Các quy định về Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý

Theo quy định của pháp luật về dân sự, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng ký kết với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

Hỏi: Tôi là nguyên đơn trong vụ án dân sự tranh chấp về tài sản, do thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tôi được hướng dẫn viết đơn yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, vậy tôi muốn hiểu rõ các quy định của pháp luật về Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý?

Trả lời: Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, theo đó, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng ký kết với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp ký kết hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư).

Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được ký kết giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý về việc thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về dân sự.

Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:

a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;

b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;

c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;

d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư có đủ điều kiện sau đây:

a) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư;

b) Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.

Tổ chức, luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) thực hiện các vụ việc do Sở Tư pháp, Trung tâm giao hoặc trực tiếp nhận yêu cầu thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Tổ chức, cá nhân thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý, nội dung hợp đồng; có trách nhiệm bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và hợp đồng./.

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC KẠN

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/cac-quy-dinh-ve-luat-su-tham-gia-tro-giup-phap-ly-post65143.html
Zalo