Các nước xuất khẩu dầu nhỏ trước cơn sóng thần của thị trường

Giá dầu thô rơi mạnh do ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo áp lực không nhỏ lên ngân sách của nhiều quốc gia xuất khẩu dầu, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.

Giá dầu thô giảm mạnh đang tạo áp lực lớn lên ngân sách của nhiều quốc gia xuất khẩu dầu, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Hình minh họa

Giá dầu thô giảm mạnh đang tạo áp lực lớn lên ngân sách của nhiều quốc gia xuất khẩu dầu, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Hình minh họa

Trong khi đó, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến cả các nước nhập khẩu dầu cũng không được hưởng lợi như kỳ vọng.

Chỉ trong một tuần, giá dầu Brent đã giảm hơn 20%, rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, sau khi ông Trump công bố loạt thuế quan mới hôm 2/4. Dù giá đã hồi phục về khoảng 66 USD/thùng, trước đó đã có lúc tụt xuống dưới 60 USD – mức giá khiến nhiều nước xuất khẩu bắt đầu “đứng ngồi không yên”.

Bên hưởng lợi, bên điêu đứng

Các nước nhập khẩu dầu như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Maroc hay nhiều nước ở khu vực châu Âu mới nổi nhìn chung được hưởng lợi khi chi phí năng lượng giảm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như nhóm nước vùng Vịnh, Nigeria, Angola, Venezuela, hay Brazil, Colombia, Mexico lại phải đối mặt với nguy cơ thất thu lớn về ngoại tệ.

“Các nước xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng hơn nhiều so với lợi ích mà bên nhập khẩu nhận được”, ông Thomas Haugaard, Giám đốc đầu tư thị trường mới nổi tại Janus Henderson Investors, nhận định. Ông cũng cảnh báo rằng giá dầu thấp có thể kéo theo nguy cơ tín dụng gia tăng, vì xuất khẩu dầu thường chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách các nước này.

Theo phân tích của Morgan Stanley, mức giá dầu hiện tại thấp hơn nhiều so với giả định trung bình khoảng 69 USD/thùng mà các quốc gia xuất khẩu đưa vào dự toán ngân sách. Trong đó, Angola và Bahrain được đánh giá là hai nước dễ bị tổn thương nhất.

Angola – điểm nóng đầu tiên

Angola là một trong những nước cảm nhận rõ ràng sức ép này. Tuần trước, Chính phủ nước này đã phải chi 200 triệu USD để đáp ứng yêu cầu “margin call” từ ngân hàng JPMorgan – nghĩa là phải bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay hoán đổi lợi suất trị giá 1 tỷ USD mà Angola ký hồi tháng 12/2024. Tài sản đảm bảo của khoản vay này là trái phiếu Chính phủ bằng USD của Angola.

Bộ Tài chính Angola xác nhận với Reuters rằng khoản thanh toán đã được thực hiện đúng hạn và bằng tiền mặt. Bộ cũng giải thích rằng hình thức vay thế chấp tài sản được lựa chọn là nhằm quản lý nghĩa vụ nợ trong bối cảnh khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế bị thu hẹp, do quốc gia này đang gánh nợ nước ngoài lớn – đặc biệt là với Trung Quốc và các chủ nợ thương mại khác.

Giống nhiều quốc gia thuộc nhóm thị trường biên (frontier markets), trái phiếu USD của Angola đang bị bán tháo mạnh sau những biến động từ chính sách thuế của Mỹ, khiến lợi suất vọt lên mức hai con số – phản ánh rủi ro tài chính ngày càng gia tăng.

Hiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp nợ công của Angola vào nhóm “rủi ro cao” về khả năng vỡ nợ. Dù vậy, Chính phủ Angola vẫn khẳng định rằng họ đang kiểm soát tốt tình hình và lộ trình xử lý nợ công vẫn đi đúng hướng.

Một số thương vụ trái phiếu bắt đầu "rục rịch" đổ vỡ vì giá dầu giảm

Giá dầu thô sụt giảm đang bắt đầu làm lung lay thị trường trái phiếu tại các nền kinh tế biên – nơi từng duy trì sự ổn định suốt hơn một năm qua, theo báo cáo mới nhất của JPMorgan.

Báo cáo chỉ ra rằng chiến lược đầu tư "carry trade" tại Nigeria là ví dụ điển hình. Trong chiến lược này, nhà đầu tư rót vốn vào tín phiếu kho bạc của Nigeria – quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn – với kỳ vọng rằng đồng naira sẽ giữ ổn định so với đồng USD. Nhưng nếu giá dầu tiếp tục trượt dốc, đồng nội tệ Nigeria có thể mất giá nhanh, và khi đó nhà đầu tư sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn.

“Ngân hàng trung ương Nigeria đã phải đẩy mạnh bán USD để duy trì khả năng chuyển đổi ngoại tệ và giảm thiểu biến động quá mức trên thị trường”, JPMorgan cho biết.

Cải cách có nguy cơ chững lại

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu giá dầu ở mức thấp kéo dài, tiến trình cải cách kinh tế ở nhiều nước – đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ – có thể bị đình trệ hoặc thậm chí đảo ngược.

Tại Nigeria, dầu mỏ hiện chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu và dự kiến đóng góp khoảng 56% nguồn thu ngân sách trong năm 2024. Chính phủ nước này đã xây dựng ngân sách dựa trên giá dầu 75 USD/thùng, nhưng giờ đang buộc phải tính toán lại. “Chúng tôi đang phải xem xét và điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch ngân sách”, Bộ trưởng Tài chính Nigeria, Wale Edun, cho biết trong một cuộc họp báo gần đây.

Ở phía khác, các nước xuất khẩu dầu thuộc vùng Vịnh như Ả Rập Xê Út và UAE được đánh giá có “nội lực” tốt hơn nhờ dự trữ ngoại tệ lớn, nợ công thấp và nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế những năm gần đây. Tuy nhiên, giá dầu thấp vẫn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu – bao gồm nhiều dự án tham vọng của Ả Rập Xê Út.

Nhập khẩu dầu: Hưởng lợi nhưng chưa chắc an toàn

Về lý thuyết, các nước nhập khẩu dầu tại các thị trường mới nổi sẽ được lợi nhờ chi phí nhập khẩu giảm, từ đó giúp cải thiện lợi nhuận và giảm áp lực lạm phát. Dẫu vậy, tình hình vẫn không hoàn toàn khả quan.

“Giá dầu thấp đúng là giúp ích phần nào cho các nước nhập khẩu, nhưng khó có thể bù lại những rủi ro lớn đến từ xung đột thương mại và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu”, Monica Malik, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, nhận định.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-nuoc-xuat-khau-dau-nho-truoc-con-song-than-cua-thi-truong-726479.html
Zalo