Các phim Hàn Quốc về thảm họa thu hút khán giả tại phòng vé Việt

Một phim mượn bối cảnh sự kiện có thật, một phim hư cấu song đều xây dựng thành công cảm giác kịch tính, giữ chân khán giả bằng sự hồi hộp 'ngàn cân treo sợi tóc.'

 Phim "Dự án mật: Thảm họa trên cầu"

Phim "Dự án mật: Thảm họa trên cầu"

Ra mắt khán giả Việt từ ngày 19/7, hai phim “Dự án mật: Thảm họa trên cầu” (Project Silence) và “Vây hãm trên không” (Hijack 1971) vẫn duy trì số suất chiếu nhiều thứ nhì và ba tại phòng vé.

“Quỷ cẩu” trên cầu

Phim “Dự án mật: Thảm họa trên cầu” có tựa tiếng Anh là “Project Silence” và đây cũng chính là tên của dự án dẫn đến bi kịch trong phim.

Nhân vật chính, Cha Jeong-won, là một nhân viên của ban an ninh Nhà xanh, thuộc phe cánh của ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống. Vào một đêm lái xe dưới sương mù dày đặc, anh và con gái bị chặn trên cầu dây văng vì có vụ đâm liên hoàn.

Tai nạn cũng khiến chiếc xe chở loạt thí nghiệm lỗi - một đàn chó pitbull hung dữ - đi tiêu hủy bị hư hại, khiến chúng lọt ra ngoài. Đây là chó nghiệp vụ bị gắn chíp điều khiển để tấn công, hủy diệt khủng bố, đặc biệt nguy hiểm.

Cầu bị chặn 2 đầu, còn đàn chó gặp lỗi kỹ thuật và bắt đầu săn lùng, giết chết dân thường. Cha Jeong-won cố gắng bảo vệ cho một nhóm công dân chạy trốn, đồng thời tìm mọi cách để liên lạc về ban an ninh cầu viện cứu nạn. Cuối cùng, Cha phát hiện kẻ đứng sau dự án phi pháp này lại là ứng cử viên số 1 nọ. Hắn sinh ra dã tâm bỏ mặc những người sống để bịt đầu mối.

Trên các diễn đàn phim ảnh, khán giả Việt nhận xét bộ phim gây dựng thành công không khí hồi hộp, thông qua các yếu tố như làn sương dày đặc, nỗi sợ cầu dây văng đứt dây và nổi bật hơn cả là đàn chó nguy hiểm.

Nhiều khán giả liên tưởng tới phim “” (2023) của Việt Nam khi những con chó hóa điên, hóa dại và bắt đầu tấn công con người. Kỹ xảo trong "Dự án mật" chưa đạt mức hoàn hảo song những pha tấn công của đàn chó ghi điểm nhờ mô tả được sự hung tợn và tàn bạo.

Song song với tuyến chuyện về hành trình sinh tồn, “Dự án mật: Thảm họa trên cầu” còn xây dựng thành công nhân vật chính, từ một kẻ vốn bất chấp tất cả cho cuộc chơi chính trị của mình, trở thành một người hùng bất đắc dĩ, vứt bỏ hết những toan tính chính trường và thí mạng mình để cứu mọi người.

“Dự án mật: Thảm họa trên cầu” từng ra mắt tại Liên hoan Phim Cannes trong năm 2023. Đây cũng là phim cuối tài tử Lee Sun-kyun (vai Cha Jeong-won) đóng trước khi qua đời do tai nạn. Lee Sun-kyun là diễn viên có thực lực, nổi danh với phim “Ký sinh trùng” (Parasite) từng đoạt giải Oscar cho phim hay nhất 2019.

Tính đến 1/8 phim đã thu hơn 4,2 triệu USD toàn cầu và khoảng 25 tỷ đồng tại Việt Nam.

Thảm họa không tặc

“Vây hãm trên không” (Hijack 1971) lấy cảm hứng từ sự kiện không tặc có thật năm 1969 tại Hàn Quốc. Kẻ tấn công khi đó yêu cầu chuyển bay đổi hướng bay về phía Bắc Triều Tiên thay vì thành phố Gimpo, Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) như lộ trình.

Phim điện ảnh hư cấu lấy bối cảnh 2 năm sau sự kiện, trên một chuyến bay dân sự chở 127 hành khách từ thành phố Sokcho đến Gimpo. Không lâu sau khi máy bay cất cánh, tên không tặc tên Yong-dae bắt đầu lộ diện và ra tay. Hắn kích hoạt một vụ nổ và bắt đầu uy hiếp các hành khách, tổ tiếp viên và tổ bay.

 Hai diễn viên Ha Jung-woo và Sung Dong-il trong vai cơ phó, cơ trưởng

Hai diễn viên Ha Jung-woo và Sung Dong-il trong vai cơ phó, cơ trưởng

Nhân vật chính trong phim là cơ phó Gyu-sik, cùng từng là cựu phi công quân sự nhưng bị trục xuất khỏi quân ngũ vì đã không thể bảo vệ người dân trong vụ không tặc năm 1969.

Cuộc tấn công hiện tại gây ám ảnh cho anh. Đây vừa là động lực vừa là trách nhiệm để anh sửa sai. Trong khi đó Yong-dae cũng vì từng liên quan đến vụ không tặng năm xưa mà chịu cuộc sống khổ sở. Hắn quyết định tái hiện lịch sử vì mục đích phục thù.

Từ đây, cuộc đấu trí giữa cơ phó và tên không tặc trở thành yếu tố trung tâm. Gyu-sik vừa phải phụ trách chuyến bay, vừa phải nghĩ cách cầm chân tên không tặc bằng sự mềm mỏng, thương lượng để kéo dài thời gian đến điểm đỗ khẩn cấp. Với anh đây cũng là cơ hội để phục hồi danh dự.

 Gyu-sik đối diện với tên không tặc

Gyu-sik đối diện với tên không tặc

 Yong-dae

Yong-dae

Kịch bản của “Vây hãm trên không” không đặc biệt mới hoặc độc đáo, song vẫn được đánh giá là hiệu quả nhờ nhiều yếu tố: Tính chân thực và thuyết phục, diễn viên tròn vai và có động lực, động cơ khá rõ ràng. Bối cảnh chính trị phức tạp giữa hai miền Triều Tiên cũng đóng góp vào tính căng thẳng trong phim.

Các cảnh quay sử dụng kỹ xảo điện ảnh cũng vừa đủ đạt mức ổn. Khán giả Việt nhận định nhiều cảnh quay và phần thiết kế âm thanh gợi nhớ đến các phim về không chiến và hàng không khác như “Top gun” hay “Sully”...

Phim đạt doanh số 12 triệu USD toàn cầu, khoảng 8 tỷ đồng tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-phim-han-quoc-ve-tham-hoa-thu-hut-khan-gia-tai-phong-ve-viet-post968042.vnp
Zalo