Các quốc gia quyết liệt phản đối đề xuất chi quốc phòng mới của ông Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề xuất các quốc gia thành viên NATO nâng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, tăng đáng kể so với mục tiêu 2% hiện tại. Đề xuất này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ các quốc gia châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng của Đức, Pháp, Anh, Ý, và Ba Lan – năm quốc gia có chi tiêu quân sự lớn nhất châu Âu – khẳng định cam kết tăng cường đầu tư vào quốc phòng, nhưng cho rằng việc đáp ứng mục tiêu 5% là rất khó khăn. Cuộc họp gần đây tại Warsaw tập trung vào việc duy trì hỗ trợ Ukraine và tăng cường sản xuất vũ khí nội địa, trong bối cảnh lo ngại về khả năng thay đổi chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius (bên phải) bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của việc chỉ tập trung vào tỷ lệ phần trăm GDP. Ảnh: EPA-EFE

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius (bên phải) bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của việc chỉ tập trung vào tỷ lệ phần trăm GDP. Ảnh: EPA-EFE

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của việc chỉ tập trung vào tỷ lệ phần trăm GDP. Ông cho rằng đề xuất này thiếu tính khả thi, vì việc chi 5% GDP cho quốc phòng sẽ chiếm hơn 40% ngân sách quốc gia, một mục tiêu khó có thể thực hiện được. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Ý, Guido Crosetto, cho rằng tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế là thách thức lớn. Ông đề xuất cần kết hợp các mục tiêu quốc phòng với tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu, nhấn mạnh tăng chi tiêu quốc phòng cần bao gồm cả các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như tấn công mạng và chống khủng bố. Ông cảnh báo tình hình hiện tại còn phức tạp hơn thời Chiến tranh Lạnh, đặc biệt với sự gia tăng quân sự hóa trong không gian kỹ thuật số. Ông Lecornu cho rằng các quốc gia có thể bị đánh bại mà không cần trải qua một cuộc chiến tranh truyền thống, điều này đòi hỏi các biện pháp bảo vệ phải mở rộng ra ngoài phạm vi quân sự thông thường.

Tổng thư ký NATO, Mark Rutte, lưu ý các quốc gia thành viên cần đẩy mạnh mua sắm chung và tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có. Ông cảnh báo nếu không thực hiện những biện pháp này, chi tiêu quốc phòng có thể phải tăng lên 3,7% GDP. Hiện tại, trong số 32 quốc gia thành viên NATO, chỉ có 24 quốc gia đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng.

Tại cuộc họp, các bộ trưởng quốc phòng tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine, nhấn mạnh Kiev phải được bảo đảm quyền tự quyết và chủ quyền đối với tương lai của mình.Tuy nhiên, có những lo ngại về việc ông Trump có thể thúc đẩy Ukraine đưa ra các nhượng bộ khó có thể chấp nhận đối với Nga.

Cuộc họp tại Warsaw cũng nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường sản xuất vũ khí nội địa để đáp ứng nhu cầu quốc phòng ngày càng tăng. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP của Tổng thống đặc cử Donald Trump đã làm dấy lên các cuộc thảo luận căng thẳng giữa các thành viên NATO. Trong khi các quốc gia cam kết tăng đầu tư quốc phòng, họ cũng đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân bằng ngân sách quốc gia, hỗ trợ Ukraine, và xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống. Các cuộc họp trong thời gian tới sẽ quyết định cách NATO đối phó với yêu cầu này, cũng như chuẩn bị cho các thay đổi tiềm tàng trong chính sách của Mỹ.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-quoc-gia-quyet-liet-phan-doi-de-xuat-chi-quoc-phong-moi-cua-ong-trump.html
Zalo