Các quốc gia đang phát triển phải chi số tiền khổng lồ để trả nợ
Các nền kinh tế đang phát triển đang phải đối phó với các khoản thanh toán lãi vay tăng vọt trên khoản nợ khổng lồ 29.000 tỷ USD tích tụ trong thập kỷ qua.
Gánh nặng lãi vay
Theo báo cáo nợ hàng năm của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nợ của thị trường mới nổi đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua lên khoảng 29.000 tỷ USD, phần lớn trong số đó đến từ các khoản vay trong nước.
Điều này khiến các quốc gia phải gánh chịu các khoản thanh toán lãi cũng như các kỳ hạn trái phiếu cần phải trả hoặc tái cấp vốn. Theo JPMorgan, trong 2 năm tới, khoảng 190 tỷ USD nghĩa vụ nợ sẽ đến hạn đối với trái phiếu nước ngoài.
Một số quốc gia rủi ro nhất đã phải trả lãi suất hơn 9% để khai thác thị trường nợ quốc tế và gia hạn các kỳ hạn.
Cũng theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, các quốc gia đang phát triển đã chi 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2023 để trả nợ nước ngoài.
Chi phí vay mượn đã đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm khi các ngân hàng trung ương gia tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Thêm vào đó, việc đồng nội tệ mất giá cùng sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ, đặc biệt đối với các quốc gia nghèo nhất.
Trong năm 2023, các quốc gia đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới đã chi tổng cộng 96,2 tỷ USD để trả nợ. Trong đó, chi phí lãi suất đạt mức kỷ lục 34,6 tỷ USD, tăng gấp bốn lần so với một thập kỷ trước. Trung bình, các quốc gia IDA dành gần 6% thu nhập từ xuất khẩu để trả lãi suất, mức cao nhất kể từ năm 1999. Trong một số trường hợp, tỷ lệ này lên tới 38%, gây áp lực nghiêm trọng lên ngân sách quốc gia.
Còn theo báo cáo của Liên hợp quốc, 54 quốc gia đang chi hơn 10% doanh thu cho các khoản thanh toán lãi vay. Một số quốc gia bao gồm Pakistan và Nigeria đang sử dụng tới hơn 30% doanh thu chỉ để trả tiền lãi trái phiếu.
“Gánh nặng lãi vay là rất lớn… Có rất nhiều sự hỗn độn với rất nhiều rủi ro”, Roberto Sifon-Arevalo, Giám đốc xếp hạng tín nhiệm quốc gia toàn cầu tại S&P Global Ratings cho biết.
Đây cũng là một thách thức bổ sung trong năm tới với nhiều bất ổn đối với các thị trường mới nổi. Tác động của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với triển vọng lãi suất của Mỹ và đồng đô la, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã tạo tiền đề cho một năm 2025 đầy biến động.
“Phao cứu sinh” từ các tổ chức đa phương
Mặc dù áp lực từ các khoản vay là rất lớn, tuy nhiên chính phủ các quốc gia trên đã xoay xở để vượt qua mà không có một vụ vỡ nợ quốc gia nào xảy ra vào năm 2024. Bên cạnh đó, cũng sẽ khó có bất kỳ quốc gia nào vỡ nợ vào năm tới, nguyên nhân chính là vì các tổ chức quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang vào cuộc và thị trường vốn quốc tế mở cửa trở lại cho một số bên đi vay.
Bối cảnh này đã giúp giải quyết các cuộc đàm phán nợ đã bị đình trệ trong nhiều năm. Như IMF đang đàm phán với Argentina để đạt được thỏa thuận vào cuối năm nhằm thay thế và có thể mở rộng thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD hiện tại.
Tại châu Á, IMF đã cứu trợ Sri Lanka và Pakistan trong năm nay. Vào tháng 10, Angola đã đưa ra ý tưởng khởi động các cuộc đàm phán với IMF về một chương trình mới, nhưng sau đó cho biết rằng hiện tại IMF sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Theo các chiến lược gia của Morgan Stanley, khoảng 27% các thị trường mới nổi đang tham gia các chương trình của IMF và số lượng các quốc gia dựa vào chương trình của IMF sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: “Các tổ chức đa phương đã trở thành “phao cứu sinh” cho các quốc gia nghèo đang phải cân bằng giữa việc trả nợ và đầu tư vào y tế, giáo dục và các lĩnh vực phát triển thiết yếu.”
Mặc dù vậy, các nhà phân tích của S&P dự kiến sẽ có nhiều vụ vỡ nợ hơn trong thập kỷ tới so với trước đây, do mức nợ và chi phí vay. Ngân hàng Thế giới gần đây cũng đã cảnh báo về các khoản thanh toán lãi suất cao kỷ lục của các quốc gia nghèo.
Khả năng xảy ra một làn sóng vỡ nợ khác nhấn mạnh triển vọng rủi ro đối với các nhà đầu tư trái phiếu thị trường mới nổi, sau khi chịu ảnh hưởng lớn bởi một loạt các vụ vỡ nợ sau đại dịch. Ethiopia là quốc gia đang phát triển cuối cùng vỡ nợ vào cuối năm 2023.
Điều này cũng đồng nghĩa với áp lực đang gia tăng đối với các tổ chức đa phương như IMF để tiếp tục can thiệp và đưa ra các biện pháp hỗ trợ.