí (mới) đặt tại xã Mỹ Quí hiện tại. Thống nhất điều chỉnh tên xã Tam Nông thành xã Tràm Chim và điều chỉnh xã Phú Hiệp thành xã Tam Nông.
Tại hội nghị, có 100% các đồng chí có mặt biểu quyết thống nhất thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Tháp; Đề án kết thúc hoạt động đảng bộ huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và thành lập đảng bộ xã, phường trực thuộc Tỉnh ủy; Dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp…
Về thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, dự kiến đại hội đại biểu đảng bộ xã, phường không quá 2 ngày và hoàn thành trước ngày 31/8/2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết: Quá trình chuẩn bị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được tỉnh làm hết sức cẩn trọng với nhiều lần thảo luận, nhiều góc độ tiếp cận để lựa chọn phương án tối ưu nhất và cân nhắc tính toán yếu tố lợi thế, yếu tố truyền thống lịch sử, kể cả tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới...
Do đó, quá trình sáp nhập, có thể 1 xã, 2 xã, phường ở đơn vị hành chính huyện, thành phố này sáp nhập với 1 xã, phường liền kề ở đơn vị hành chính huyện, thành phố khác.
Đồng chí chỉ ra việc sáp nhập như thế, với mong muốn không gian phát triển được mở rộng và hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.
Việc đặt tên sau sáp nhập, các địa phương đã tôn trọng tên gọi gắn liền với yếu tố truyền thống lịch sử, tỉnh cũng cố gắng giữ lại được 1 tên địa giới hành chính trong những xã, phường sau sáp nhập.
Đối với việc 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang dự kiến sáp nhập, qua rà soát, 2 tỉnh này có trùng một số tên xã. Cả 2 tỉnh đã chủ động trao đổi, thống nhất đặt tên xã, phường, nên đã tránh được chuyện trùng lắp.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA).
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, sau khi xong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các bộ phận phải nhanh chóng tiếp cận sự chỉ đạo của trung ương về xây dựng bộ tài liệu để hướng dẫn các đồng chí trong triển khai việc sắp xếp, tổ chức vận hành bộ máy cấp xã.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, có những cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được bổ nhiệm ở vị trí thấp hơn, thậm chí đang có chức vụ thành chuyên viên.
Tôi đề nghị các huyện, thành phố làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ. Điều quan trọng nhất là lựa chọn được nhân tố lãnh đạo có tính thuyết phục, thì sẽ không có sự lăn tăn về công tác cán bộ. Việc bố trí cán bộ, trong đó có cán bộ lãnh đạo sẽ có quy trình, cách làm chặt chẽ” - đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý đối với việc để giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân, nếu phải lập thêm văn phòng ở xã cũ thì cũng phải thực hiện thời gian ngắn chứ không dài, vì cấp xã cần tập trung, ổn định sớm nơi làm việc để tránh lãng phí…
Tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang để thực hiện đề án sắp xếp cấp tỉnh cũng như công tác cán bộ.
Việc đi công tác tại trung tâm hành chính mới (dự kiến thành phố Mỹ Tho) vừa là trách nhiệm, vừa là thời điểm lịch sử để cùng góp sức đưa tỉnh Đồng Tháp mới phát triển.
Do đó, đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị các cán bộ, công chức phải trên tinh thần sẵn sàng. Đồng chí cũng khẳng định trách nhiệm của tổ chức, của tỉnh sẽ quan tâm, sẽ tính đến điều kiện công tác, ở, đi lại…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trao quyết định và tặng hoa chúc mừng 2 đồng chí Phan Văn Hợp và Bùi Thanh Tiền. (Ảnh: HỮU NGHĨA).
Hội nghị cũng đã công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ.
Theo đó, Ban Bí thư chuẩn y đồng chí Phan Văn Hợp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025; chuẩn y đồng chí Bùi Thanh Tiền, Chánh Văn phòng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham gia Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025.